Levodopa là thuốc thường được sử dụng trong điều trị Parkinson. Để tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ, bệnh nhân có thể phối hợp Levodopa với Carbidopa có trong sản phẩm Masopen. Vậy thuốc Masopen là thuốc gì và sử dụng như thế nào?
1. Thuốc Masopen là thuốc gì?
Masopen là sản phẩm phối hợp giữa 2 hoạt chất là Levodopa và Carbidopa với các dạng hàm lượng như 250/25, 100/25, 100/10 và 50/12.5.
Levodopa là tiền chất của dopamin được sử dụng như liệu pháp thay thế trong điều trị Parkinson. Thành phần còn lại trong thuốc Masopen là Carbidopa, đây là chất ức chế enzym Decarboxylase ngoại biên, có tác dụng ức chế chuyển hóa Levodopa thành Dopamin nên giúp tăng số lượng Levodopa vào được hàng rào máu não. Do đó, việc kết hợp với Carbidopa giúp liều dùng của Levodopa được giảm thấp đi với mục đích giảm nguy cơ cũng như mức độ nghiêm trọng của các tác dụng ngoại ý.
Masopen có hiệu quả trong việc điều trị giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson, đặc biệt là co cứng, vận động chậm và một số triệu chứng khác như run, khó nuốt, bất ổn tư thế liên quan đến Parkinson và các hội chứng.
2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Masopen
Thuốc Masopen được chỉ định trong điều trị các triệu chứng bệnh Parkinson và các hội chứng như hội chứng Parkinson sau viêm não, sau nhiễm độc carbon monoxide và nhiễm độc mangan.
Chống chỉ định sử dụng Masopen trong các trường hợp sau:
- Quá mẫn với Levodopa, Carbidopa hay bất kỳ thành phần nào khác của thuốc;
- Chống chỉ định kết hợp Masopen với nhóm ức chế men MAO không chọn lọc (bệnh nhân cần ngưng nhóm thuốc này ít nhất 2 tuần trước khi bắt đầu điều trị với Masopen);
- Không dùng Masopen cho bệnh nhân tăng nhãn áp góc hẹp;
- Người nghi ngờ có tổn thương da, chưa được chẩn đoán hoặc tiền sử mắc bệnh u melanin;
- Bệnh nhân rối loạn tâm thần mức độ nặng.
3. Liều dùng, cách dùng thuốc Masopen
Do hiệu quả điều trị và các phản ứng phụ khi điều trị bằng Masopen xuất hiện sớm hơn so với Levodopa đơn trị liệu, nên bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ trong khoảng thời gian điều chỉnh liều dùng. Đặc biệt lưu ý đến những triệu chứng như cử động không chủ ý hay co thắt phế quản, vì đó có thể là dấu hiệu sớm của tình trạng quá liều ở bệnh nhân.
Liều khuyến cáo của Masopen ở bệnh nhân không dùng Levodopa trước đó:
- Liều khởi đầu: 1 viên Masopen 100/25 x 3 lần uống mỗi ngày, tương đương 75mg Carbidopa. Trường hợp cần thiết có thể tăng liều 1 viên Masopen 50/12.5 hoặc 100/25 mỗi ngày cho đến liều tối đa Levodopa/Carbidopa 800/200mg;
- Nếu sử dụng Masopen 100/10 hoặc Masopen 50/12.5, bệnh nhân có thể khởi đầu với liều 1 viên x 3 hoặc 4 lần uống mỗi ngày. Sau đó có thể tăng thêm 1 viên/ngày cho đến khi đạt liều tối đa;
- Đáp ứng điều trị với thuốc Masopen có thể đạt được sau 1 ngày, và đôi khi là sau 1 liều thuốc nhưng hiệu quả tối ưu nhất thường đạt được trong vòng 7 ngày (nhanh hơn so với đơn trị liệu bằng Levodopa);
- Masopen 50/12.5 hoặc 100/10 có ưu điểm dễ chỉnh liều theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
Liều Masopen khuyến cáo cho bệnh nhân đang điều trị bằng Levodopa:
- Người bệnh cần ngưng Levodopa ít nhất 12 giờ trước khi bắt đầu sử dụng Masopen. Trong đó liều Masopen nên xấp xỉ khoảng 20% liều Levodopa mỗi ngày trước đó;
- Những bệnh nhân đang dùng liều dưới 1500mg Levodopa nên bắt đầu với Masopen 100/25 x 3 hoặc 4 lần mỗi ngày theo đáp ứng của bệnh nhân;
- Liều khởi đầu được khuyến cáo cho đa số trường hợp đang dùng Levodopa lớn hơn 1500mg/ngày là Masopen 250/25 x 3 hoặc 4 lần/ngày.
