Gastrolac có hoạt chất chính là Pantoprazole, một thuốc ức chế bơm proton được sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zollinger - Ellison và phòng ngừa loét do NSAIDs. Vậy công dụng, liều lượng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Gastrolac là gì?
1. Thuốc Gastrotac có tác dụng gì?
Thuốc Gastrotac có tác dụng gì? Thuốc Gastrolac có hoạt chất chính là Pantoprazole, dưới dạng bột đông khô với hàm lượng 40mg. Pantoprazol là thuốc ức chế bơm proton, có tác dụng ức chế giai đoạn cuối trong quá trình tiết acid ở tế bào thành dạ dày bằng cách liên kết đồng hóa trị với bơm H+/K+/ATPase. Thuốc có khả năng ức chế tiết acid dạ dày thông thường và do các tác nhân kích thích. Sự gắn kết với bơm H+/K+/ATPase sẽ làm tác dụng kháng tiết acid của thuốc kéo dài hơn 24 giờ. Với 1 liều Pantoprazole tiêm tĩnh mạch từ 20 đến 120 mg cho người khỏe mạnh, tác dụng của thuốc khởi phát trong vòng 15 - 30 phút và sự ức chế acid dạ dày kéo dài trong 24 giờ phụ thuộc liều trong lượng.
2. Công dụng của thuốc Gastrolac
Thuốc Gastrolac được chỉ định trong điều trị các bệnh lý sau:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Loét dạ dày - tá tràng.
- Phòng ngừa loét do thuốc kháng viêm không steroid.
- Hội chứng Zollinger - Ellison và các bệnh lý gây tăng tiết acid khác.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Gastrolac ở bệnh nhân quá mẫn với Pantoprazol, bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc dẫn xuất benzimidazol khác như Esomeprazol, Omeprazol, Lansoprazol, Rabeprazol.
3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Gastrolac
Liều dùng
- Trào ngược dạ dày - thực quản và loét dạ dày, tá tràng: Liều Gastrolac khuyến cáo là tiêm tĩnh mạch một lọ 40mg mỗi ngày.
- Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison và các bệnh lý gây tăng tiết acid dạ dày khác: Điều trị kéo dài trong hội chứng Zollinger - Ellison và các trường hợp tăng tiết acid dạ dày bệnh lý khác nên bắt đầu với liều 80mg mỗi ngày. Sau đó, liều dùng có thể tăng lên hoặc giảm xuống dựa trên đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Với liều lớn hơn 80mg mỗi ngày, liều dùng nên được chia thành hai lần mỗi ngày, có thể tăng liều tạm thời lên đến 160 mg nhưng không được sử dụng kéo dài.
- Trong trường hợp cần kiểm soát nhanh sự tiết acid dịch vị, bắt đầu sử dụng Pantoprazol với liều 80mg x 2 lần/ngày là hiệu quả để kiểm soát tình trạng tiết acid dịch vị trong phạm vi mục tiêu (<10 mEq/giờ) trong vòng một giờ ở phần lớn bệnh nhân.
Đối tượng đặc biệt:
- Trẻ em: Kinh nghiệm sử dụng thuốc Gastrolac trên trẻ em còn hạn chế. Do đó, không được khuyến cáo dùng thuốc cho bệnh nhân dưới 18 tuổi cho đến khi có thêm dữ liệu lâm sàng.
- Suy gan: Liều dùng khuyến cáo là 20mg Pantoprazol mỗi ngày (một nửa lọ pantoprazol 40 mg) và không nên dùng vượt quá ở bệnh nhân suy gan nặng.
- Suy thận: Không cần phải hiệu chỉnh liều thuốc Gastrolac trên những bệnh nhân có chức năng thận suy giảm.
- Người cao tuổi: Không cần thiết phải điều chỉnh liều Gastrolac ở những bệnh nhân lớn tuổi.
Cách dùng:
- Pha tiêm tĩnh mạch: Bơm 10ml dung dịch nước muối sinh lý (dung dịch NaCl 0,9% vào lọ Pantoprazol 40mg, tiêm tĩnh mạch chậm trong tối thiểu 2 phút.
- Truyền tĩnh mạch: Bơm 10ml dung dịch muối sinh lý (NaCl 0,9%) vào lọ, sau đó pha loãng với 100ml nước muối sinh lý hay 100ml Glucose 5%, truyền tĩnh mạch trong tối thiểu 15 phút.
- Không pha Pantoprazol với dung môi khác ngoài các dung môi nói trên. Dung dịch đã pha chế cần được dùng trong vòng 12 giờ sau khi pha.
- Cần phải chuyển sang dùng đường uống ngay khi có thể
3. Tác dụng phụ của thuốc Gastrolac là gì?
Nhìn chung, Pantoprazol dung nạp tốt khi điều trị ngắn hạn và cả dài hạn. Một số tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Gastrolac bao gồm:
- Thường gặp: Mệt mỏi, đau đầu, ban da, mày đay, đau khớp, đau cơ, khô miệng, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón
- Ít gặp: Suy nhược, chóng mặt, choáng váng, ngứa, tăng enzym gan.
