Thuốc Floxadrop có chứa thành phần hoạt chất chính là Ofloxacin và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Loại thuốc này có hai dạng bào chế là dạng viên nén 200mg và dạng thuốc tra mắt 3mg/ml. Đây là thuốc kháng sinh có công dụng trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn.
1. Thuốc Floxadrop là thuốc gì?
Thuốc Floxadrop có chứa thành phần hoạt chất chính là Ofloxacin và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Loại thuốc này có hai dạng bào chế là dạng viên nén 200mg và dạng thuốc tra mắt 3mg/ml. Đây là thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolon có công dụng trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn.
1.1. Dược lực học của hoạt chất Ofloxacin
Hoạt chất Ofloxacin là thuốc kháng khuẩn nhóm Fluoroquinolon, có phổ kháng khuẩn rộng. Cơ chế tác dụng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tương tự như các thuốc kháng sinh nhóm Quinolon kháng khuẩn khác, Ofloxacin ức chế ADN– gyrase là enzym cần thiết trong quá trình nhân đôi, phiên mã và dịch mã ADN của vi khuẩn
Cơ chế tác dụng: Hoạt chất Ofloxacin có tác dụng diệt khuẩn. Ofloxacin được cho là ức chế quá trình tổng hợp ADN của vi khuẩn đặc biệt thông qua ức chế hoạt động của ADN gyrase (topoisomerase II) và topoisomerase IV.
1.2. Dược động học của hoạt chất Ofloxacin
- Khả năng hấp thu: Hoạt chất Ofloxacin được hấp thu nhanh và tốt qua đường tiêu hóa. Thuốc được phân bố rộng khắp vào các dịch cơ thể, kể cả dịch não tủy và xâm nhập tốt vào các mô. Thuốc qua được cả nhau thai và tiết qua sữa và có nồng độ tương đối cao trong mật.
- Khả năng chuyển hóa: Khi dùng liều đơn, ít hơn 10% Ofloxacin được chuyển hóa thành Desmethyl– ofloxacin và Ofloxacin N– oxyd. Dược chất Ofloxacin được lọc qua cầu thận và bài tiết qua ống thận.
- Khả năng thải trừ: 75– 80% hoạt chất Ofloxacin được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng không chuyển hóa trong 24 đến 48 giờ, làm nồng độ thuốc cao trong nước tiểu. Phần còn lại của thuốc được bài tiết ra ngoài dưới dạng chuyển hóa trong nước tiểu và bài tiết qua phân. Chỉ một lượng nhỏ dược chất Ofloxacin được thải bằng thẩm phân máu.
2. Thuốc Floxadrop công dụng điều trị bệnh gì?
Thuốc Floxadrop dạng viên nén có công dụng trong điều trị bệnh lý sau:
- Điều trị nhiễm trùng đường tiểu có biến chứng và không có biến chứng.
- Điều trị nhiễm trùng ngoài da và mô mềm.
- Điều trị viêm tuyến tiền liệt.
- Điều trị các bệnh lây truyền qua đường sinh dục như là: nhiễm lậu cầu cấp tính niệu đạo và cổ tử cung không biến chứng, viêm niệu đạo và cổ tử cung không do lậu cầu.
- Điều trị viêm phổi nguyên nhân do do H. influenza hay Streptococcus pneumoniae.
- Điều trị viêm phế quản mạn tính vào đợt cấp.
Thuốc Floxadrop dạng dung dịch tra mắt có công dụng trong điều trị bệnh lý sau:
- Điều trị các bệnh nhiễm trùng phần ngoài mắt do các chủng nhạy cảm với Ofloxacin:
- Điều trị bệnh viêm kết mạc, loét giác mạc, viêm túi lệ.
- Điều trị bệnh viêm mí mắt, viêm sụn mí, mụt lẹo (chắp, lẹo mắt)
3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Floxadrop
3.1. Cách dùng thuốc với dạng viên nén
Đối với người lớn :
- Liều dùng điều trị viêm bàng quang do E. coli hay K. pneumoniae: dùng 200mg mỗi 12 giờ trong thời gian 3 ngày.
