Thuốc Esocon chứa hoạt chất Esomeprazol, được chỉ định trong điều trị loét dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), ợ nóng và các triệu chứng khác gây ra bởi trào ngược acid dạ dày thực quản... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Esocon qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Esocon
1.1. Chỉ định sử dụng thuốc Esocon
Thuốc Esocon chứa hoạt chất Esomeprazol – thuộc nhóm thuốc kháng acid, được bào chế dưới 2 hàm lượng là 20mg và 40mg. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau đây:
- Điều trị viêm loét dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID);
- Dự phòng nguy cơ viêm loét dạ dày – tá tràng do sử dụng thuốc NSAID ở người bệnh có nguy cơ cao;
- Điều trị ợ nóng và các triệu chứng khác gây bởi tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (bệnh GERD);
- Điều trị và làm lành các tổn thương của viêm trợt thực quản;
- Điều trị viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn H.Pylori khi dùng kết hợp với Clarithromycin và Amoxicillin.
1.2. Dược lực học
Hoạt chất Esomeprazol là đồng phân S của Omeprazol. Thuốc có tác dụng làm giảm sự bài tiết acid dạ dày bằng cơ chế tác động chuyên biệt. Cơ chế tác dụng của Esomeprazol là ức chế bơm acid của tế bào thành dạ dày. Tác dụng này tương tự ở cả đồng phân S và đồng phân R của omeprazol.
- Vị trí tác động và cơ chế tác động: Esomeprazol là một base yếu. Sau khi uống sẽ được biến đổi thành dạng có hoạt tính ở môi trường acid cao trong ống tiểu quản chế tiết tại tế bào thành. Tại đây Esomeprazol ức chế men H+ - ATPase (bơm acid), đồng thời ức chế cả sự tiết dịch cơ bản và tiết dịch kích thích.
- Tác động lên quá trình tiết dịch vị: Dùng liều thuốc Esomeprazol 20mg 1 lần/ngày x 5 ngày sẽ cho hiệu quả giảm 90% sự bài tiết tối đa dịch vị (đo ở thời điểm 6 – 7 giờ sau khi dùng liều thuốc ở ngày thứ 5). Sau 5 ngày dùng Esomeprazol, nồng độ pH > 4 được duy trì ở thời gian trung bình là 13 và 17 giờ trong thời gian 24 giờ ở người bệnh mắc trào ngược dạ dày – thực quản có triệu chứng. Tỷ lệ người bệnh duy trì độ pH dạ dày > 4 tối thiểu trong 8, 12 và 16 giờ tương ứng là 76%, 54% và 24% đối với thuốc hàm lượng 20mg và 97%, 92% và 56% đối với thuốc hàm lượng 40mg.
- Tác động trị liệu của sự ức chế tiết acid: Dùng liều thuốc Esomeprazol hàm lượng 40mg cho thấy 78% người bệnh viêm thực quản do trào ngược được điều trị lành sau 8 tuần. Với người bệnh nhiễm H.Pylori điều trị bằng thuốc Esomeprazol hàm lượng 20mg (dùng liều 2 lần/ngày) kết hợp với điều trị bằng kháng sinh trong 1 tuần cho hiệu quả diệt trừ HP thành công trong khoảng 90% người bệnh.
- Tác động khác liên quan đến sự ức chế tiết acid: Trong quá trình điều trị bằng Esomeprazol nói riêng và các thuốc kháng tiết acid nói chung cho thấy nồng độ gastrin huyết thanh tăng đáp ứng với sự giảm acid dịch vị. Số tế bào ELC tăng được giải thích do tăng nồng độ gastrin huyết thanh (đã được ghi nhận ở một số người bệnh điều trị kéo dài bằng Esomeprazol).
1.3. Dược động học
- Quá trình hấp thu: Hoạt chất Esomeprazol dễ bị phân hủy trong môi trường acid nên được bào chế dưới dạng bao tan trong ruột. Thuốc được hấp thu nhanh và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khoảng 1 – 2 giờ uống. Sinh khả dụng tuyệt đối của thuốc đạt khoảng 64% sau khi uống liều đơn 40mg và tăng lên khoảng 89% sau khi dùng liều lặp lại 1 lần/ngày. Đối với thuốc hàm lượng 20mg thì các thông số trên lần lượt là 50% và 68%. Trong đó thức ăn làm chậm sự hấp thu của Esomeprazol.
