Thuốc Isotera Injection Concentrate 20mg/ml chứa hoạt chất Docetaxel, được chỉ định trong điều trị ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư buồng trứng và ung thư đầu cổ... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Isotera qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Isotera
Thuốc Isotera bào chế dưới dạng dung dịch tiêm. Mỗi lọ 1ml dung dịch tiêm chứa 21,34mg Doceraxel, dung dịch tiêm nhớt trong suốt, màu vàng nhạt đến hơi nâu vàng.
Thuốc Isotera Injection được chỉ định trong các bệnh lý sau đây:
- Ung thư vú: Thuốc Isotera được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc khác trong điều trị ung thư vú;
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Thuốc Isotera được chỉ định đơn độc trong điều trị người bệnh bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ tiến triển tại chỗ hoặc di căn sau khi thất bại với điều trị bằng hóa trị liệu trước đó. Ngoài ra, Isotera phối hợp với Cisplatin trong điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ tiến triển tại chỗ hoặc di căn không thể cắt bỏ;
- Ung thư tuyến tiền liệt: Docetaxel kết hợp với Prednisolon hoặc Prednison trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn đề kháng với hormon;
- Ung thư biểu mô tuyến dạ dày: Docetaxel kết hợp với 5 – fluororacil và Cisplatin trong điều trị ung thư biểu mô tuyến dạ dày di căn;
Ung thư đầu và cổ: Docetaxel kết hợp với 5 – Fluororacil va Cisplatin trong điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy đầu và cổ tiến triển tại chỗ.
2. Liều dùng của thuốc Isotera
Liều dùng thuốc Isotera cần được giới hạn bởi đơn vị chuyên sử dụng hóa trị liệu gây độc tế bào và cần được giám sát bởi bác sĩ có chuyên môn trong sử dụng hóa trị liệu chống ung thư.
Liều thuốc Isotera được khuyến cáo như sau:
- Đối với ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, ung thư đầu và cổ: Sử dụng trước 1 corticosteroid đường uống (Dexamethason 16mg/ngày) trong 3 ngày trước khi điều trị bằng Docetaxel 1 ngày. Có thể sử dụng thêm yếu tố kích thích dòng bạch cầu hạt dự phòng để giảm nguy cơ độc tính về mặt huyết học. Liều thuốc Docetaxel khuyến cáo là 75 – 100mg/m2 tiêm truyền trong 1 giờ;
- Liều thuốc Isotera khuyến cáo là tiêm truyền 1 giờ mỗi 3 tuần.
3. Tác dụng phụ của thuốc Isotera
Thuốc Isotera có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:
- Rối loạn hệ miễn dịch: Thường xảy ra sau vài phút truyền thuốc với triệu chứng là nổi ban ngứa hoặc không ngứa, đỏ da, đau lưng, tức ngực, sốt ớn lạnh, khó thở... Các phản ứng nặng hơn đặc trưng bởi nổi ban đỏ toàn thân, co thắt phế quản;
- Rối loạn hệ thần kinh: Loạn cảm, dị cảm;
- Rối loạn da và mô mềm: Phát ban khu trú chủ yếu ở bàn tay, bàn chân, mặt và ngực bao gồm cả ngứa; tróc vảy da;
- Rối loạn toàn thân hoặc tại vị trí tiêm truyền: Viêm, tăng sắc tố da tại vị trí tiêm, đỏ da, khô da, sưng tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch hoặc thoát mạch, phù ngoại biên;
- Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy, viêm miệng, nôn, buồn nôn, táo bón, đau bụng, xuất huyết dạ dày và viêm thực quản;
- Rối loạn hệ cơ xương: Đau cơ;
- Nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng: Viêm phổi, nhiễm trùng kết hợp với giảm bạch cầu hạt.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Isotera
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Isotera trong những trường hợp sau:
- Người bệnh quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc Isotera;
- Người bệnh có số lượng bạch cầu hạt trung tính thấp hơn 1.500 tế bào/mm3;
- Người bệnh suy gan nặng;
4.2. Thận trọng khi sử dụng
- Giảm bạch cầu hạt là phản ứng bất lợi thường gặp nhất khi điều trị bằng Docetaxel, vì vậy người bệnh cần theo dõi chặt chẽ số lượng huyết cầu toàn phần trong thời gian dùng thuốc. Trường hợp người bệnh bị giảm bạch cầu trung tính nặng trong một liệu trình điều trị bằng thuốc Isotera, khuyến cáo nên giảm liều thuốc ở liệu trình tiếp theo hoặc sử dụng biện pháp điều trị triệu chứng thích hợp.
- Người bệnh cần được theo dõi các phản ứng quá mẫn, đặc biệt là trong lần tiêm truyền thuốc đầu tiên và thứ hai. Phản ứng quá mẫn có thể xảy sau vài phút dùng thuốc nên cần có biện pháp phòng tránh thích hợp.
- Ban đỏ khu trú ở các chi kết hợp với phù nề đã được báo cáo. Ngoài ra, người bệnh bị ứ dịch nặng như tràn dịch ngoài màng tim, tràn dịch màng phổi cần được theo dõi chặt chẽ.
- Theo dõi chức năng gan và tiến hành xét nghiệm chức năng gan định kỳ trong thời gian điều trị bằng Docetaxel.
- Đối với phụ nữ đang mang thai: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Docetaxel gây độc trên cả phôi thai và thai nhi, làm giảm khả năng sinh sản ở chuột cống. Vì vậy, chống chỉ định sử dụng thuốc Isotera ở phụ nữ đang mang thai, phụ nữ trong thời kỳ sinh sản cần có biện pháp tránh thai phù hợp trong thời gian điều trị bằng Isotera Injection.
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh khả năng bài tiết qua sữa mẹ của Docetaxel, vì vậy chống chỉ định sử dụng thuốc Isotera ở phụ nữ đang cho con bú.
5. Tương tác thuốc
Sử dụng đồng thời thuốc Isotera với các chất ức chế hoặc cảm ứng enzym cytochrom P450 – 3A như Terfenadin, Cyclosporin, Erythromycin, Ketoconazol, Troleandomycin...
Thận trọng khi sử dụng Docetaxel đồng thời với thuốc ức chế mạnh CYP3A4 như Ketoconazol, Ritonavir, Itraconazol... Các nghiên cứu khoa học cho thấy độ thanh thải của Docetaxel bị giảm một nửa khi sử dụng cùng với Ketoconazol. Liều thuốc Isotera có thể phải giảm đi 50% trong trường hợp sử dụng kết hợp với các thuốc trên.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Isotera, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Isotera điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.