Liều duy trì của thuốc Masopen:
- Điều trị bằng Masopen nên được cá thể hóa và điều chỉnh theo đáp ứng người bệnh. Khi cần tăng Liều carbidopa có thể thay thế viên Masopen 100/10 bằng Masopen 100/25 hoặc 50/12.5;
- Trường hợp cần tăng liều Levodopa nên ưu tiên sử dụng Masopen 250/25 với liều 1 viên x 3 hoặc 4 lần mỗi ngày, khi cần thiết có thể đến liều tối đa là 8 viên Masopen 250/25.
Liều khuyến cáo của Masopen cho bệnh nhân đang điều trị kết hợp Levodopa với một chất ức chế decarboxylase khác:
- Trường hợp này khi chuyển sang dùng Masopen cần ngưng dùng thuốc điều trị trước đó ít nhất 12 giờ;
- Liều Masopen khởi đầu cần có hàm lượng Levodopa tương đương với liều Levodopa trong phối hợp Levodopa/ức chế Decarboxylase khác.
Liều dùng Masopen cho bệnh nhân đang dùng các thuốc điều trị Parkinson khác:
- Bằng chứng từ các nghiên cứu hiện tại cho thấy các thuốc điều trị Parkinson khác có thể kết hợp với Masopen, tuy nhiên cần điều chỉnh liều lượng phù hợp với khuyến cáo của nhà sản xuất.
Sử dụng Masopen ở trẻ em:
- Mức độ an toàn của Masopen ở bệnh nhân dưới 18 tuổi chưa được thiết lập, do đó không khuyến cáo sử dụng.
Cách dùng thuốc Masopen:
- Sản phẩm Masopen sản xuất dùng theo đường uống ở từng thời điểm cố định trong ngày và lưu ý bệnh nhân cần tránh dùng Masopen với bữa ăn có nhiều protein;
- Nếu quên dùng 1 liều Masopen, bệnh nhân hãy bỏ qua liều đó và tiếp tục lịch dùng thuốc hằng ngày (không dùng liều gấp đôi).
4. Tác dụng phụ của thuốc Masopen
Một số tác dụng phụ thường gặp khi điều trị bằng thuốc Masopen:
- Rối loạn hệ thần kinh trung ương với các biểu hiện như lo âu, lú lẫn, kích thích, trầm cảm, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, ảo giác, rối loạn trương lực cơ...;
- Hạ huyết áp thế đứng, hồi hộp hoặc loạn nhịp tim;
- Rối loạn tiêu hóa gây buồn nôn, nôn ói, xuất huyết tiêu hóa hoặc khó nuốt;
- Mờ mắt.
5. Tương tác thuốc của Masopen
- Hạ huyết áp tư thế có thể xảy ra khi kết hợp Masopen với các thuốc điều trị tăng huyết áp. Do đó bệnh nhân nên được điều chỉnh liều thuốc hạ huyết áp phù hợp.
- Các phản ứng bất thường như tăng huyết áp và rối loạn vận động đã được báo cáo khi sử dụng Masopen đồng thời với thuốc chống trầm cảm ba vòng.
- Các thuốc kháng cholinergic có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của Masopen, từ đó dẫn đến thay đổi đáp ứng điều trị của bệnh nhân.
- Các nghiên cứu chứng minh rằng sinh khả dụng của Carbidopa hoặc Levodopa có thể giảm khi điều trị đồng thời Masopen với chế phẩm sắt sulfat hoặc sắt gluconat.
- Các thuốc kháng thụ thể Dopamin D2 (như Phenothiazin, Butyrophenon, Risperidon) và Isoniazid có thể làm giảm hiệu quả điều trị của Levodopa, do đó nên thận trọng khi phối hợp với thuốc Masopen. Đồng thời hiệu quả điều trị Parkinson của Levodopa đã được báo cáo có thể bị đảo ngược khi kết hợp với Phenytoin và Papaverin.
- Không khuyến cáo điều trị đồng thời Masopen với các tác nhân làm giảm nồng độ Dopamin (như Tetrabenazine) hoặc các thuốc gây giảm đáng kể lượng Monoamin.
- Điều trị đồng thời Selegiline và Masopen có thể liên quan đến hạ huyết áp thế đứng nghiêm trọng.
- Levodopa cạnh tranh với 1 số acid amin nên có thể làm giảm hấp thu Masopen ở bệnh nhân có chế độ ăn giàu protein.
6. Một số thận trọng khi sử dụng Masopen
Thuốc Masopen không được khuyến cáo sử dụng với mục đích điều trị các phản ứng ngoại tháp do các loại thuốc gây ra.
Thận trọng khi chỉ định Masopen cho bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc bệnh phổi nghiêm trọng, hen phế quản, bệnh lý gan thận hoặc nội tiết, tiền sử loét dạ dày. Đặc biệt thận trọng khi dùng Masopen ở bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim có biến chứng loạn nhịp nhĩ hoặc loạn nhịp thất.
Levodopa trong thuốc Masopen có thể gây ra tình trạng lơ mơ và các cơn buồn ngủ đột ngột. Do đó bệnh nhân cần được cảnh báo về vấn đề này và nên thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
Bệnh nhân đang điều trị bằng Masopen nên được theo dõi cẩn thận những thay đổi tinh thần, trầm cảm có khuynh hướng tự sát hoặc những hành vi chống đối xã hội nghiêm trọng khác.
Rối loạn vận động có thể xảy ra ở bệnh nhân dùng Masopen mà trước đó có sử dụng Levodopa, do Carbidopa giúp Levodopa qua được hàng rào máu não nhiều hơn.
Tương tự levodopa, thuốc Masopen có thể gây ra những cử động không tự ý và rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có tiền sử về những vấn đề này khi đơn trị với levodopa cần được theo dõi cẩn thận khi dùng Masopen.
Một hội chứng tương tự như hội chứng thần kinh ác tính (bao gồm cứng cơ, tăng thân nhiệt, thay đổi tinh thần và tăng creatinin phosphokinase) đã được báo cáo khi ngưng dùng đột ngột các thuốc điều trị parkinson. Do đó, việc giảm liều hay ngưng dùng Masopen nên được theo dõi cẩn thận, đặc biệt khi bệnh nhân đang dùng các thuốc an thần.
Quá trình điều trị bằng Masopen bệnh nhân cần được xét nghiệm chức năng gan định kỳ, trong khi chức năng tạo máu, tim mạch và chức năng thận được khuyến khích theo dõi nếu dùng thuốc trong thời gian dài.
Các nghiên cứu dịch tễ chứng minh những bệnh nhân Parkinson có nguy cơ cao phát triển khối u melanin hơn so với dân số nói chung, tuy nhiên nguyên nhân chính xác chưa được xác định do bệnh Parkinson hay do thuốc điều trị Parkinson. Vì vậy, bệnh nhân cần được theo dõi các khối u thường xuyên khi sử dụng Masopen, lý tưởng nhất là khám da liễu định kỳ.
Mặc dù ảnh hưởng của Masopen đối với thai kỳ chưa được biết rõ, tuy nhiên cả Levodopa đơn trị và dạng phối hợp Levodopa/Carbidopa đều có nguy cơ gây dị dạng nội tạng và xương ở thỏ. Vì vậy, sử dụng Masopen ở phụ nữ mang thai hoặc có khả năng mang thai đòi hỏi sự cân nhắc về lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ và thai nhi.
Chưa biết Carbidopa có bài tiết qua sữa mẹ hay không nhưng một nghiên cứu ở người mẹ cho con bú có bệnh Parkinson cho thấy Levodopa bài tiết qua sữa mẹ. Do đó nên đánh giá lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra khi dùng Masopen cho đối tượng này.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Masopen, việc sử dụng đúng cách sẽ mang đến kết quả điều trị bệnh tốt hơn đồng thời giảm nguy cơ gây nên tác dụng phụ không đáng có. Nếu có thắc mắc gì trong quá trình dùng thuốc bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.