Fisiodar là thuốc chống ung thư được chỉ định trong điều trị bệnh lý bạch cầu dòng Lympho mạn tính tế bào B. Vậy thuốc Fisiodar có tác dụng gì và được sử dụng như thế nào?
1. Thuốc Fisiodar là gì?
Fisiodar với thành phần chính là Fludarabine phosphate (2F-ara-AMP) đây là một chất chống lại sự tổng hợp nhân purin của nucleotide. Từ đó sẽ ức chế sự tổng hợp ADN của các tế bào sinh ung thư ở tủy xương và ức chế men khử diphosphate ribonucleoside.
Trong điều trị bệnh bạch cầu dòng Lympho mạn tính, sau khi uống liều duy nhất 50mg, 70mg hoặc 90mg Fisiodar. Nồng độ tối đa trong của thuốc trong máu đạt sau 2 giờ uống. Thuốc được chuyển hóa ở gan và thải trừ qua nước tiểu phụ thuộc vào độ lọc cầu thận của từng bệnh nhân.
2. Chỉ định của thuốc Fisiodar
Fisiodar được chỉ định điều trị trong bệnh bạch cầu dòng Lympho mạn tính tế bào B (B-CLL) sau khi bệnh nhân đã điều trị với tác nhân alkyl hóa mà không có đáp ứng hoặc bệnh vẫn tiếp tục tiến triển.
3. Chống chỉ định của thuốc Fisiodar
Chống chỉ định của thuốc Fisiodar trong những trường hợp sau đây:
- Người bệnh dị ứng với thành phần Fludarabine phosphate của thuốc.
- Bệnh nhân suy thận độ lọc cầu thận < 30 mL/phút.
- Bệnh nhân đang mắc bệnh thiếu máu tan huyết mất bù.
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú không được sử dụng do thuốc qua được hàng rào nhau thai và sữa mẹ.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Fisiodar
Trong quá trình sử dụng thuốc Fisiodar, người bệnh cần chú ý đến một số điều sau đây:
- Bệnh nhân có thể trạng kém khi sử dụng thuốc gây mệt mỏi, tăng tình trạng suy nhược cơ thể.
- Bệnh nhân suy tủy xương nặng, suy giảm đề kháng, cơ địa dễ nhiễm trùng cần thận trọng khi dùng thuốc Fisiodar.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận cần xem xét điều chỉnh liều phù hợp.
- Bệnh nhân ung thư da nguy cơ tăng các phản ứng phụ trên da.
- Người lớn tuổi sử dụng thuốc cần theo dõi kỹ các phản ứng trên hệ thần kinh trung ương.
- Trong khi điều trị thuốc Fisiodar không tiêm các loại vắc xin gây tăng độc tính.
5. Các tương tác thuốc của thuốc Fisiodar
Một số tương tác thuốc có thể gặp khi dùng Fisiodar, đó là:
- Pentostatin làm tăng độc tính trên phổi khi dùng chung với thuốc Fisiodar.
- Fisiodar làm giảm tác dụng của thuốc Digoxin trên hệ tim mạch.
- Dipyridamole và các thuốc ức chế adenosine sẽ làm giảm tác dụng của thuốc Fisiodar.
- Palifermin làm nghiêm trọng thêm chứng lở loét niêm mạc miệng khi phối hợp với Fisiodar.
- Bệnh nhân có điều trị với thuốc Cytarabine trước khi sử dụng Fisiodar sẽ làm giảm khả năng chuyển hóa của Fludarabine của thuốc và làm giảm hiệu quả thuốc.
6. Liều dùng – Cách dùng của thuốc Fisiodar
6.1 Cách dùng
Thuốc Fisiodar uống trước hoặc sau bữa ăn, người bệnh cần nuốt cả viên với nước, không nhai, bẻ hoặc nghiền viên thuốc để sử dụng.
6.2 Liều dùng
- Người lớn: 40 mg/m2 diện tích cơ thể/ngày; Uống thuốc trong 5 ngày liên tiếp của mỗi chu kỳ 28 ngày. Thông thường điều trị từ 6 đến 8 chu kỳ.
- Bệnh nhân ung thư hạch không Hodgkin tăng liều theo chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh nhân suy thận độ lọc cầu thận từ 30 đến 70 ml/phút: giảm 20% liều. Không dùng thuốc ở bệnh nhân độ lọc cầu thận < 30ml/ phút.
7. Tác dụng phụ của thuốc Fisiodar
Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng Fisiodar như sau:
Trên hệ tim mạch
- Cơn đau thắt ngực;
- Rối loạn nhịp tim; nhịp tim kịch phát trên thất;
- Viêm tắc tĩnh mạch, bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu, phình các động mạch;
- Thiếu máu não thoáng qua;
- Suy tim, tràn dịch màng ngoài tim (hiếm gặp).
Trên hệ thần kinh
- Lơ mơ, buồn ngủ, ngủ gà;
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể;
- Đau đầu, suy giảm trí nhớ;
- Hội chứng tiểu não;
- Trầm cảm, kích động;
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên;
- Bệnh lý thần kinh thị giác;
- Xuất huyết não, hôn mê;
Trên da
- Phát ban, ngứa; hồng ban đa dạng
- Tăng tiết mồ hôi;
- Nhiễm herpes simplex;
- Rụng tóc, da đầu tăng tiết bã nhờn;
- Hội chứng Stevens-Johnson;
Trên hệ tiêu hóa
- Chán ăn, buồn nôn, nôn;
- Đau bụng, tiêu chảy, táo bón;
- Viêm nhiễm niêm mạc miệng, viêm thực quản, viêm niêm mạc;
- Khó nuốt;
- Sỏi mật; men tụy tăng cao;
- Suy gan;
Trên hệ tiết niệu – sinh dục
- Tiểu khó, tiểu rát, nhiễm trùng đường tiết niệu;
- Protein niệu;
- Viêm bàng quang xuất huyết;
- Suy thận (1%),.
Trên hệ huyết học
- Thiếu máu;
- Giảm các dòng tế bào máu bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu;
- Xuất huyết, bệnh ưa chảy máu, xơ tủy xương;
- Hội chứng thiếu máu tán huyết;
- Tăng đường huyết;
Trên hệ cơ xương khớp
- Đau mỏi cơ, đau lưng; đau xương khớp;
- Loãng xương;
Trên hệ hô hấp
- Ho, khó thở;
- Các nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm phổi thùy, viêm khí phế quản,...;
- Hội chứng suy hô hấp cấp tính, xuất huyết phổi;
- Xơ hóa phổi;
Tóm lại, thuốc Fisiodar là thuốc điều trị bệnh lý bạch cầu dòng Lympho mạn tính được chỉ định bắt buộc bởi bác sĩ chuyên khoa ung thư. Ngoài tác dụng điều trị, thuốc gây ra rất nhiều phản ứng không mong muốn cho cơ thể, vì vậy không tự ý dùng hay thay đổi liều lượng của thuốc. Bên cạnh đó, hãy báo ngay cho bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng xấu nào trên cơ thể.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.