Esolat là một loại thuốc được chỉ định trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhau. Thuốc này chỉ được dùng dưới sự chỉ định và theo dõi của những bác sĩ có kinh nghiệm, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng.
1. Công dụng của thuốc Esolat
Thuốc Esolat 20 có thành phần chính là Docetaxel 20mg và Esolat 80 có thành phần là Docetaxel 80mg, được bào chế dạng dung dịch tiêm.
Docetaxel là một chất dẫn xuất taxan có tác dụng chống phân bào, thuốc có tác động đặc hiệu trên pha M trong quá trình phân chia tế bào ung thư.
Do đó thuốc Docetaxel được sử dụng trong điều trị như là một chất chống ung thư kìm tế bào.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Esolat
Thuốc Esolat được dùng trong trường hợp:
- Ung thư phát triển lan rộng tại chỗ của vú, phổi, đầu và cổ, tiền liệt tuyến, dạ dày, buồng trứng, cổ tử cung;
- Ung thư di căn của vú, phổi, đầu và cổ, tiền liệt tuyến, dạ dày, buồng trứng, cổ tử cung;
- Ung thư chưa rõ nguyên phát.
Không dùng thuốc Esolat khi:
- Bệnh nhân bị dị ứng với Docetaxel hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- Bạch cầu trung tính < 1500/mm3;
- Suy gan nặng;
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú;
- Không dùng thuốc Esolat khi bilirubin > ngưỡng trên của bình thường.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Esolat
Cách dùng:
- Thuốc Esolat chỉ được dùng theo đường truyền tĩnh mạch. Thời gian truyền thuốc thường là 1 giờ và có thể truyền nhanh hơn nếu bệnh nhân không bị phản ứng ở lần truyền đầu tiên.
- Không truyền trong thời gian quá lâu (6 - 24 giờ) hoặc truyền gần nhau (ví dụ: cách nhau 5 ngày).
- Phải thận trọng trong khi pha thuốc như cần đeo khẩu trang, đi găng tay. Nếu như bị thuốc dính vào da, niêm mạc thì cần phải rửa ngay bằng xà phòng và rửa với nhiều nước. Chỉ lấy lọ thuốc ra khỏi tủ lạnh 5 phút trước khi tiến hành pha loãng.
- Sau khi pha loãng nhân viên y tế cần phải quan sát kỹ xem có tủa hoặc biến màu không. Nếu như lọ dung dịch đục, có tủa thì phải loại bỏ.
Liều dùng thường thay đổi tùy theo từng tình trạng cụ thể của người bệnh và khi dùng có thể cần kết hợp các loại thuốc khác.
- Liều tiêm truyền được khuyến cáo là: Dùng 100mg/m2 truyền tình mạch trong 1 giờ. Trước khi truyền 1 ngày, nên dùng thuốc Dexamethasone 8mg x 2 lần/ngày x 3-5 ngày.
- Nếu như bạch cầu trung tính giảm kèm sốt hoặc bạch cầu trung tính giảm < 500/mm3 trong hơn 1 tuần hay người bệnh có bệnh lý thần kinh ngoại biên trầm trọng, giảm liều xuống còn 75mg/m2. Nếu các phản ứng trên vẫn còn, có thể cần phải giảm đến 55mg/m2 hoặc ngưng điều trị.
Suy gan: Khi người bệnh bị suy gan thì cần giảm liều.
Suy thận: Do thuốc không thải qua thận nhiều nên không cần giảm liều.
Quá liều:
- Các dấu hiệu quá liều thuốc Docetaxel cũng là các dấu hiệu thường thấy của phản ứng phụ, bao gồm ức chế tủy xương, nhiễm độc thần kinh ngoại biên và viêm niêm mạc, các triệu chứng khác.
- Cách xử lý: Không có thuốc giải độc đặc hiệu để điều trị trong trường hợp quá liều Docetaxel. Cần được phát hiện sớm và tiến hành theo dõi, điều trị triệu chứng.
4. Những tác dụng phụ của thuốc Esolat
Khi dùng thuốc bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ sau:
Tác dụng phụ thường gặp:
- Giữ nước với biểu hiện bằng tăng cân, phù; chóng mặt, rối loạn cảm giác, rối loạn khả năng vận động.
- Rụng tóc, thay đổi ở móng, ở da và/hoặc ở mô dưới da, ngứa, nổi mẩn.
- Sốt, tình trạng viêm miệng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn;
- Giảm bạch cầu trung tính/ bạch cầu gây ra thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng transaminase.
- Mỏi mệt, đau nhức, yếu cơ, yếu cơ ở đầu chi, tức ngực, khó thở, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, quá mẫn.
- Rối loạn vị giác, chỉ số bilirubin tăng, phosphatase kiềm tăng;
- Phản ứng tại chỗ tiêm như tăng sắc tố, viêm, tấy đỏ, khô da, viêm tĩnh mạch, thuốc thoát mạch, sưng tĩnh mạch.
- Đau khớp.
Tác dụng phụ ít gặp:
- Bạch cầu cấp dòng tủy, đông máu trong nội mạch rải rác gây tắc mạch; hội chứng loạn sản tủy;
- Loạn nhịp tim, rung nhĩ, cuồng động nhĩ, gây block nhĩ thất; tràn dịch màng ngoài tim, đau thắt ngực, tăng nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim.
- Tăng huyết áp, ngất, cơn vắng ý thức.
- Động kinh, lú lẫn, viêm đại tràng, loét tá tràng, táo bón, tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm thực quản.
- Khó thở, suy hô hấp cấp, tràn dịch màng phổi, gây xơ phổi, co thắt phế quản, viêm phổi kẽ, có thể tắc động mạch phổi.
- Hồng ban đa dạng, hoại tử thượng bì do nhiễm độc, hội chứng Stevens – Johnson, suy thận, giảm thính lực.
- Ngộ độc, gây ra viêm kết mạc, chảy nhiều nước mắt, tắc ống lệ, rối loạn chức năng thị giác thoáng qua.
- Viêm gan, cổ chướng;
- Sốc phản vệ, chảy máu, nhiễm khuẩn huyết, suy đa cơ quan.
Hiếm gặp:
- Giãn tĩnh mạch cổ;
- Tim đập thình thịch hoặc bất thường;
- Thở không đều, lo lắng, thình thịch trong tai.
- Kích động, thay đổi tâm thần, mất ý thức.
Nếu như bạn nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào trong khi dùng thuốc, nên nói với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
5. Những lưu ý khi dùng thuốc Esolat
- Khi dùng thuốc người bệnh phải thường xuyên và định kỳ làm xét nghiệm máu toàn phần, xét nghiệm đánh giá chức năng gan, bilirubin, phosphatase kiềm và định kỳ theo dõi chức năng thận.
- Phải theo dõi các biểu hiện bất thường nghiêm trọng như quá mẫn, rối loạn cảm giác, ngộ độc đường tiêu hóa, xuất huyết đường tiêu hoá, phản ứng da, giữ nước, chảy nước mắt, chít hẹp ống lệ.
- Khi dùng thuốc người bệnh nên tăng cường uống nhiều nước, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.
- Không dùng thuốc Esolat cho phụ nữ mang thai. Đối với những phụ nữ trong tuổi sinh đẻ cần phải dùng biện pháp tránh thai trong thời gian trị liệu và dùng biện pháp tránh thai hiệu quả tiếp tục trong vòng ít nhất là 3 tháng sau khi kết thúc trị liệu.
- Tương tác thuốc: Khi dùng kết hợp với các thuốc chuyển hóa bởi cytochrome P450-3A4. Có thể gây ra tình trạng tương tác thuốc. Ngoài ra, người bệnh không nên dùng bất kỳ loại thuốc nào khác trong quá trình sử dụng Esolat. Nếu dùng bất kỳ loại thuốc nào cần thông báo với bác sĩ.
Tóm lại, Esolat là một thuốc chống ung thư được dùng theo chỉ định của bác sĩ có kinh nghiệm điều trị. Trong suốt quá trình điều trị ung thư bằng thuốc Esolat, bạn cần được theo dõi những dấu hiệu bất thường xảy ra.