Thuốc Inflex được sử dụng chủ yếu để điều trị dị ứng theo mùa hoặc nổi mề đay tự phát mãn tính. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc Inflex theo đúng liều lượng và tần suất mà bác sĩ khuyến cáo nhằm ngăn ngừa tối đa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý.
1. Thuốc Inflex là gì?
Thuốc Inflex thuộc nhóm thuốc chống dị ứng, được sử dụng cho các trường hợp quá mẫn. Inflex là một sản phẩm của Ind-Swift Ltd lưu hành tại Việt Nam, có chứa thành phần chính là Fexofenadine hydrochloride cùng các tá dược khác vừa đủ. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, bao gồm 2 loại: Thuốc Inflex 120mg hoặc thuốc Inflex 180mg, đóng gói theo quy cách hộp 10 vỉ x 10 viên.
2. Chỉ định và công dụng của thuốc Inflex
2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Inflex
Theo khuyến cáo của bác sĩ, thuốc Inflex thường được chỉ định sử dụng cho các trường hợp dưới đây:
- Điều trị cho các triệu chứng do viêm mũi dị ứng theo mùa.
- Điều trị tình trạng nổi mề đay tự phát mãn tính.
- Giúp giảm thiểu các triệu chứng dị ứng như chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, ngứa mũi hoặc mắt ngứa đỏ.
2.2. Công dụng của thuốc Inflex
*Dược lực học của thuốc Inflex
Hoạt chất chính trong thuốc Inflex là Fexofenadine hydrochloride – thuộc nhóm thuốc kháng histamine thế hệ 2, có công dụng đối kháng thụ thể H1 ngoại biên. Hoạt chất Fexofenadine có tác dụng kéo dài giúp điều trị cho tình trạng dị ứng, tuy nhiên không có khả năng an thần gây ngủ.
Fexofenadine là một chất chuyển hoá của Terfenadine, có tác dụng ức chế sự co thắt phế quản và ức chế quá trình sản xuất histamine từ dưỡng bào màng bụng. Qua thử nghiệm trên động vật cho thấy, hoạt chất này không có khả năng ức chế thụ thể a 1-adrenergic hoặc kháng cholinergic. Ngoài ra, nghiên cứu cũng không nhận thấy Fexofenadine có tác dụng an thần trên hệ thần kinh trung ương. Thuốc có tác dụng nhanh chóng và kéo dài do cơ chế gắn kết chậm vào thụ thể H1, nhờ đó tạo thành một phức hợp bền vững và tách ra tương đối chậm.
*Dược động học của thuốc Inflex
Hoạt chất Fexofenadine được hấp thu nhanh chóng sau khi uống vào cơ thể, nồng độ đạt đỉnh trong huyết tương trung bình khoảng 2,6 giờ đồng hồ. Sau khi uống Fexofenadine ở liều 60mg, nồng độ hoạt chất đạt đỉnh trong máu là 142ng/ ml. Khi uống Fexofenadine 60mg x 2 lần / ngày, nồng độ đỉnh của thuốc trong máu sẽ ở trạng thái cân bằng, xấp xỉ 286ng / ml chỉ sau khoảng 1,42 giờ. Tuy nhiên, khi dùng thuốc Inflex cùng với thức ăn có thể làm giảm khoảng 17% nồng độ đỉnh trong máu của Fexofenadine, tuy nhiên không ảnh hưởng tới thời gian chạm ngưỡng nồng độ đỉnh của thuốc.
Theo nghiên cứu cho thấy, dược động học của hoạt chất Fexofenadine tuyến tính khi dùng với liều 120mg x 2 lần / ngày. Trong đó, có khoảng 70% Fexofenadine liên kết với protein huyết tương, chủ yếu là a alpha - 1 – glycoprotein và albumin.
Thể tích phân bổ của Fexofenadine dao động từ 5,4 – 5,8 lít / kg. Không phát hiện thuốc đi vào nhau thai hoặc đường sữa mẹ, tuy nhiên nhận thấy Fexofenadine là chất chuyển hóa của Terfenadin trong sữa mẹ. Ngoài ra, hoạt chất Fexofenadine không đi qua hàng rào máu.
Ước tính có khoảng 5% tổng liều thuốc Inflex được chuyển hoá khi vào cơ thể, trong đó khoảng 0,5 - 1,5% Fexofenadine chuyển hoá ở gan thành chất không có hoạt tính thông qua hệ thống enzyme cytochrom P450 và khoảng 3,5% chuyển hoá thành dẫn chất ester methyl nhờ vào hệ vi khuẩn đường ruột. Nửa đời thải trừ của hoạt chất Fexofenadine trong thuốc Inflex là khoảng 14,4 giờ, đối với bệnh nhân suy thận sẽ kéo dài thời gian hơn. Thuốc được đào thải chủ yếu qua phân (khoảng 80%) và 11 – 12% liều dùng qua đường nước tiểu dưới dạng không chuyển hoá.
3. Liều dùng và hướng dẫn sử dụng thuốc Inflex
3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Inflex
Thuốc Inflex được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và người lớn bị viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc nổi mề đay tự phát mãn tính, cụ thể:
- Liều điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa: Uống 60mg x 2 lần / ngày, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân uống 120mg hoặc liều 180mg / lần / ngày.
- Liều điều trị nổi mề đay tự phát mãn tính: Uống 60mg x 2 lần / ngày hoặc dùng liều 180mg / lần / ngày.
- Đối với bệnh nhân suy thận bị dị ứng: Uống liều khởi đầu 60mg / lần / ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
3.2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Inflex đúng cách
Mỗi một loại thuốc hoặc dược phẩm sẽ được bào chế theo nhiều dạng khác nhau, do đó cách dùng thuốc cũng không giống nhau. Những đường sử dụng thuốc điều trị bệnh thông thường sẽ bao gồm: Thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc đặt hoặc bôi ngoài da. Đối với thuốc Inflex, bệnh nhân cần dùng thuốc bằng đường uống do dạng bào chế của thuốc là viên nén. Khi uống thuốc, bạn nên uống cùng lượng nước lọc vừa đủ, không nên uống thuốc trong bữa ăn hoặc kèm các đồ uống khác như sữa, nước ngọt, nước có gas,...
Trước và trong quá trình điều trị quá mẫn bằng thuốc Inflex, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên tờ đơn kèm theo hoặc uống theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc Inflex theo đường khác mà chưa có sự chấp thuận từ bác sĩ.
3.3. Xử trí quá liều hoặc quên liều thuốc Inflex
*Đối với trường hợp quá liều thuốc Inflex
Mặc dù chưa có trường hợp quá liều cấp tính nào liên quan đến việc sử dụng quá lượng Fexofenadine khuyến cáo, tuy nhiên bệnh nhân khi dùng quá liều thuốc có thể gặp phải các triệu chứng đáng chú ý như khô miệng, chóng mặt và buồn ngủ. Để xử lý tình trạng quá liều thuốc Inflex, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ phần hoạt chất chưa được hấp thu ở đường tiêu hoá. Trong một số trường hợp nhất định, phương pháp thẩm tách máu có thể giảm nồng độ của Fexofenadine trong máu, tuy nhiên không đáng kể (chỉ khoảng 1,7%). Ngoài ra, hiện chưa có bất kỳ thuốc giải độc đặc hiệu nào cho trường hợp uống quá liều thuốc Inflex.
*Đối với trường hợp quên uống liều thuốc Inflex
Khi trót quên uống một liều thuốc Inflex, bệnh nhân nên cố gắng uống thuốc càng sớm càng tốt. Trong trường hợp nhớ ra liều bỏ lỡ quá sát với liều dùng Inflex tiếp theo, bạn nên bỏ qua liều cũ và tiếp tục dùng liều mới theo đúng kế hoạch được chỉ định. Tuyệt đối không tự ý bù gấp đôi liều thuốc quy định bởi điều này dễ dẫn đến nguy cơ gặp phải các triệu chứng quá liều Fexofenadine.
4. Một số tác dụng phụ của thuốc Inflex
Trong quá trình điều trị dị ứng bằng thuốc Inflex, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý (ADR). Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng ghi nhận, những tác dụng phụ ở người bệnh dùng Fexofenadine xảy ra tương tự với nhóm dùng Placebo. Mặt khác, những tác dụng ngoài ý muốn do thuốc Inflex gây ra cũng không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, liều dùng, giới tính hay chủng tộc của bệnh nhân.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Inflex, bao gồm:
- Triệu chứng thần kinh như mệt mỏi, buồn ngủ, mất ngủ, đau đầu hoặc chóng mặt.
- Triệu chứng tiêu hoá như khó tiêu hoặc buồn nôn, nôn ói.
