Grovamix là thuốc kháng sinh kết hợp giữa Metronidazole và Spiramycin. Thuốc Grovamix được chỉ định trong các trường hợp nhiễm trùng răng miệng, viêm mô tế bào quanh xương hàm, viêm quanh thân răng, viêm nha chu, viêm tuyến nước bọt. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc Grovamix.
1. Công dụng thuốc Grovamix
Grovamix là thuốc kháng sinh kết hợp giữa Metronidazole hàm lượng 75000IU và Spiramycin hàm lượng 125mg. Thuốc Grovamix được bào chế dưới dạng viên nén.
Spiramycin là kháng sinh thuộc nhóm Macrolid, thuốc có phổ kháng khuẩn tương tự của Clindamycin và Erythromycin. Spiramycin có tác dụng kìm khuẩn trên vi khuẩn đang phân chia tế bào ở nồng độ trong huyết thanh, tuy nhiên khi đạt nồng độ ở mô thuốc có thể có tác dụng diệt khuẩn.
Cơ chế tác dụng của Spiramycin là tác dụng trên tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn và ngăn cản vi khuẩn tổng hợp protein.
Hoạt tính kháng khuẩn của Spiramycin trên vi khuẩn gây bệnh vùng răng miệng bao gồm:
- Vi khuẩn thường nhạy cảm: Phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn không phải nhóm D, màng não cầu, Actinomyces, Bordetella pertussis, Corynebacteria, Mycoplasma, Chlamydia.
- Vi khuẩn không thường xuyên nhạy cảm: Tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn nhóm D, lậu cầu khuẩn, Haemophilus influenzae.
- Vi khuẩn đề kháng: Trực khuẩn hiếu khí gram âm.
Metronidazole là dẫn chất 5-nitro-imidazol, thuốc có phổ hoạt tính rộng trên các động vật nguyên sinh như Giardia, amip và vi khuẩn kỵ khí.
Cơ chế tác dụng của Metronidazol chưa rõ. Trong ký sinh trùng, nhóm 5-nitro của thuốc bị khử thành chất trung gian độc với tế bào. Các chất này liên kết với cấu trúc xoắn của phân tử DNA làm vỡ sợi này và làm tế bào chết.
Nồng độ trung bình có hiệu quả của Metronidazole là 8mcg/ml hoặc thấp hơn đối với hầu hết động vật nguyên sinh và vi khuẩn nhạy cảm. Nồng độ tối thiểu ức chế chủng vi khuẩn nhạy cảm khoảng 0,5mcg/ml. Vi khuẩn khi phân lập được xem là nhạy cảm với Metronidazole khi nồng độ tối thiểu ức chế không quá 16mcg/ml.
Hoạt tính kháng khuẩn của kháng sinh Metronidazole trên vi khuẩn gây bệnh vùng răng miệng bao gồm:
- Vi khuẩn thường nhạy cảm: trực khuẩn kỵ khí bắt buộc: Clostridium, Bifidobacterium bifidum, C. perfringens, Bacteroides fragilis, Eubacterium, Melaninogenicus, Fusobacterium, Veillonella, Peptostreptococcus, Pneumosintes, Peptococcus.
- Vi khuẩn không thường xuyên nhạy cảm: Actinomyces, Propionibacterium acnes, Arachnia.
- Vi khuẩn đề kháng: trực khuẩn hiếu khí, trực khuẩn kỵ khí không bắt buộc.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Grovamix
Thuốc Grovamix được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Ðiều trị nhiễm trùng răng miệng cấp tính, mạn tính hoặc tái phát, đặc biệt áp xe răng.
- Viêm tấy, viêm mô tế bào quanh xương hàm, viêm nướu, viêm quanh thân răng, viêm miệng, viêm nha chu, viêm tuyến nước bọt mang tai, viêm tuyến nước bọt dưới hàm.
- Dự phòng nhiễm khuẩn răng miệng hậu phẫu.
Thuốc Grovamix có chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với Spiramycin, Metronidazole hoặc bất kỳ thành phần nào khác trong thuốc Grovamix.
- Trẻ em dưới 6 tuổi (do dạng bào chế của thuốc không thích hợp).
3. Cách dùng thuốc Grovamix
Thuốc Grovamix được dùng đường uống. Liều dùng thuốc Grovamix:
Ðiều trị nhiễm trùng răng miệng cấp tính, mạn tính hoặc tái phát; viêm tấy, viêm mô tế bào quanh xương hàm, viêm nướu, viêm quanh thân răng, viêm miệng, viêm nha chu, viêm tuyến nước bọt mang tai, viêm tuyến nước bọt dưới hàm:
- Người lớn: Liều dùng 4 - 6 viên/ngày, chia làm 2 - 3 lần/ngày, uống thuốc trong bữa ăn. Trong trường hợp nặng có thể dùng liều tới 8 viên/ngày.
