Indavix có thành phần là Trimebutine, một chất làm tan co thắt được sử dụng để điều trị hội chứng ruột kích thích, rối loạn nhu động đường tiêu hóa dưới và các rối loạn tiêu hóa khác.
1. Thuốc Indavix là thuốc gì?
Indavix có thành phần chính là Trimebutin maleat 100mg, thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa. Được chỉ định sử dụng điều trị trong các trường hợp như:
- Rối loạn chức năng tiêu hóa, gồm các triệu chứng như viêm dạ dày, trào ngược thực quản dạ dày, thoát vị khe thực quản, viêm tá tràng, loét dạ dày tá tràng (đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn).
- Điều trị hội chứng ruột kích thích.
- Điều trị tình trạng nôn trớ thường xuyên, táo bón, tiêu chảy ở trẻ em.
Cơ chế hoạt động:
- Trimebutine thuộc nhóm thuốc giảm co thắt. Trimebutine hoạt động bằng cách làm chậm hoặc bình thường hóa các chuyển động bất thường của ruột.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Indavix
Cách dùng:
- Thuốc được sản xuất và đóng gói dưới dạng viên nén bao phin, sử dụng thuốc thông qua đường uống. Để thuốc phát huy tối đa hiệu quả thì người bệnh nên uống trước bữa ăn, do lượng thức ăn trong dạ dày có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể.
Liều lượng:
- Liều khuyến cáo dành cho người lớn từ 100mg-200mg x 3 lần/ngày trước bữa ăn, liều lượng tối đa lên đến 600 mg mỗi ngày, chia làm 3 lần (200mg 3 lần mỗi ngày).
Quá liều và cách xử lý:
- Hiện chưa có báo cáo ghi lại các phản ứng hay triệu chứng của người bệnh khi uống thuốc quá liều. Khi người bệnh sử dụng quá liều lượng thuốc và nhận thấy các biểu hiện bất thường của cơ thể thì nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm. Trường hợp dùng thuốc với liều lượng quá cao, bác sĩ có thể chỉ định biện pháp rửa dạ dày để giảm độc tố mà thuốc gây ra.
3. Tác dụng phụ thuốc Indavix
Tác dụng phụ là phản ứng không mong muốn khi thuốc được dùng với liều lượng bình thường. Các tác dụng phụ xảy ra có thể nhẹ hoặc nặng, tạm thời hay kéo dài. Sau đây là một số phản ứng phụ mà người bệnh có thể gặp khi dùng thuốc Indavix:
- Khô miệng, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón;
- Buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi hoặc nhức đầu;
- Tăng men gan, phát ban, đánh trống ngực.
- Một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương bao gồm buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, cảm giác nóng, lạnh và đau đầu.
4. Thận trọng khi dùng thuốc Indavix
Với trẻ em: Thuốc này không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
- Phụ nữ cho con bú: Chưa có nghiên cứu khẳng định liệu thành phần Trimebutine trong thuốc Indavix có thể đi vào sữa mẹ hay không. Nếu người bệnh đang cho con bú thì nên hỏi ý bác sĩ trước khi dùng.
- Với phụ có thai: Phụ nữ có thai không nên sử dụng Trimebutine.
5. Tương tác thuốc
Bệnh nhân nên cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc kê đơn hay không kê đơn đã và đang sử dụng để tránh gây ra sự tương tác thuốc dẫn đến phản ứng phụ không mong muốn. Sau đây là một số loại thuốc khi dùng chung với Indavix có thể gây ra tương tác:
- Abacavir: Abacavir có thể làm giảm tốc độ bài tiết của Trimebutine, điều này có thể dẫn đến nồng độ trong huyết thanh cao hơn;
- Abametapir: Nồng độ trong huyết thanh của Trimebutine có thể được tăng lên khi nó được kết hợp với Abametapir;
- Acarbose: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của hạ đường huyết có thể tăng lên khi kết hợp Trimebutine với Acarbose;
- Acebutolol: Acebutolol có thể làm tăng hoạt động loạn nhịp tim của Trimebutine;
- Aceclofenac: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của tăng kali máu có thể tăng lên khi Aceclofenac được kết hợp với Trimebutine;
- Acetazolamide: Acetazolamide có thể làm tăng hoạt động của thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (CNS depressant) của Trimebutine;
- Ajmaline: Ajmaline có thể làm tăng hoạt động loạn nhịp tim của Trimebutine;
- Agomelatine: Agomelatine có thể làm tăng các hoạt động gây trầm cảm hệ thần kinh trung ương (CNS depressant) của Trimebutine;
- Adenosine: Adenosinecó thể làm tăng hoạt động loạn nhịp tim của Trimebutine;
- Acetophenazine: Acetophenazine có thể làm tăng hoạt động của thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (CNS depressant) của Trimebutine.
Những thông tin cơ bản về thuốc Indavix trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.