Công dụng thuốc Liozin

Thuốc Liozin có thành phần alphachymotrypsin thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt và nhóm chống viêm không steroid. Thuốc được chỉ định trong điều trị kháng viêm hoặc làm lỏng dịch tiết đường hô hấp. Tuy nhiên, sử dụng thuốc Liozin có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, người bệnh cần tìm hiểu kỹ và tư vấn từ bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

1. Cơ chế tác dụng của thuốc Liozin

Thuốc Liozin là thuốc gì? Thuốc Liozin có thành phần alpha chymotrypsin thuộc nhóm enzyme thuỷ phân protein trợ giúp phẫu thuật. Enzyme này được điều chế bằng cách hoạt hóa chymotrypsinogen được chiết xuất từ tụy bò. Cơ chế hoạt động của enzyme có tác dụng xúc tác chọn lọc với các liên kết peptide ở liền kề các acid amin có nhân thơm. Hơn nữa, enzyme này sẽ được sử dụng trong nhãn khoa để dễ dàng loại bỏ nhân mắt đục, đồng thời giảm chấn thương trong mắt. Enzym không phân giải được trường hợp dính giữa thuỷ tinh thể và các cấu trúc khác của mắt. Khi sử dụng enzyme với tỷ lệ 1:5000 thường có tác dụng phân huỷ dây chằng treo thuỷ tinh thể khoảng 2 phút nhưng khi thực hiện với dung dịch tỷ lệ 1:10000 thì thời gian tăng lên khoảng 4 phút.

Enzyme alpha chymotrypsin cũng được sử dụng trong điều trị giảm viêm và phù mô mềm do áp xe và loét, hoặc do chấn thương. Bên cạnh đó, chúng giúp làm lỏng các dịch tiết đường hô hấp của người bệnh mắc hen, viêm phế quản hoặc các bệnh về phổi và viêm xoang.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Liozin

Công dụng của thuốc Liozin: Thuốc Liozin được chỉ định trong điều trị kháng viêm với điều trị cụ thể về phù nề sau chấn thương hoặc sau mổ, chẳng hạn như tổn thương mô mềm, chấn thương cấp, bong gân, khối tụ máu, tan máu bầm, nhiễm trùng, chuột rút, chấn thương do thể thao...Ngoài ra, thuốc Liozin còn sử dụng để làm lỏng dịch tiết ở đường hô hấp trên những người bệnh mắc hen, viêm phế quản, viêm xoang hoặc các bệnh phổi khác.

Tuy nhiên, thuốc Liozin có thể chống chỉ định với một số trường hợp như: người bệnh dị ứng với các thành phần của thuốc hoặc enzyme alphachymotrypsin chống chỉ định với những bệnh nhân có tình trạng giảm alpha 1 antitrypsin, hoặc mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Liozin

Liều lượng sử dụng thuốc Liozin có thể áp dụng điều trị bằng đường uống với hai trường hợp: Nuốt 2 viên thuốc Liozin tương đương với 4.2mg hay 4200 đơn vị chymotrypsin USP, tần suất từ ba đến bốn lần mỗi ngày. Hoặc có thể ngâm dưới lưỡi từ 4 đến 6 viên mỗi ngày và chia thành nhiều lần.

Trong điều trị nhãn khoa thì có thể sử dụng thuốc bằng cách: trước khi rạch có thể làm giãn đồng tử bằng thuốc giãn đồng tử thích hợp, có thể áp dụng gây tê hoặc gây mê. Nhưng phải pha chymotrypsin đông khô dùng cho mắt thành dịch theo chỉ định. Liều lượng áp dụng cho trường hợp này thường tưới vào hậu mắt với hàm lượng 1 đến 2ml dung dịch chymotrypsin có chứa 150 đơn vị/ml hoặc 75 đơn vị/ml. Khi đã cắt bỏ mống mắt hoặc mở mống mắt và đặt mũi khâu thì có thể chờ từ 2 đến 4 phút rồi tưới hậu phòng ít nhất 2ml dung dịch pha loãng. Nếu dây chằng vẫn còn nguyên vẹn có thể tưới thêm từ 1 đến 2 ml dung dịch qua lỗ cắt mống mắt và chờ thêm 2 đến 4 phút lại tưới hậu phòng ít nhất 2ml dịch loãng.