- Liều dùng điều trị viêm bàng quang do nhiễm các loại vi khuẩn khác: dùng 200 mg mỗi 12 giờ trong thời gian 7 ngày.
- Liều dùng điều trị nhiễm khuẩn đường tiểu có biến chứng: dùng 200mg mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
- Liều dùng điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm mức độ trung bình hoặc nhẹ: dùng 400mg mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
- Liều dùng điều trị viêm phổi hay viêm phế quản mạn tính đợt cấp: dùng 400mg mỗi 12 giờ trong thời gian 10 ngày.
Bệnh lây truyền qua đường sinh dục:
- Liều dùng điều trị nhiễm lậu cầu không biến chứng: dùng 400mg một liều duy nhất.
- Liều dùng điều trị viêm niệu đạo hay viêm cổ tử cung do C. trachomatis: dùng 300mg mỗi 12 giờ trong thời gian 7 ngày.
- Liều dùng điều trị viêm tuyến tiền liệt: dùng 300mg mỗi 12 giờ trong thời gian 6 ngày.
- Liều dùng với những người bị suy chức năng thận:
- Độ thanh thải creatinin > 50ml/phút: dùng liều thông thường ở người lớn, uống cách 12 giờ/lần.
- Độ thanh thải creatinin 10 – 50ml/phút: dùng liều điều trị thông thường ở người lớn, uống cách 24 giờ/lần.
- Độ thanh thải creatinin < 10ml/phút: dùng 1⁄2 liều điều trị thông thường ở người lớn, uống cách 24 giờ/lần
3.2. Cách dùng thuốc với dạng thuốc nhỏ mắt
- Liều lượng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ nhiễm trùng của từng người mà được bác sĩ chuyên khoa mắt quyết định.
- Tra 1 giọt vào mỗi mắt, cách nhau từ 2 đến 4 giờ tra một lần, như vậy trong 2 ngày. Sau đó, tra ngày 4 lần, mỗi lần 1 giọt, thêm 5 ngày nữa.
Hiện nay vẫn chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Floxadrop ở trẻ dưới 1 năm tuổi.
3.3. Trường hợp quá liều thuốc Floxadrop
- Trường hợp quá liều thuốc: Các dấu hiệu triệu chứng của quá liều thuốc Floxadrop có thể gặp phải như buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt, nóng và lạnh, đỏ bừng, sưng mặt và mất phương hướng trong không gian từ mức độ nhẹ đến trung bình. Trong trường hợp bạn nghi ngờ ai đó sử dụng quá liều thuốc Floxadrop, bạn cần ngay lập tức đưa người sử dụng quá liều đến các cơ sở y tế để được xử trí đúng phương pháp.
- Bác sĩ điều trị sẽ chỉ định dùng những biện pháp cơ bản để loại phần thuốc Floxadrop chưa được hấp thu như gây nôn, thụt rửa dạ dày, theo dõi lâm sàng và có các biện pháp bù nước phù hợp. Đồng thời, các bác sĩ điều trị cũng chỉ định điều trị các dấu hiệu triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
- Trường hợp quên liều dùng: Bạn cần chủ động uống bổ sung liều thuốc Floxadrop đã quên ngay sau khi bạn nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách so với liều thuốc tiếp theo quá ngắn thì bạn nên bỏ qua liều thuốc mà bạn đã quên và tiếp tục sử dụng thuốc theo đúng lịch trình như trước. Bạn cần lưu ý rằng, tuyệt đối không được sử dụng với gấp đôi liều dùng đã quy định để bù liều đã quên trước đó.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Floxadrop
Trong quá trình sử dụng thuốc Floxadrop dạng viên nén, người bệnh có thể gặp phải những tác dụng phụ như sau:
- Thần kinh: đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, run, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, rối loạn thị giác.
- Tiêu hóa: buồn nôn, nôn mửa nhiều, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
- Da: phát ban, ngứa ngáy, viêm mạch máu, phản ứng da nhạy cảm với ánh sáng, phản ứng da kiểu quá mẫn trên da.
