Itaspor thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm được sử dụng để điều trị trong những trường hợp nhiễm nấm. Dưới đây là thông tin chi tiết về Itaspor là thuốc gì và lưu ý khi sử dụng.
1. Itaspor là thuốc gì?
- Thuốc Itaspor được bào chế dưới dạng viên nang, có thành phần chính là Itraconazole hàm lượng 100mg.
- Itraconazole là dẫn xuất của triazole, thuộc nhóm thuốc kháng nấm đường uống, có phổ kháng nấm rộng, ức chế sự phát triển của nhiều loại vi nấm gây bệnh như nấm men (các chủng Candida bao gồm C. albicans, C. krusei, C. glabrata), dermatophytes (các chủng Trichophyton spp., Epidermophyton floccosum, Microsporum spp.,), Aspergillus spp., Cryptococcus neoformans, Pityrosporum spp., các chủng Trichosporon spp., Geotrichum spp., Histoplasma spp., Paracoccidioides brasiliensis, Sporothrix schenckii, Cladosporium spp., Blastomyces dermatitidis, Fonsecaea spp.,, Penicillium marneffei, Pseudallescheria boydii và các vi nấm khác. Các chủng Candida kém nhạy với Itraconazole là C. glabrata và C. tropicalis.
- Fusarium spp., Zygomycetes (Rhizomucor spp., Rhizopus spp., Absidia spp., Mucor spp.), Scedosporium spp. và Scopulariopsis spp là các loại vi nấm không bị ức chế bởi Itraconazole.
- Itraconazole gây rối loạn tổng hợp ergosterol - một thành phần quan trọng của màng tế bào vi nấm, từ đó có tác dụng kháng nấm.
- Itraconazole hấp thu nhanh qua đường uống, nồng độ đỉnh của thuốc là 2 - 5 giờ sau khi uống, được chuyển hóa mạnh ở gan và thải trừ qua phân và nước tiểu.
2. Thuốc Itaspor có tác dụng gì?
Thuốc Itaspor được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Nhiễm nấm ngoài da như nấm kẽ tay, chân, móng tay, móng chân, nấm bẹn.
- Lang ben.
- Nhiễm nấm candida vùng miệng - họng, âm hộ - âm đạo.
- Nhiễm nấm nội tạng: Candida, Aspergillus, Cryptococcus, Histoplasma, Paracoccidioides, Sporothrix, Blastomyces.
- Điều trị duy trì để phòng nhiễm nấm tiềm ẩn tái phát ở người nhiễm HIV/AIDS.
- Dự phòng nhiễm nấm trong trường hợp bạch cầu trung tính giảm kéo dài.
3. Chống chỉ định của thuốc Itaspor
Không sử dụng Itaspor trong các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với Itraconazole hay các thuốc kháng nấm nhóm azol khác.
- Không sử dụng cùng với các thuốc terfenadin, astemizol, cisapride, midazolam và triazolam dạng uống.
4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Itaspor
Liều lượng thuốc tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh và nên uống thuốc ngay sau ăn.
- Nấm Candida âm hộ - âm đạo: Uống 4 viên chia 2 lần/ ngày, dùng trong 1 ngày; hoặc 2 viên/ lần/ ngày x 3 ngày.
- Lang ben: Uống 2 viên/ lần/ngày x 7 ngày.
- Nấm ngoài da:
- Uống 2 viên/ lần/ ngày x 7 ngày hoặc 1 viên/ ngày x 15 ngày.
- Nấm lòng bàn chân, lòng bàn tay có thể bị sừng hóa cao: Uống 4 viên chia 2 lần/ ngày x 7 ngày hoặc 1 viên/ ngày x 30 ngày.
- Nấm Candida vùng miệng - họng: 1 viên/ ngày x 15 ngày. Người bị AIDS, giảm bạch cầu trung tính hoặc cấy ghép cơ quan: Uống 2 viên/ lần/ ngày x 15 ngày.
- Nấm móng: Uống 2 viên x 2 lần/ ngày x 7 ngày, điều trị 2 - 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tuần hoặc điều trị liên tục 2 viên/ lần/ ngày x 3 tháng.
- Nhiễm nấm nội tạng:
- Nấm Aspergillus: Uống 2 viên/lần/ngày x 2 - 5 tháng, nếu bệnh không tiến triển có thể tăng liều lên 2 viên x 2 lần/ ngày.
- Nấm Candida: Uống 1 - 2 viên/ lần/ ngày x 3 tuần đến 7 tháng.
- Nấm Cryptococcus ngoài màng não: Uống 2 viên/ lần/ ngày x 2 tháng đến 1 năm.
- Viêm màng não do Cryptococcus: Uống 4 viên chia 2 lần/ ngày. Sau đó uống 2 viên/ lần/ ngày để điều trị duy trì.
- Nhiễm nấm Histoplasma: Uống 2 viên x 1 - 2 lần/ ngày x 8 tháng.
- Nhiễm nấm Sporothrix schenckii: Uống 1 viên/ ngày x 3 tháng.
- Nhiễm nấm Paracoccidioides brasiliensis: Uống 1 viên/ ngày x 6 tháng.
- Nhiễm nấm Chromomycosis (Fonsecaea, Cladosporium): 1 - 2 viên/ lần/ ngày x 6 tháng.
- Nhiễm nấm Blastomyces dermatitidis: 1 viên/ ngày hoặc 2 viên x 2 lần/ ngày x 6 tháng.
5. Tác dụng phụ của thuốc Itaspor
Khi sử dụng thuốc Itaspor có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:
- Nhức đầu.
- Buồn nôn, đau bụng, khó tiêu.
- Ít gặp các tình trạng ngứa, dị ứng, phát ban, nổi mề đay, phù mạch, hội chứng Stevens -Johnson, tăng men gan có hồi phục, rối loạn kinh nguyệt
- Hiếm gặp tình trạng hạ kali huyết.
Khi sử dụng thuốc Itaspor, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng dùng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
6. Tương tác với thuốc Itaspor
Khi dùng phối hợp Itaspor có thể tương tác với các thuốc sau:
- Không dùng đồng thời với các thuốc terfenadin, cisapride, astemizol do làm tăng nồng độ các thuốc này trong máu, gây kéo dài khoảng QT và có thể dẫn đến xoắn đỉnh.
- Không dùng Itraconazole cùng với các thuốc midazolam và triazolam dạng uống.
7. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Itaspor
Khi sử dụng thuốc Itaspor, cần thận trọng trong các trường hợp sau:
- Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan, thời gian bán thải của thuốc kéo dài khi dùng cho người bị tổn thương gan. Do đó cần thận trọng khi dùng thuốc cho người có tiền sử bệnh gan, theo dõi chức năng gan khi phải dùng kéo dài.
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: chỉ dùng thuốc khi nhiễm nấm nội tạng nặng, đe dọa đến tính mạng và khi đã cân nhắc kỹ giữa lợi ích điều trị và nguy cơ có hại với thai nhi.
Ngoài những thông tin trên nếu còn bất kỳ thắc mắc gì về thuốc Itaspor, người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.