Liều lượng ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên tư vấn từ bác sĩ để có thể sử dụng thuốc điều trị hiệu quả. Bởi mỗi người sẽ có thể trạng cũng như mức độ bệnh khác nhau.

Trong trường hợp người bệnh vô tình uống thuốc Liozin quá liều so với quy định và có xuất hiện một số dấu hiệu của tác dụng phụ không mong muốn thì cần đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ y tế kịp thời giúp người bệnh vượt qua tình trạng nguy hiểm.

Nếu sử dụng thuốc Liozin mà bị quên liều có thể sử dụng liều quên khi nhớ ra vào lúc sớm nhất. Tuy nhiên, khoảng cách giữa liều Liozin quên và liều kế tiếp gần nhau thì người bệnh có thể bỏ qua liều quên và uống liều tiếp theo. Người bệnh cũng cần lưu ý không nên sử dụng gấp đôi liều Liozin vì có thể gây ra tình trạng quá liều thuốc và xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khoẻ hiện tại của người bệnh.

4. Tác dụng phụ không mong muốn và các lưu ý khi sử dụng thuốc Liozin

Sử dụng thuốc Liozin lâu dài hiện vẫn chưa có công bố rõ ràng về tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên với các đối tượng có bệnh lý nên thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng thuốc.

Với một số trường hợp cụ thể vẫn có thể xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị có sử dụng thuốc Liozin. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ở liều lượng thường dùng của thuốc Liozin không phát hiện trong máu với thời gian từ 24 đến 48 giờ. Các tác dụng phụ tạm thời có thể thấy bao gồm sự thay đổi về màu sắc, độ rắn cũng như mùi của phân. Tuy nhiên những dấu hiệu này có thể mất đi khi ngừng điều trị bằng thuốc hoặc khi giảm liều lượng sử dụng. Trong một vài trường hợp đặc biệt khác thì có thể gặp tình trạng rối loạn tiêu hoá, đầy hơi, nặng bụng, tiêu chảy, táo bón hoặc buồn nôn...

Thành phần chymotrypsin trong thuốc Liozin có tính kháng nguyên vì thế sau khi tiêm bắp có thể gặp một số phản ứng dị ứng.

Với những trường hợp sử dụng thuốc Liozin ở liều cao có thể gây ra một số phản ứng dị ứng như đỏ da.

Tương tác của thuốc Liozin: thuốc Liozin có thể sử dụng phối hợp với các thuốc dạng enzyme khác để tăng hiệu quả điều trị. Thêm vào đó, chế độ ăn uống hợp lý hoặc bổ sung vitamin và muối khoáng có thể được khuyến nghị giúp làm tăng hoạt tính của enzyme trong thuốc Liozin. Tuy nhiên cũng có một số thực phẩm như hạt đậu jojoba, hạt đậu nành dại cà chua có thể ức chế hoạt động của enzyme alphachymotrypsin. Tuy nhiên những loại protein trong các thực phẩm này có thể bị bất hoạt khi gia nhiệt.

Một số lưu ý khác vì thành phần alphachymotrypsin trong thuốc Liozin có thể được dung nạp tốt và không gây tác dụng phụ đáng kể cho người bệnh trong quá trình sử dụng. Những những bệnh nhân có thể không nên điều trị bằng enzyme này bao gồm những trường hợp mắc chứng rối loạn đông máu có di truyền- bệnh ưa chảy máu hoặc những người bị rối loạn đông máu không có di truyền hoặc những người vừa trải qua phẫu thuật.

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về thuốc Liozin. Nếu có vấn đề gì cần tư vấn, người bệnh có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị nhằm có những chỉ định phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe