Thuốc Kazelaxat được bào chế dưới dạng thuốc bột pha uống hoặc thụt tháo qua trực tràng, có thành phần chính là natri polystyren sulfonat. Thuốc được sử dụng trong điều trị tăng kali huyết.
1. Kazelaxat là thuốc gì, có công dụng gì?
1 gói thuốc Kazelaxat có chứa 15g natri polystyren sulfonat và các tá dược vừa đủ 15,055g. Đây là loại thuốc điều trị tăng kali huyết và tăng phosphat huyết. Natri polystyren sulfonat là 1 resin trao đổi ion dương. Ái lực của resin với ion kali (K+) mạnh hơn nhiều so với ion natri (Na+). Do đó, khi tiếp xúc với trực tràng, resin sẽ phóng thích ion natri để kết hợp với ion kali, từ đó bài tiết qua phân. Hiệu quả của quá trình này phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc hơn nồng độ của ion kali.
Chỉ định sử dụng thuốc Kazelaxat:
Thuốc Kazelaxat dùng để điều trị chứng tăng kali máu - trường hợp có quá nhiều kali trong máu. Thuốc có tác động loại bỏ lượng kali dư thừa để đưa nồng độ của chất này về mức bình thường. Thuốc thường được sử dụng cho người mắc bệnh thận và người được thẩm phân.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Kazelaxat:
- Bệnh nhân dị ứng (quá mẫn) với natri polystyren sulfonat hay các thành phần khác của thuốc. Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng gồm nổi mẩn, khó thở, khó nuốt, sưng môi, họng, lưỡi hoặc mặt;
- Người bệnh có nồng độ kali trong máu thấp;
- Bệnh nhân bị tắc ruột bán phần hoặc toàn phần (bệnh tắc ruột);
- Người bệnh đang sử dụng sorbitol (chất tạo ngọt không chứa đường dùng cho thực phẩm). Việc sử dụng đồng thời Kazelaxat với sorbitol có thể gây tổn thương nặng ở ruột. Do đó, tuyệt đối không dùng sorbitol trong thời gian sử dụng thuốc Kazelaxat.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Kazelaxat
Cách dùng:
- Thuốc Kazelaxat có thể dùng theo đường uống hoặc thụt tháo qua trực tràng;
- Nếu sử dụng đường uống, bệnh nhân nên pha thuốc bột với một ít nước hoặc trộn thành bột nhão cùng với mật ong hoặc mứt ngọt. Không nên trộn chung thuốc Kazelaxat với nước ép trái cây vì có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc. Khi dùng thuốc đường uống, nên ngồi thẳng khi uống để tránh bị sặc thuốc vào phổi;
- Nếu dùng thuốc Kazelaxat đường trực tràng, nên cố giữ thuốc trong trực tràng ít nhất 9 giờ. Sau đó, cần thụt tháo sạch.
Liều dùng:
Ở người lớn (bao gồm cả người lớn tuổi):
- Đường uống: Liều thường dùng là 15g/lần x 3 - 4 lần/ngày;
- Đường trực tràng: Liều thường dùng là 30g thuốc bột, pha thành hỗn dịch trong 150ml nước hoặc dung dịch dextrose 10%, thụt qua đường trực tràng;
- Trong một số trường hợp, có thể kết hợp vừa uống thuốc vừa thụt tháo qua trực tràng. Đó là khi bệnh nhân cần nhanh chóng hạ thấp nồng độ kali trong máu.
Ở trẻ em: Nếu trẻ không uống thuốc được, có thể dùng thuốc theo đường trực tràng:
- Liều dùng hằng ngày: 1g cho mỗi kg cân nặng;
- Khi thuốc Kazelaxat bắt đầu có tác dụng, có thể giảm liều hằng ngày xuống còn 0,5g cho mỗi kg cân nặng;
- Nên dùng thuốc vào ban đêm. Nếu dùng thuốc Kazelaxat quá liều, trẻ có thể bị táo bón nặng.
Ở trẻ sơ sinh: Chỉ dùng thuốc Kazelaxat theo đường trực tràng:
- Liều hằng ngày: 0,5 - 1g cho mỗi kg cân nặng;
- Nên dùng thuốc vào ban đêm. Nếu dùng thuốc Kazelaxat quá liều, trẻ có thể bị táo bón nặng.
*Lưu ý: Nên thường xuyên cho người bệnh làm xét nghiệm máu trong thời gian dùng thuốc Kazelaxat nhằm kiểm tra nồng độ của kali, natri, canxi và magie trong máu.
Quá liều: Khi sử dụng thuốc Kazelaxat quá liều, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: Cảm thấy buồn nôn hoặc lý lẫn, khó thở, mất khả năng tập trung, yếu cơ, giảm phản xạ dẫn đến liệt, nhịp tim nhanh, chuột rút. Nếu xảy ra quá liều, nên loại bỏ resin bằng cách sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo, kết hợp với theo dõi độ kali, magie canxi trong máu.
Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Kazelaxat, người bệnh nên báo cho bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp. Bệnh nhân tuyệt đối không được uống bù liều để tránh xảy ra nguy cơ quá liều.
3. Tác dụng phụ của thuốc Kazelaxat
Khi sử dụng thuốc Kazelaxat, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Phản ứng dị ứng: Nổi mẩn, khó thở, nuốt khó, sưng mặt, môi, lưỡi, cổ họng;
- Nôn ra máu, đi ngoài phân đen;
- Cảm thấy mệt, yếu cơ, lú lẫn, chuột rút, thay đổi nhịp tim. Đây là những triệu chứng cho thấy nồng độ kali trong cơ thể đang giảm thấp;
- Cảm thấy bồn chồn, chuột rút hoặc choáng ngất. Đây là những triệu chứng cho thấy nồng độ magie hoặc canxi trong cơ thể đang giảm thấp;
- Tăng huyết áp, có triệu chứng tim, triệu chứng thận hoặc phù tay chân. Đây là những triệu chứng cho thấy nồng độ natri trong cơ thể đang tăng cao;
- Đau bụng, đau dạ dày hoặc tắc ruột khi sử dụng thuốc Kazelaxat đường trực tràng ở trẻ em;
- Đau bụng dữ dội, ngất xỉu;
- Chán ăn;
- Buồn nôn, nôn mửa, táo bón, tiêu chảy;
- Ho, cảm thấy khó thở,... Đây là những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm khuẩn hô hấp nặng, có thể xảy ra do người bệnh vô tình hít sặc thuốc.
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Kazelaxat, người bệnh nên nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về cách xử trí, ứng phó phù hợp nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Kazelaxat
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Kazelaxat:
- Đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc nếu người bệnh có triệu chứng bệnh tim, có bệnh thận, bị cao huyết áp, bị sưng phù tay hoặc chân, trẻ sinh thiếu cân, thiếu tháng hoặc bị giảm nhu động ruột;
- Hiện chưa có dữ liệu liên quan tới việc sử dụng các resin polystyrene sulphonat ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Do vậy, không khuyên dùng Kazelaxat ở phụ nữ có thai và cho con bú trừ khi có sự đồng ý của bác sĩ, khi lợi ích của thuốc lớn hơn so với những rủi ro có thể xảy ra;
- Do tác dụng phụ của thuốc Kazelaxat là khó thở, choáng, chuột rút,... nên cần thận trọng khi dùng thuốc này ở người lái xe, vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc Kazelaxat
Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của thuốc Kazelaxat hoặc làm gia tăng tác dụng phụ khó lường. Thuốc Kazelaxat có thể tác động tới tác dụng của một số thuốc khác và ngược lại. Do đó, bệnh nhân cần thông báo chi tiết cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý và các loại thuốc mình đang dùng, mới dùng. Đồng thời, người bệnh không được tự ý dùng thuốc, ngừng thuốc hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Một số tương tác thuốc của Kazelaxat gồm:
- Không dùng chung thuốc Kazelaxat với sorbitol (đường uống hoặc đường trực tràng) vì việc sử dụng đồng thời sorbitol với polystyren sulphonat có thể gây hoại tử đại tràng;
- Thận trọng khi dùng đồng thời thuốc Kazelaxat với các thuốc cho ion dương vì có thể làm giảm hiệu quả gắn kết kali của Kazelaxat;
- Thận trọng khi dùng chung thuốc Kazelaxat với các thuốc nhuận tràng và kháng acid cho ion dương không hấp thu. Nguyên nhân vì đã có trường hợp nhiễm kiềm cơ thể sau khi dùng đồng thời các resin trao đổi ion dương cùng với các thuốc nhuận tràng và kháng acid cho ion dương không hấp thu (như nhôm carbonat và magie hydroxyd);
- Thận trọng khi dùng đồng thời thuốc Kazelaxat với nhôm hydroxyd vì có thể gây tắc ruột do kết khối nhôm hydroxyd khi dùng chung nhôm hydroxyd với resin;
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời thuốc Kazelaxat với các thuốc digitalis do độc tính của digitalis trên tim có thể tăng quá mức nếu tình trạng hạ kali máu gây loạn nhịp tâm thất và phân ly nút nhĩ - thất;
- Thận trọng khi dùng đồng thời thuốc Kazelaxat với liti vì có thể làm giảm hấp thu liti;
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời thuốc Kazelaxat với thyroxin vì có thể làm giảm hấp thu thyroxin.
Khi được chỉ định sử dụng thuốc Kazelaxat, người bệnh nên tuân thủ đúng theo mọi hướng dẫn của bác sĩ. Điều này rất quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả điều trị tăng kali huyết và giảm đáng kể nguy cơ phát sinh những sự cố, tác dụng phụ khó lường.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.