Thuốc Kauskas 200 chứa thành phần hoạt chất là Lamotrigine 200mg. Thuốc Kauskas 200 được chỉ định trong đơn trị liệu hoặc phối hợp trong điều trị động kinh cục bộ hoặc toàn thể, bao gồm co cứng, co giật và một số bệnh lý khác.
1. Tác dụng thuốc Kauskas 200
Mỗi viên nén Kauskas chứa thành phần hoạt chất là Lamotrigine 200mg. Lamotrigine thuộc nhóm thuốc chống co giật nhờ cơ chế chẹn kênh natri, thuốc có tác dụng ngăn chặn dẫn truyền nơron và ức chế sự giải phóng glutamat - đây là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò trong khởi phát cơn động kinh). Cơ chế tác dụng của lamotrigine trong điều trị rối loạn lưỡng cực chưa được hiểu rõ.
2. Chỉ định của thuốc Kauskas 200
Điều trị động kinh ở người lớn và trẻ em trên 13 tuổi:
- Đơn trị liệu hoặc phối hợp trong điều trị động kinh cục bộ hoặc toàn thể, bao gồm co cứng, co giật.
- Động kinh có liên quan đến hội chứng Lennox Gastaut.
Điều trị động kinh ở trẻ em từ 2 đến 12 tuổi:
- Phối hợp trong điều trị động kinh cục bộ hoặc toàn thể, bao gồm co cứng, co giật và co giật do hội chứng Lennox Gastaut.
- Đơn trị trong điều trị động kinh cơn vắng ý thức.
Điều trị rối loạn lưỡng cực:
- Người lớn trên 18 tuổi: Dự phòng giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực.
3. Cách dùng thuốc Kauskas 200
Điều trị động kinh ở người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên: Liều dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Để đảm bảo hiệu quả điều trị cần theo dõi cân nặng của bệnh nhi và điều chỉnh liều theo cân nặng. Bệnh nhân tuổi từ 2 đến 6 tuổi, liều duy trì nên chọn là giới hạn trên của liều khuyến cáo. Nếu có thể kiểm soát động kinh bằng phác đồ điều trị phối hợp, có thể dừng thuốc chống động kinh và đơn trị bằng Lamotrigine.
Trẻ em dưới 2 tuổi: Không nên sử dụng Kauskas cho trẻ em dưới 2 tuổi do dữ liệu nghiên cứu hạn chế.
Rối loạn lưỡng cực: Không nên dùng quá liều được chỉ định.
Phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai: Có thể làm tăng độ thanh thải của Lamotrigine dẫn đến giảm nồng độ thuốc. Cần tăng liều Lamotrigine lên 2 lần. Trong tuần mà bệnh nhân không dùng thuốc tránh thai, nồng độ thuốc Lamotrigine tăng gấp 2 lần, có thể làm tăng nguy cơ gây ra tác dụng phụ phụ thuộc liều. Do đó, người bệnh cân nhắc dùng thuốc tránh thai không có tuần nghỉ.
Bắt đầu sử dụng thuốc tránh thai hormon ở người đang dùng ổn định Lamotrigine và không dùng chất cảm ứng quá trình glucuronic hóa lamotrigine: Liều duy trì thuốc Lamotrigine trong phần lớn các trường hợp đều cần tăng 2 lần. Khi bắt đầu uống thuốc tránh thai hormon, tăng liều Lamotrigine 50 - 100mg/ tuần tuỳ thuộc theo đáp ứng lâm sàng. Đối với người uống thuốc tránh thai hormon có 1 tuần nghỉ, nồng độ thuốc Lamotrigine huyết thanh nên được đo trong tuần thứ 3 có dùng thuốc tránh thai.
Ngưng dùng thuốc tránh thai hormon ở người bệnh đang dùng ổn định Lamotrigine và không dùng chất cảm ứng quá trình glucuronic hóa lamotrigine: Liều duy trì thuốc Lamotrigine ở phần lớn các trường hợp đều cần giảm 50%. Nên giảm dần liều thuốc Lamotrigine 50 - 100 mg/ tuần trong vòng 3 tuần, trừ khi có chỉ định nào khác.
Sử dụng chung với Atazanavir/ Ritonavir: Không cần chỉnh liều khi dùng Lamotrigine ở bệnh nhân đang sử dụng Atazanavir/ Ritonavir.
Người cao tuổi (> 65 tuổi): Không cần hiệu chỉnh liều.
Suy thận: Thận trọng khi dùng thuốc Kauskas 200 cho bệnh nhân suy thận.
Suy gan: Điều chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng.
4. Chống chỉ định của thuốc Kauskas 200
Thuốc Kauskas 200 chống chỉ định với người bệnh mẫn cảm với Lamotrigine hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
5. Thận trọng khi dùng thuốc Kauskas 200
- Ban da: Đã có báo cáo về phản ứng trên da nghiêm trọng trong 8 tuần đầu tiên điều trị với Lamotrigine. Đa số đều nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp ban da nghiêm trọng cần nhập viện và ngưng dùng thuốc. Những ban da có thể đe dọa đến tính mạng như hội chứng Steven-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc và phát ban do thuốc kèm theo tăng bạch cầu ưa acid và những triệu chứng toàn thân, gọi chung là hội chứng quá mẫn. Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng và ban da khi dùng các thuốc khác vì khả năng bị ban da không nghiêm trọng ở các đối tượng này sau khi điều trị với lamotrigine tăng gấp 3 lần.
- Viêm não vô khuẩn biến mất khi ngừng thuốc Lamotrigine trong phần lớn các trường hợp, nhưng tái lại trong một số trường hợp tái sử dụng Lamotrigine. Không nên điều trị lại bằng Lamotrigine ở những người bệnh đã dùng thuốc do viêm não vô khuẩn do sử dụng Lamotrigine.
- Nguy cơ làm xấu đi tình trạng lâm sàng và nguy cơ tự tử: Ý nghĩ và hành vi tự tử đã được báo cáo ở người điều trị với thuốc Lamotrigine. Sử dụng Lamotrigine có nguy cơ làm tăng nhẹ ý nghĩ tự tử. Bệnh nhân nên tìm tư vấn y tế khi có dấu hiệu của ý nghĩ hoặc hành vi tự tử. Cân nhắc thay đổi phác đồ điều trị, bao gồm ngưng thuốc ở bệnh nhân có tình trạng lâm sàng xấu đi và/hoặc xuất hiện ý nghĩ/hành vi tự tử, đặc biệt nếu các triệu chứng nghiêm trọng, đột ngột khởi phát, hoặc không bao gồm các triệu chứng hiện có của người bệnh.
- Tác động của thuốc tránh thai hormon trên hiệu quả điều trị: Sử dụng phối hợp Ethinyl estradiol/ Levonorgestrel làm tăng độ thanh thải của Lamotrigine, làm giảm nồng độ Lamotrigine dẫn đến mất kiểm soát chứng co giật. Sau khi hiệu chỉnh liều, liều duy trì Lamotrigine nên tăng lên khoảng 2 lần để đảm bảo hiệu quả điều trị tối đa. Khi ngừng thuốc tránh thai hormon, độ thanh thải Lamotrigine giảm một nửa. Nồng độ Lamotrigine tăng lên làm tăng tác dụng phụ thuộc liều.
- Suy thận: thận trọng khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân suy thận.
- Trẻ em: Chưa có dữ liệu về tác động của thuốc đối với quá trình sinh trưởng, phát triển giới tính nhận thức ở trẻ em.
- Động kinh: ngưng thuốc đột ngột có thể gây phản ứng ngược.
- Thuốc có chứa lactose, không dùng cho bệnh nhân mắc bệnh di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, rối loạn hấp thu glucose - galactose, thiếu hụt Lapp lactase.
- Thuốc có tá dược chứa polysorbate 80 có thể gây dị ứng.
- Phụ nữ có thai: dùng thuốc liều thấp nhất có hiệu quả do thuốc có thể làm tăng nguy cơ tổn thương cơ tim của thai nhi. Theo dõi nồng độ và tác dụng phụ của Lamotrigine trước, trong và sau thai kỳ.
- Phụ nữ cho con bú: Lamotrigine qua được sữa mẹ, có thể gây ra tác dụng dược lý ở trẻ. Cân nhắc thật kỹ lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc cho bà mẹ đang cho con bú.
- Khả năng lái xe, vận hành máy móc: Lamotrigine có thể gây các tác dụng phụ lên hệ thần kinh như chóng mặt và nhìn đôi nên bệnh nhân cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
6. Tác dụng không mong muốn của thuốc Kauskas 200
Các tác dụng không mong muốn của thuốc Kauskas 200:
- Rất thường gặp: nhức đầu, ban da.
- Thường gặp: Hung hăng, khó chịu, buồn ngủ, chóng mặt, run, mất ngủ, kích động, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khô miệng, đau khớp, mệt mỏi, đau, đau lưng.
- Ít gặp: Mất điều hòa, nhìn đôi, nhìn mờ, rụng tóc.
- Hiếm gặp: Rung giật nhãn cầu, viêm kết mạc, viêm màng não vô trùng, hội chứng Stevens-Johnson.
- Rất hiếm gặp: Bất thường huyết học bao gồm giảm bạch cầu trung tính và bạch cầu, thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, hội chứng quá mẫn, lú lẫn, ảo giác, giật cơ, đứng không vững, rối loạn vận động, làm nặng thêm bệnh Parkinson, ảnh hưởng ngoại tháp, chứng múa giật múa vờn, tăng tần suất động kinh, suy gan, rối loạn chức năng gan, chỉ số xét nghiệm chức năng gan tăng, hoại tử biểu bì nhiễm độc, phản ứng da do thuốc kèm tăng bạch cầu ái toan và triệu chứng toàn thân, phản ứng giống lupus.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Kauskas-200, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Kauskas-200 là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.