- Triệu chứng khác như đau bụng kinh, nhiễm vi rút cúm/ cảm lạnh, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, ho sốt, ngứa họng, viêm xoang, viêm tai giữa hoặc đau lưng.
Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Inflex, bao gồm:
- Rối loạn giấc ngủ.
- Sợ hãi.
- Hay gặp ác mộng.
- Đau bụng.
- Khô miệng.
Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Inflex, bao gồm:
- Phản ứng dị ứng nặng như ngứa, nổi mày đay hoặc phát ban.
- Phản ứng quá mẫn như tức ngực, phù mạch, đỏ bừng, khó thở hoặc choáng phản vệ.
Nhìn chung, các tác dụng phụ của thuốc Inflex thường nhẹ và không quá nghiêm trọng nếu gặp phải. Theo nghiên cứu chỉ có khoảng 2,2% bệnh nhân mắc các tác dụng phụ buộc phải ngừng điều trị bằng Inflex.
4. Những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị bằng thuốc Inflex
4.1. Chống chỉ định sử dụng thuốc Inflex
Cần tránh sử dụng thuốc Inflex cho những trường hợp dưới đây:
- Trẻ em dưới 12 tuổi (do khó phân liều thuốc chuẩn xác).
- Người có tiền sử bị dị ứng với hoạt chất Fexofenadine hoặc các dược chất khác trong thuốc.
- Bệnh nhân suy thận không được điều trị bằng thuốc Inflex 180mg.
4.2. Những điều cần thận trọng khi dùng thuốc Inflex
Dưới đây là những điều người bệnh cần thận trọng trong quá trình điều trị quá mẫn bằng thuốc Inflex, bao gồm:
- Dù thuốc không gây độc tính trên tim giống như terfenadine, tuy nhiên những người có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc có quãng QT kéo dài trước đó vẫn nên thận trọng theo dõi sức khỏe khi sử dụng thuốc Inflex.
- Không sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc kháng histamine nào trong quá trình điều trị dị ứng hoặc nổi mề đay tự phát mãn tính bằng thuốc Inflex.
- Bệnh nhân trên 65 tuổi, mắc bệnh suy gan cũng cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc Inflex do chưa có đủ nghiên cứu hoặc dữ liệu an toàn khi dùng thuốc đối với những đối tượng này.
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chưa có dữ liệu cụ thể về tính hiệu quả và an toàn khi dùng thuốc Inflex, do đó không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ ở độ tuổi này khi không có chỉ định.
- Ngừng dùng Inflex tối thiểu 24 – 48 giờ trước khi bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên tiêm trong da.
4.3. Sử dụng thuốc Inflex cho mẹ bầu và người nuôi con bú
*Lưu ý dùng thuốc Inflex trong thời kỳ mang thai
Việc sử dụng Inflex trong thai kỳ có thể dẫn đến một số tác dụng nguy hiểm cho bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, nhất là trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất, dễ gây ra các biến chứng như quái thai, sảy thai, dị tật thai nhi. Do đó, tốt nhất không sử dụng thuốc Inflex cho phụ nữ có thai. Nếu bắt buộc phải dùng, bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi quyết định điều trị.
*Lưu ý dùng thuốc Inflex trong thời kỳ cho con bú
Thuốc Inflex có thể truyền qua trẻ khi bú sữa mẹ, vì vậy cần hạn chế hoặc tránh dùng thuốc này trong giai đoạn nuôi con bú. Người mẹ nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ hoặc đọc hướng dẫn sử dụng trước khi điều trị dị ứng bằng Inflex.
4.4. Tương tác của thuốc Inflex với những thuốc khác
Khi sử dụng cùng lúc thuốc Inflex cùng với Ketoconazol hoặc Erythromycin có thể làm tăng nồng độ hoạt chất Fexofenadine trong huyết tương từ 2 – 3 lần. Đối với trường hợp đang sử dụng Magnesi hydroxid hoặc thuốc kháng acid chứa nhôm, bệnh nhân cần uống những loại thuốc này trước khi dùng Inflex ít nhất 2 giờ, bởi việc sử dụng quá sát thời gian hoặc cùng lúc có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc Inflex tại đường tiêu hoá.
Tóm lại, thuốc Inflex được sử dụng chủ yếu để điều trị dị ứng theo mùa hoặc nổi mề đay tự phát mãn tính. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào không mong muốn, người bệnh hãy tham vấn ý kiến bác sĩ kê đơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.