- Trẻ em: 6 - 10 tuổi: Liều 2 viên/ngày.
- Trẻ em 10 -15 tuổi: Liều 3 viên/ngày.
Dự phòng nhiễm khuẩn răng miệng hậu phẫu:
- Người lớn: Liều 4 - 6 viên/ngày, chia làm 2 - 3 lần/ngày, uống thuốc trong bữa ăn.
- Trẻ em: 6 - 10 tuổi: Liều 2 viên/ngày.
- Trẻ em 10 -15 tuổi: Liều 3 viên/ngày.
Quá liều thuốc Grovamix và xử trí:
- Spiramycin: Chưa có thông tin về dùng quá liều thuốc Spiramycin. Triệu chứng tiêu hóa khi quá liều có thể gặp là buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Metronidazolel: Trường hợp uống một liều duy nhất lên tới 15g đã được báo cáo. Triệu chứng quá liều bao gồm mất điều hòa, buồn nôn, nôn. Tác dụng độc thần kinh gồm có co giật, viêm dây thần kinh ngoại biên có thể gặp sau 5 tới 7 ngày dùng liều 6 - 10,4g mỗi 2 ngày/lần. Hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu của Metronidazole. Trong trường hợp quá liều thuốc, chủ yếu áp dụng điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Metronidazole có thể loại khỏi cơ thể bằng cách thẩm tách máu.
Quên một liều thuốc Grovamix và xử trí:
- Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Grovamix, hãy dùng ngay nếu có thể. Trường hợp nếu gần đến thời gian sử dụng liều thuốc Grovamix kế tiếp, có thể bỏ qua liều thuốc đã quên và uống liều tiếp theo như kế hoạch điều trị. Ngoài ra không dùng gấp đôi liều thuốc Grovamix.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Grovamix
Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Grovamix đã được báo cáo:
Thường gặp:
- Thần kinh: Nhức đầu.
- Tiêu hóa: Khó tiêu, chán ăn, đau thượng vị, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, khô miệng, vị kim loại khó chịu trong miệng.
Ít gặp:
- Da: Ban da, phồng rộp da, mày đay.
- Máu: Mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu.
- Thần kinh trung ương: Bệnh đa dây thần kinh ngoại vi, cơn động kinh, nhức đầu.
- Tiết niệu: Nước tiểu sẫm màu.
- Tiêu hóa: Viêm đại tràng.
- Toàn thân: Mệt mỏi, phản ứng phản vệ, bội nhiễm.
Trong trường hợp tác dụng phụ nghiêm trọng, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc Grovamix và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
5. Lưu ý khi dùng thuốc Grovamix
- Không sử dụng Spiramycin cho bệnh nhân thiếu hụt men glucose-6-phosphat-dehydrogenase.
- Bệnh nhân có tiền sử rối loạn huyết học, bệnh nhân đang dùng liều cao hoặc điều trị kéo dài thuốc Grovamix, thường xuyên làm xét nghiệm máu.
- Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Trong thời gian sử dụng thuốc Grovamix bệnh nhân có nguy cơ xảy ra chóng mặt, lú lẫn, ảo giác hoặc co giật. Không nên lái xe hoặc vận hành máy móc nếu xuất hiện các triệu chứng trên.
- Phụ nữ mang thai: Spiramycin và Metronidazole đều đi qua được nhau thai. Do đó không nên dùng trong thời gian đầu khi mang thai, trường hợp cần thiết phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Phụ nữ đang cho con bú: Spiramycin và Metronidazole được bài tiết trong sữa mẹ, không nên dùng thuốc Grovamix cho phụ nữ trong thời gian cho con bú.
6. Tương tác thuốc
- Spiramycin dùng đồng thời với thuốc uống ngừa thai sẽ làm mất tác dụng ngừa thai.
- Metronidazole làm tăng tác dụng của các thuốc uống chống đông máu, đặc biệt Warfarin, do đó không được sử dụng đồng thời.
- Phenobarbital: Dùng đồng thời với Metronidazole làm tăng chuyển hóa Metronidazole.
- Lithium: Dùng đồng thời với Metronidazole làm tăng nồng độ Lithi huyết thanh có thể gây ngộ độc Lithi.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Grovamix, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Grovamix là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.