- Thận: suy thận cấp tính thứ phát sau viêm thận mô kẽ.
- Tác dụng không mong muốn với các cơ quan khác: nhìn mờ, tăng số lượng bạch cầu ưa acid, giảm số lượng bạch cầu đa nhân trung tính, giảm số lượng tiểu cầu, đau mỏi các cơ, chứng vú to.
Khi sử dụng thuốc Floxadrop dạng thuốc nhỏ mắt, người bệnh có thể gặp phải những tác dụng phụ như sau:
- Có thể gây kích thích tạm thời hay phản ứng quá mẫn.
- Có thể gây ra những phản ứng dị ứng chéo.
Khi gặp phải các tác dụng không mong muốn đến sức khỏe của mình thì điều cần làm là ngừng sử dụng thuốc. Với các phản ứng không mong muốn nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ như đảm bảo phòng thoáng khí và dùng Epinephrin, thở oxygen, sử dụng các thuốc kháng histamin, corticoid....
Bạn cần chủ động thông báo với bác sĩ điều trị hoặc các chuyên gia y tế nếu bạn gặp phải những tác dụng không mong muốn khác nghiêm trọng khi sử dụng thuốc Floxadrop.
5. Tương tác của thuốc Floxadrop
Tương tác của thuốc Floxadrop có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:
- Uống đồng thời các thuốc có chứa hoạt chất Ofloxacin với các thuốc chống viêm không steroid (Aspirin, Diclofenac, Dipyrone, Indomethacin, Paracetamol), tác dụng gây ra rối loạn tâm thần không tăng.
- Không cần có sự thận trọng đặc biệt khi dùng thuốc Floxadrop với các kháng sinh Quinolon, thuốc chống viêm không steroid.
- Sự hấp thu của hoạt chất Ofloxacin không bị kháng sinh Amoxicillin làm thay đổi.
- Nồng độ hoạt chất Ofloxacin trong huyết thanh có thể giảm xuống dưới nồng độ điều trị khi sử dụng đồng thời thuốc Floxadrop với các kháng acid nhôm và magnesi.
Để tránh tương tác thuốc Floxadrop xảy ra người bệnh cần thông báo cho bác sĩ được biết về các loại thuốc, thảo dược, sản phẩm chăm sóc sức khỏe đang sử dụng để bác sĩ cân nhắc và kê đơn thuốc một cách phù hợp.
6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Floxadrop
Trong quá trình sử dụng thuốc Floxadrop, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
6.1. Chống chỉ định của thuốc Floxadrop
- Những người có cơ địa nhạy cảm hay quá mẫn với thành phần hoạt chất chính là Ofloxacin và các thuốc nhóm Quinolon khác.
- Trẻ em có độ tuổi dưới 15 tuổi.
6.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Floxadrop
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Floxadrop đối với các người bệnh động kinh hoặc có tiền sử rối loạn thần kinh trung ương.
- Phải giảm liều điều trị đối với người bệnh bị suy thận.
- Tác động của thuốc Floxadrop trên người lái xe và vận hành máy móc: Do có báo cáo về khả năng buồn ngủ, mất tập trung, choáng váng và rối loạn thị giác khi sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất Ofloxacin. Vậy nên người sử dụng thuốc cần tránh lái xe hoặc vận hành máy móc khi uống thuốc. Khi sử dụng chung thuốc Floxadrop với rượu làm tăng các triệu chứng này.
6.5. Cách bảo quản thuốc Floxadrop
Để đảm bảo chất lượng, thuốc Floxadrop cần được bảo quản như sau:
- Bảo quản thuốc Floxadrop tại những nơi khô thoáng, không để tại những nơi ẩm thấp, tránh để tại nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào thuốc.
- Không để thuốc Floxadrop tại nơi có nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, nhiệt độ trung bình để bảo quản thuốc khoảng 25 độ C.
- Để thuốc Floxadrop tránh xa tầm tay với của trẻ nhỏ và các loại thú cưng nuôi trong gia đình của bạn.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Floxadrop, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Floxadrop để điều trị bệnh tại nhà, vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn đến sức khỏe.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.