- Quá trình phân bố: Thể tích phân bố của thuốc Esomeprazol ở người khỏe mạnh đạt khoảng 0,22 l/kg. Thuốc gắn mạnh với protein huyết tương (khoảng 97%).
- Quá trình chuyển hóa: Esomeprazol được chuyển hóa hoàn toàn qua hệ thống enzym P450, các chất chuyển hóa chính là desmetryl và hydroxyl của Esomeprazol. Ngoài ra quá trình chuyển hóa còn tạo thành esomeprazole sodium sulphone (chất chuyển hóa chính trong huyết tương).
- Quá trình thải trừ: Các chất chuyển hóa của thuốc không làm ảnh hưởng đến quá trình tiết acid dạ dày, khoảng 80% liều dùng Esomeprazol được bài tiết dưới dạng các chất chuyển hóa qua nước tiểu, phần còn lại được bài tiết qua phân. Khoảng ít hơn 1% liều thuốc dạng không biến đổi được tìm thấy trong nước tiểu.
2. Liều dùng thuốc Esocon
Liều dùng thuốc Esocon 20mg, 40mg phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng của người bệnh. Cụ thể như sau:
- Người mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD): Dùng liều thông thường là 40 mg/ngày trong 4 tuần. Trường hợp còn triệu chứng có thể dùng thuốc thêm 4 tuần trị liệu;
- Người mắc viêm trợt thực quản: Dùng thuốc 20 – 40mg x 1 lần/ngày trong thời gian 4 – 8 tuần giúp làm lành các tổn thương. Trường hợp các tổn thương chưa lành hoàn toàn sau 8 tuần, bác sĩ có thể cân nhắc liều dùng thêm 4 – 8 tuần với liều thuốc duy trì giúp làm lành các tổn thương (liều dùng 20 mg/lần x 1 lần/ngày);
- Người mắc viêm loét tá tràng: Dùng thuốc Esocon như một phần của trị liệu trong điều trị khỏi loét hoàn toàn do vi khuẩn HP. Liều dùng khuyến cáo là 20 mg/lần x 2 lần/ngày kết hợp với clarithromycin và amoxicillin.
3. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Esocon
Một số thuốc tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Esocon 40mg, 20mg như sau:
- Tác dụng phụ thường gặp: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau đầu, phát ban da.
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Nhịp tim bất thường, căng thẳng, chuột rút, đau cơ, giữ nước, suy nhược.
Trong trường hợp gặp các tác dụng phụ khi dùng thuốc, người bệnh cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí một cách kịp thời.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Esocon
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc ở người bệnh dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Esocon.
Thận trọng ở người bệnh sử dụng thuốc Esocon có xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa tái phát, sụt cân đáng kể không chủ đích, nôn ra máu, khó nuốt hoặc đại tiện ra máu đen, nghi ngờ bị loét dạ dày và cần loại trừ khả năng ung thư dạ dày bởi việc điều trị bằng Esmeprazol có thể làm che lấp các triệu chứng bệnh, làm chậm trễ việc chẩn đoán.
4.2. Lưu ý khi sử dụng
- Phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể và có kiểm soát về việc sử dụng thuốc esomeprazol ở phụ nữ đang mang thai. Vì vậy chỉ sử dụng thuốc ở phụ nữ đang mang thai khi thực sự cần thiết.- Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc có khả năng bài tiết vào sữa mẹ, vì vậy chỉ sử dụng thuốc Esocon ở phụ nữ đang cho con bú khi thực sự cần thiết. Tốt nhất là nên ngừng cho con bú trong thời gian điều trị bằng thuốc.
5. Tương tác thuốc
Thuốc Esocon tác dụng bằng cách ức chế sự bài tiết acid dạ dày nên có thể ngăn cản quá trình hấp thu của các thuốc mà pH dạ dày là yếu tố quan trọng đối với sinh khả dụng thuốc như muối sắt, ketoconazol, digoxin.
Thuốc Esocon không gây tương tác trên lâm sàng với Warfarin, Phenytoin, Clarithromycin, Quinidine hoặc Amoxicillin, Diazepam, thuốc tránh thai... các thuốc này không làm thay đổi đặc tính dược động học của Esocon.
Tóm lại, thuốc Esocon được chỉ định trong điều trị loét dạ dày, ợ nóng, trào ngược acid dạ dày thực quản... Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, khi sử dụng thuốc Esocon, bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.