Thuốc Lopathen thường được chỉ định sử dụng để chăm sóc, bảo vệ da trẻ em, ngăn ngừa hăm do tã lót, phòng và điều trị da khi bị xây xát, côn trùng đốt, nổi mẩn đỏ hoặc các trường hợp bỏng nhẹ như phỏng nắng, phỏng do bức xạ, phỏng do nhiệt... Do có tác dụng thúc đẩy quá trình lành vết thương nên Lopathen cũng được dụng trong nhiều trường hợp khác.
1. Lopathen là thuốc gì?
Thành phần chính của thuốc Lopathen là Dexpanthenol 750mg và tá dược vừa đủ một tuýp bôi ngoài da 15g.
Dexpanthenol 750mg là dẫn xuất Alcol của acid D-pantothenic hay còn gọi là vitamin B5. Dexpanthenol 750mg có tác dụng chống oxy hóa hòa tan trong nước, rất cần thiết cho chuyển hóa trung gian của carbohydrate, protein và lipid. Trong khi đó, Acid pantothenic là 1 tiền chất của coenzym A cần cho phản ứng acetyl - hóa trong tân tạo glucose, giải phóng năng lượng từ carbohydrate, còn có tác dụng tổng hợp và giải hóa acid béo, tổng hợp sterol và các nội tiết tố steroid, porphyrin, acetylcholin và nhiều những hợp chất khác. Acid pantothenic cũng là chất rất cần thiết cho chức năng bình thường của biểu mô.
Vitamin B5 được bào chế dạng dùng ngoài da với tác dụng dưỡng ẩm cho da, hydrat hoá lớp sừng của da và giúp làm mềm da. Do đặc tính hút ẩm nên Vitamin B5 có tác dụng hạn chế sự mất nước qua da, duy trì độ mềm mại, khả năng đàn hồi của làn da và giúp phục hồi làn da.
2. Công dụng của thuốc Lopathen
Thuốc Lopathen có tác dụng dưỡng ẩm trên da, tăng khả năng phục hồi da, và giúp cho da giữ được độ mềm mại. Hiện nay, loại thuốc này thường được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Chăm sóc và giúp bảo vệ da của trẻ em, giúp ngăn ngừa hăm do tã lót.
- Phòng và điều trị khi da bị xây xát, côn trùng đốt hay nổi mẩn đỏ.
- Chăm sóc núm vú ở phụ nữ cho con bú: Đau rát ở núm vú, nứt đầu vú hoặc rạn da ở vú hay bụng do mang thai.
- Điều trị các trường hợp bỏng nhẹ như phỏng nắng, bỏng do bức xạ, phỏng do tia X, phỏng do nhiệt ở mức độ nhẹ... Lopathen có tác dụng thúc đẩy quá trình lành vết thương, giúp vết thương mau lên da non.
- Điều trị trong các trường hợp tổn thương khác của da như tình trạng da bị khô, đau rát, nứt nẻ hoặc da bị kích ứng.
3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Lopathen
Cách dùng:
- Lopathen có dạng thuốc mỡ bôi ngoài da. Bạn nên làm sạch vùng da bị tổn thương trước, sau đó thấm khô da rồi thoa một lớp kem mỏng lên vùng da cần phải điều trị.
Liều dùng:
- Chăm sóc và bảo vệ da trẻ em, ngăn ngừa hăm do tã lót: Dùng mỗi lần thay tã, bạn nên bôi 1 lớp mỏng thuốc xung quanh mông và phía bụng dưới của trẻ, sau khi đã rửa sạch vùng này với nước và lau khô.
- Chăm sóc núm vú ở phụ nữ đang cho con bú, vùng rạn da ở phụ nữ mang thai: Bôi 1 lớp thuốc mỡ Lopathen vào núm vú sau mỗi lần bạn cho con bú hoặc vùng da bụng bị rạn da mỗi ngày 1 - 2 lần.
- Các trường hợp người bệnh bị phỏng và các tổn thương khác của da: Vệ sinh sạch và làm khô da hoàn toàn vùng da bị tổn thương, sau đó bôi thuốc lên vùng da bị tổn thương, ngày 1 đến 2 lần hay theo chỉ dẫn của bác sĩ.
4. Tác dụng phụ của thuốc Lopathen
Khi sử dụng thuốc Lopathen, bạn cũng có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:
- Vàng da, kích ứng trên da, viêm da dị ứng, nổi mày đay và phù thần kinh mạch.
- Điều trị kéo dài và dùng với liều cao có thể gây ra tình trạng mỏng da, xuất hiện vân trên da, giãn các mạch máu nông, đặc biệt là khi bạn băng kín sau khi bôi thuốc hoặc bôi thuốc ở vùng da có nhiều nếp gấp.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Lopathen và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
5. Lưu ý khi dùng thuốc Lopathen
- Lopathen chống chỉ định dùng cho những người mẫn cảm với hoạt chất Dexpanthenol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người mắc phải chứng bệnh máu khó đông nên thận trọng khi dùng Lopathen vì thuốc có thể gây ra kéo dài thời gian chảy máu.
- Trước khi dùng Lopathen, bạn cần báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng, các bệnh lý hay gặp phải, để có thể dùng thuốc an toàn và hiệu quả.
- Trong quá trình dùng Lopathen, bạn cần tránh để thuốc tiếp xúc với mắt. Nếu chẳng may bị thuốc dính vào mắt thì nên rửa sạch bằng nước sạch.
- Phải thử tính nhạy cảm của thuốc bằng cách Lopathen vài lần lên 1 vùng nhỏ ở nơi có tổn thương.
- Nếu những biểu hiện của bệnh mà không được cải thiện hoặc tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, thì cần phải ngừng thuốc Lopathen và thăm khám bác sĩ để được xử trí.
- Chưa có tư liệu về tác dụng có hại với thai khi dùng dexpanthenol với liều bình thường. Nên phụ nữ mang thai có thể dùng thuốc Lopathen nhưng tránh dùng liều cao kéo dài.
- Thời kỳ cho con bú: Hiện chưa thấy Lopathen gây tác dụng có hại với trẻ bú sữa mẹ. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo an toàn, các mẹ cho con bú nên làm sạch núm vú bằng nước sạch và nên cho trẻ bú trước khi bôi thuốc Lopathen.
- Tương tác thuốc: Không dùng Dexpanthenol cùng với Neostigmin hay những loại thuốc tác dụng thần kinh đối giao cảm khác. Ngoài ra, bạn cũng không dùng Dexpanthenol trong vòng 1 giờ sau khi dùng với thuốc succinylcholine, vì nó có thể kéo dài tác dụng gây giãn cơ của succinylcholine.
- Bảo quản: Đóng chặt nắp sau khi dùng. Để thuốc thuốc Lopathen nơi khô mát, dưới 30°C và tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Lopathen, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Lopathen là thuốc kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng.