Công dụng thuốc Lidonalin

Thuốc Lidonalin được dùng theo đường tiêm, có tác dụng gây tê tại chỗ trong nha khoa, ngoại khoa và phụ khoa. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng Lidonalin, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định và tuân theo mọi hướng dẫn mà bác sĩ khuyến cáo.

1. Lidonalin là thuốc gì?

Lidonalin thuộc nhóm thuốc gây tê, được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc (VINPHACO) – Việt Nam. Thuốc Lidonalin được dùng chủ yếu cho các trường hợp cần gây tê tại chỗ thần kinh ngoại biên. Dạng bào chế chính của Lidonalin là dung dịch tiêm và đóng gói theo quy cách hộp 10 ống.

Mỗi ống thuốc Lidonalin có chứa hoạt chất Lidocain hydroclorid hàm lượng 36mg và Adrenalin hàm lượng 0,018mg. Ngoài ra, thuốc còn bổ sung thêm các tá dược phụ trợ khác vừa đủ 1,8ml, bao gồm nước cất pha tiêm, Natri metabisulfit và Natri clorid. Sản phẩm chỉ được phép sử dụng khi có đơn của bác sĩ, do đó bệnh nhân cần tránh tự ý dùng trong mọi trường hợp.

2. Thuốc Lidonalin có tác dụng gì?

Mỗi hoạt chất trong thuốc Lidonalin đều đóng vai trò nhất định, chung quy dẫn đến tác dụng gây tê tại chỗ hiệu quả, cụ thể:

  • Lidocain: Thuộc nhóm thuốc Amid gây tê tại chỗ, có khả năng phong bế dẫn truyền xung động thần kinh thông qua làm giảm tính thấm đối với ion natri của màng tế bào. Hiện nay, hoạt chất Lidocain được sử dụng rộng rãi trong phương pháp gây tê nhờ mang đến tác dụng nhanh chóng, mạnh mẽ và thời gian dài hơn so với các Procain có cùng nồng độ. Ngoài ra, Lidocain cũng phù hợp cho cả bệnh nhân bị mẫn cảm với thuốc tê thuộc loại Este. Bên cạnh công dụng gây tê, Lidocain cũng góp phần chống loạn nhịp và điều trị rối loạn tâm thất theo đường tiêm tĩnh mạch.
  • Adrenalin: Được biết đến là thuốc có khả năng kích thích trực tiếp các receptor của hệ thống Adrenergic hoặc gián tiếp nhằm làm tăng số lượng catecholamin tại Synap thần kinh trong hệ Adrenergic. Trên hệ huyết áp, Adrenalin giúp làm giảm mức huyết áp tâm thu. Ngoài ra, hoạt chất còn có tác dụng làm giãn cơ trơn phế quản, giảm phù nề niêm mạc, giảm tiết dịch tiêu hóa và tăng tiết glucagon.

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Lidonalin

Hiện nay, thuốc Lidonalin được chỉ định sử dụng nhằm:

  • Tiêm gây tê tại chỗ.
  • Tiêm ngấm và dẫn truyền trong phẫu thuật nha khoa.

Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng Lidonalin cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với thuốc gây tê thuộc nhóm Amid.
  • Chống chỉ định Lidonalin cho bệnh nhân mắc hội chứng Adams – Stokes, block nhĩ thất ở mọi mức độ, rối loạn xoang – nhĩ nặng, block trong thất (không có máy tạo nhịp tim) và rối loạn chuyển hóa Porphyrin.
  • Người đang sử dụng thuốc gây mê nhóm Halothan, Cyclopropan vì nguy cơ xảy ra rung thất.
  • Bệnh nhân bị cường giáp chưa điều trị về trạng thái ổn định.
  • Bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh tim nặng, nguy cơ cao mắc Glocom góc đóng và bí đái do nghẽn đường tiểu.

4. Hướng dẫn về liều dùng và cách sử dụng thuốc Lidonalin

Thuốc Lidonalin được sử dụng dưới dạng tiêm với liều lượng như sau:

  • Ngoại khoa: Liều gây tê ngấm sử dụng dung dịch có nồng độ thấp 0,125%, 0,25% hoặc 0,5%. Liều gây tê thần kinh ngoại biên 2% không bao gồm Adrenalin.
  • Phụ khoa: Liều gây tê ống cùng ống 10ml dung dịch 2%.
  • Nha khoa: Liều gây tê tiêm ngấm ống 1ml dung dịch 2%. Liều gây tê thần kinh ngoại biên 1,5 – 2ml dung dịch 2%. Liều gây tê trước khi mổ 2 – 5ml dung dịch 2%.

Trong quá trình sử dụng thuốc Lidonalin, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý tiêm hoặc điều chỉnh liều khi chưa được chấp thuận.

Nếu tiêm quá liều Lidonalin và gặp phải các triệu chứng như lú lẫn, an thần, hôn mê, ngừng hô hấp, co giật, suy tim, hạ huyết áp, ngừng xoang, block nhĩ thất, kéo dài các khoảng QT, chóng mặt, mất điều hòa, dị cảm, run hoặc rối loạn tiêu hóa; bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ. Biện pháp xử trí thông thường các biểu hiện quá liều Lidonalin, bao gồm đặt bệnh nhân ở tư thế phù hợp, truyền dịch, cho uống thuốc chống loạn nhịp, thuốc tăng huyết áp hoặc chống co giật. Trong tình huống cần phục hồi QRS kéo dài có thể cho bệnh nhân dùng Natri bicarbonat. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể làm tăng thải trừ Lidocain bằng phương pháp thẩm phân máu.

5. Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Lidonalin

Dưới đây là một số phản ứng ngoại ý có thể xuất hiện trong thời gian bệnh nhân dùng thuốc gây tê tại chỗ Lidonalin, bao gồm:

  • Phản ứng thường gặp: Mệt mỏi, nhức đầu mỗi khi thay đổi tư thế, vã mồ hôi, hồi hộp, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, chóng mặt, lo âu, run hoặc tiết nhiều nước bọt.
  • Phản ứng ít gặp: Loạn nhịp, block tim, ngừng tim, trụy tim mạch, ngừng hô hấp, suy giảm hô hấp, khó thở, hôn mê, ngủ lịm, nói líu nhíu, lo âu, kích động, cơn co giật, ảo giác, sảng khoái, tê đầu lưỡi, tê quanh môi, phù da, ngứa, phát ban, nhìn mờ, dị cảm, song thị, buồn nôn và ói mửa.
  • Phản ứng hiếm gặp: Xuất huyết não, tim mạch, phù phổi, đau thắt ngực, loạn nhịp tim, ngất xỉu, hoa mắt chóng mặt, hoại tử mô, ngừng tim, tụt huyết áp, rối loạn chuyển hóa và thần kinh lú lẫn.

Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, bệnh nhân hãy báo cho bác sĩ biết sớm để có cách khắc phục. Một số triệu chứng bất lợi nghiêm trọng khi được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ngăn chặn đáng kể các rủi ro tiềm ẩn khác.

6. Cần lưu ý điều gì khi dùng thuốc Lidonalin?

Trước và trong suốt quá trình sử dụng thuốc Lidonalin, bệnh nhân cần lưu ý một số khuyến cáo dưới đây để đảm bảo an toàn:

  • Cực kỳ thận trọng đối với bệnh nhân bị suy tim, mắc bệnh gan, giảm thể tích máu, suy hô hấp nặng, block tim một phần, sốc, nhịp tim chậm, rung nhĩ, suy nhược cơ thể hoặc ốm nặng.
  • Tránh tiêm thuốc tê Lidonalin vào khu vực mô bị nhiễm khuẩn hoặc viêm. Ngoài ra, không tiêm vào niệu đạo đang gặp chấn thương.
  • Thận trọng khi sử dụng Lidonalin cho bệnh nhân quá nhạy cảm với Adrenalin, nhất là người bị cường giáp.
  • Người đang mắc bệnh đái tháo đường, glocom góc hẹp, đang dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc Glycosid tim cũng nên thận trọng khi quyết định dùng thuốc Lidonalin.
  • Tránh gây tê Lidonalin tại vòng ngón tay, ngón chân hay dương vật.
  • Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú chỉ nên dùng Lidonalin khi thực sự cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của Lidonalin trước khi dùng, tránh nguy cơ tiêm thuốc quá hạn hoặc màu dung dịch thay đổi bất thường.
  • Bảo quản thuốc tiêm Lidonalin tại môi trường khô thoáng, không quá ẩm thấp hoặc nhiệt độ quá cao.
  • Báo cho bác sĩ biết danh sách các loại thuốc khác đang được sử dụng nhằm phòng tránh nguy cơ tương tác bất lợi giữa các dược chất.

Trên đây là các thông tin về thuốc Lidonalin. Lưu ý, Lidonalin là thuốc kê đơn, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng vì có thể gặp phải tác dụng không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe