Thuốc Itramir được xếp vào nhóm thuốc kháng sinh, chống nhiễm khuẩn, thường được dùng trong điều trị nhiễm virus, nấm. Với thành phần hoạt chất chính là Itraconazole, bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về thuốc Itramir bao gồm cách dùng và các lưu ý khi sử dụng.
1. Thuốc Itramir là gì?
Itramir thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng chuyên dùng trong điều trị nấm. Thuốc Itramir có thành phần hoạt chất chính là Itraconazole dưới dạng Pellet 22%. Itramir được bào chế dưới dạng viên nang với hàm lượng Itraconazole trong mỗi viên là 100mg.
2. Công dụng của thuốc Itramir
Về công dụng của thuốc Itramir, bản thân của Itraconazol là một chất triazol tổng hợp có tác dụng chống nấm. Trên lâm sàng, tác dụng của Itraconazol về chống nấm đã được chứng minh là tốt hơn Ketoconazol khi gặp một số loại nấm như Aspergillus spp.
Tác dụng chống nấm của Itramir đến từ khả năng ức chế enzym phụ thuộc Cytochroom P450 của nấm, từ đó làm ức chế sự sinh tổng hợp ergosterol dẫn đến việc làm rối loạn chức năng màng enzym, liên kết màng của tế bào nấm, khiến cho sự sống của tế bào nấm kém ổn định.
Phổ kháng nấm của Itramir có thể kể đến như: Coccidioides, Candida, Cryptococcus, Histoplasma, Blastomyces, Sporotrichosis spp.
3. Dược động học thuốc Itramir
Thuốc Itramir với hoạt chất Itraconazol được hấp thu tốt khi dùng bằng đường tiêu hóa. Thời gian dùng có thể sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn, vì thức ăn làm tăng sự hấp thu thuốc trong cơ thể. Với dạng bào chế là viên nang thì sinh khả dụng của thuốc Itramir được tính là 70% khi dùng bằng đường uống. Độ hòa tan của thuốc kháng nấm Itramir sẽ tăng lên trong môi trường acid và nồng độ đạt đỉnh sau khi uống 100mg sau 4 - 5 giờ là 20microgam/ lít.
Trong môi trường cơ thể, 99% thuốc Itramir sẽ gắn với protein huyết tương, cụ thể là albumin, chưa đến 1% thuốc sẽ ở dạng tự do. Về chuyển hóa, Itramir chuyển hóa tốt và chủ yếu ở gan thành nhiều chất rồi bài tiết qua mật hoặc nước tiểu. Chất chuyển hóa của Itraconazol có tác dụng chống nấm là hydroxyitraconazol.
Sự bài tiết của thuốc Itramir chủ yếu qua nước tiểu với hàm lượng 40%, qua phân là 18% và lượng nhỏ thuốc thải trừ qua lớp sừng và tóc của người bệnh. Nửa đời thải trừ sau khi người bệnh dùng liều uống 100mg là 20 giờ, thời gian thải trừ có thể lâu hơn nếu người bệnh dùng liều cao trong ngày.
4. Chỉ định dùng thuốc Itramir
Với công dụng chính là kháng nấm, Itramir được chỉ định trong điều trị các bệnh nấm như sau
- Nấm Candida ở miệng - họng.
- Người bị lang ben.
- Nấm ở da chân, da bẹn, nấm kẽ tay.
- Nấm móng tay, nấm móng chân.
- Các trường hợp nấm nội tạng gây ra bởi Aspergillus, Candida.
- Người bệnh nhiễm nấm Histoplasma, Sporothrix, Paracoccidioides, Cryptococcus, Blastomyces.
- Điều trị duy trì, điều trị dự phòng nhiễm nấm tái phát ở bệnh nhân AIDS.
- Điều trị dự phòng nhiễm nấm trong thời gian giảm bạch cầu trung tính.
5. Chống chỉ định dùng thuốc Itramir
Là một thuốc kháng nấm, có cơ chế tác dụng và hoạt động tương tự kháng sinh nên Itramir cũng được chống chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc Itramir.
- Chống chỉ định dùng Itramir trong quá trình mang thai hoặc đang cho con bú, trừ trường hợp nhiễm nấm nội tạng đe dọa tính mạng.
Chống chỉ định dùng Itramir khi đang điều trị với các thuốc: Astermizol, cisapride, terfenadin, triazolam, midazolam.
6. Liều dùng & cách dùng thuốc Itramir
Cách dùng: Thuốc Itramir được bào chế dưới dạng viên nang, do đó được chỉ định dùng theo đường uống. Thời điểm thích hợp dùng thuốc Itramir là sau khi ăn hoặc dùng trong bữa ăn để tăng hấp thu thuốc.
Liều dùng cụ thể trong niễm nấm ngoài da, niêm mạc
- Nhiễm nấm Candida âm hộ - âm đạo: 100mg x 2 lần/ ngày, liều dùng trong 1 ngày; hoặc 200mg x 1 lần/ ngày và dùng trong 3 ngày liên tiếp.
- Người bị lang ben: 200mg x 1 lần/ ngày, liều dùng trong 7 ngày.
- Nấm ngoài da: 200mg x 1 lần/ ngày, liều dùng trong 7 ngày hoặc 100mg x 1 lần/ ngày dùng trong 15 ngày.
- Liều dùng trong các trường hợp bị sừng hóa cao như trong nhiễm nấm ở lòng bàn chân, lòng bàn tay: 200mg x2 lần/ ngày, liều dùng trong 7 ngày hoặc 100mg x 1 lần/ ngày, liều dùng trong 30 ngày.
- Nhiễm nấm Candida ở miệng - họng: 100mgx 1 lần/ ngày, liều dùng trong 15 ngày.
- Ở người bị bệnh AIDS, điều trị dự phòng nhiễm nấm khi đang giảm bạch cầu trung tính: 200mg x 1 lần/ ngày, liều dùng trong 15 ngày.
- Người bị nấm móng tay hoặc móng chân: Liều dùng chia ra làm 2 - 3 đợt, mỗi đợt sẽ bao gồm 7 ngày, ngày uống 400mg, chia làm 2 lần gồm sáng 200mg, chiều 200mg. Các đợt điều trị liên tiếp phải đảm bảo cách nhau bởi 3 tuần không dùng thuốc. Nếu chọn phác đồ điều trị liên tục, liều dùng Itramir là 200mg x 1 lần/ ngày dùng liên tục trong 3 tháng.
Liều dùng Itramid trong điều trị nhiễm nấm nội tạng:
- Nhiễm Aspergillus: 200mg x 1 lần/ ngày, liều dùng trong 2 - 5 tháng, nếu nấm lan tỏa có thể tăng liều lên 200mg x2 lần/ ngày.
- Nhiễm nấm Candida: 100 - 200mg x 1 lần/ ngày, dùng trong thời gian 3 tuần đến 7 tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ.
- Nhiễm nấm Cryptococcus ngoài màng não: 200mg x 1 lần/ ngày, dùng trong thời gian 2 tháng đến 1 năm theo chỉ định của bác sĩ.
- Viêm màng não do Cryptococcus: 200mg x 2 lần/ ngày. Liều dùng điều trị duy trì: 200mg/ ngày, uống 1 lần trong ngày.
- Nhiễm Histoplasma: 200mg x 1 - 2 lần/ ngày, liều dùng trung bình trong 8 tháng.
- Nhiễm Sporothrix schenckii: 100mg x 1 lần/ ngày, liều dùng trong 3 tháng.
- Nhiễm Paracoccidioides brasiliensis: 100mg x 1 lần/ ngày, liều dùng trong 6 tháng.
- Nhiễm Chromomycosis (Cladosporium, Fonsecaea): 100mg - 200mg x 1 lần/ ngày, liều dùng trong 6 tháng.
- Nhiễm Blastomyces dermatitidis: 100mg x 1 lần/ ngày hoặc 200mg x 2 lần/ ngày, liều dùng trong 6 tháng.
7. Tác dụng phụ của thuốc Itramir
Tác dụng phụ của thuốc Itramir bao gồm trên nhiều hệ và cơ quan của cơ thể, gồm có các tác dụng phụ thường gặp và hiếm gặp.
- Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa và bị tiêu chảy.
- Miễn dịch: Quá mẫn và dị ứng.
- Giảm kali huyết (hiếm gặp).
- Thần kinh: Bệnh lý thần kinh ngoại biên, đau đầu, choáng (hiếm gặp).
- Tim mạch: Suy tim sung huyết (hiếm gặp).
- Hô hấp: Phù phổi (rất hiếm gặp).
- Gan - mật: Gan nhiễm độc, viêm gan, men gan cao (hiếm gặp).
- Hội chứng Stevens - Johnson, phù mạch, nổi mề đay, nhạy cảm với ánh sáng.
- Ở nữ giới có thể xuất hiện rối loạn kinh nguyệt.
8. Lưu ý khi sử dụng thuốc Itramir
- Không nên cho con bú khi dùng các thuốc có chứa itraconazol.
- Dùng Itramir quá liều có thể gây viêm gan, do đó cần theo dõi định kỳ enzym gan và cân nhắc dừng thuốc nếu thấy dấu hiệu gan bất thường.
- Itraconazol khi dùng chung với các thuốc chống đái tháo đường có thể gây hạ đường huyết nặng. Cần theo dõi chặt chẽ nồng độ đường máu và điều chỉnh liều dùng thuốc đái tháo đường nếu cần thiết.
- Thuốc Itramir được hấp thu tốt hơn trong môi trường acid dịch vị. Do đó nếu dùng thuốc với các chất kháng acid hoặc kháng H2 (Cimetidin, ranitidin, omeprazol, esomeprazol) sẽ làm giảm sự hấp thu thuốc Itramir.
- Các loại thuốc cảm ứng enzym như rifampicin, phenobarbital, isoniazid, phenytoin sẽ khiến nồng độ Itramir trong huyết thương bị giảm.
Itramir là thuốc chuyên dùng trong điều trị các bệnh nấm, với hoạt chất chính là Itraconazole. Itramir là thuốc được dùng theo sự kê đơn của bác sĩ, do đó người bệnh không tự ý điều chỉnh liều dùng theo ý mình.