- Hiếm gặp: Toát mồ hôi, phù ngoại biên, sốc phản vệ, ban dát sần, mụn trứng cá, rụng tóc, viêm da tróc vảy, phù mạch, hồng ban đa dạng, viêm miệng, rối loạn tiêu hóa, nhìn mờ, sợ ánh sáng, mất ngủ, tình trạng kích động hoặc ức chế, ù tai, run, ảo giác, dị cảm, tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, liệt dương, tiểu máu, viêm thận kẽ, vàng da, viêm gan, bệnh não gan, tăng triglycerid và hạ natri máu.
4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Gastrolac
Trong quá trình sử dụng thuốc Gastrolac, người bệnh cần lưu ý:
- Điều trị lâu dài bằng các thuốc ức chế bơm proton, đặc biệt khi dùng liều cao có thể làm tăng nhẹ nguy cơ gãy xương hông, cổ tay và xương sống. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở người già hoặc bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác. Bệnh nhân có nguy cơ cao loãng xương nên được chăm sóc theo hướng dẫn và cần bổ sung đầy đủ vitamin D và calci.
- Đã có báo cáo về tình trạng hạ magnesi huyết nặng trên bệnh nhân điều trị với thuốc ức chế bơm proton trong ít nhất 3 tháng. Các triệu chứng của hạ magnesi huyết nặng có thể bao gồm mệt mỏi, co cứng cơ, co giật, mê sảng, choáng váng và rối loạn nhịp thất. Nhưng các triệu chứng trên có thể xảy ra âm ỉ và không được bệnh nhân chú ý. Ở đa số bệnh nhân bị hạ magnesi huyết, tình trạng bệnh thường được cải thiện sau khi bổ sung magie và ngưng dùng thuốc ức chế bơm proton. Nên lưu ý kiểm tra nồng độ magnesi trước khi bắt đầu điều trị và định kỳ trong khi điều trị ở những bệnh nhân điều trị lâu dài hoặc dùng thuốc ức chế bơm proton, đồng thời với những thuốc gây hạ magnesi huyết (ví dụ thuốc lợi tiểu).
- Ảnh hưởng trên gan: Đã có báo cáo về các trường hợp tăng nhẹ và thoáng qua ALT huyết thanh khi điều trị với Pantoprazol.
- Giảm acid dịch vị hoặc chứng thiếu toan dịch vị do điều trị với các thuốc ức chế tiết acid trong thời gian dài (hơn 3 năm) có thể làm giảm hấp thu cyanocobalamin.
- Phụ nữ có thai: Chưa có đầy đủ dữ liệu về việc dùng Pantoprazol trên phụ nữ mang thai. Do vậy, phụ nữ đang trong thai kỳ không nên dùng thuốc Gastrolac, trừ trường hợp thật cần thiết.
- Phụ nữ cho con bú: Thuốc Gastrolac được phân bố trong sữa mẹ, bệnh nhân nên ngưng cho con bú hoặc ngưng dùng thuốc do các nguy cơ tiềm ẩn cho trẻ bú mẹ.
- Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Gastrolac có thể gây tác dụng phụ như choáng váng và rối loạn thị giác. Do vậy, bệnh nhân nên thận trọng khi lái xe hay vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc
Sử dụng đồng thời Gastrolac và một số thuốc có thể gây tương tác, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và/hoặc gia tăng độc tính của thuốc. Nhìn chung, Pantoprazol chuyển hóa rộng rãi ở gan, chủ yếu qua cytochrom P450, do đó có nguy cơ gây tương tác với các thuốc khác chuyển hóa qua cùng isoenzym. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có tương tác có ý nghĩa lâm sàng giữa Pantoprazol với các thuốc trên. Tốt nhất bệnh nhân cần thông báo với chuyên viên y tế tất cả các loại thuốc kê toa, không kê toa và cả thực phẩm chức năng đang sử dụng. Dưới đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng thuốc Gastrolac:
- Thuốc Gastrolac ức chế tiết acid và làm tăng pH của dạ dày. Do đó về mặt lý thuyết, thuốc có khả năng tương tác khi dùng đồng thời với các thuốc có độ hấp thu phụ thuộc pH dạ dày như Ampicillin, Sắt, Ketoconazol.
- Warfarin: Có nguy cơ tăng chỉ số INR và thời gian prothrombin khi dùng đồng thời Warfarin với thuốc ức chế bơm proton, kể cả Pantoprazol. Nguy cơ chảy máu bất thường và tử vong có thể xảy ra. Do đó cần theo dõi chỉ số INR và thời gian prothrombin khi dùng thuốc Gastrolac đồng thời với warfarin.
- Sucralfat có thể làm chậm hấp thu và giảm sinh khả dụng của thuốc Gastrolac. Vì vậy, nên uống thuốc ức chế bơm proton ít nhất 30 phút trước khi dùng sucralfat.
Trên đây là các thông tin tổng quan về thuốc Gastrolac. Đây là thuốc kê đơn sử dụng đường tiêm truyền, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng mà cần đến bệnh viện thăm khám để được chỉ định phù hợp.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.