Thuốc Epirubicin được bào chế dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc thuốc bột pha tiêm. Thành phần chính của thuốc là Epirubicin hydrochloride, đây là thuốc chống ung thư thuộc nhóm anthracycline.
1. Công dụng của thuốc Epirubicin
Epirubicin là thuốc gì? Thuốc Epirubicin thuộc nhóm anthracycline, có tác dụng gây độc cho tế bào. Cơ chế tác động của thuốc là: Tạo thành 1 phức hợp với DNA bằng cách xen vào giữa các cặp base, dẫn tới ức chế tổng hợp DNA, ức chế tổng hợp RNA phụ thuộc DNA. Bên cạnh đó, sự tổng hợp protein cũng bị ức chế. Nhờ vậy, tế bào bị tiêu diệt và ngăn chặn tình trạng sao chép, phiên mã tế bào. Bên cạnh đó, Epirubicin còn tạo ra các gốc tự do gây độc cho tế bào.
Chỉ định sử dụng thuốc Epirubicin:
- Điều trị các bệnh lý ung thư: Ung thư bề mặt bàng quang, ung thư vú, ung thư buồng trứng giai đoạn cuối, ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư dạ dày;
- Dự phòng tái phát ung thư biểu mô bàng quang bề ngoài sau khi được cắt bỏ qua ống dẫn tinh.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Epirubicin:
- Bệnh nhân quá mẫn cảm với Epirubicin, các anthracycline, các anthrace-nedion hoặc thành phần khác của chế phẩm;
- Người có số lượng bạch cầu trung tính dưới 1,5 x 109/lít (1500/mm3);
- Bệnh nhân mắc bệnh suy gan, bệnh cơ tim nặng, người mới bị nhồi máu cơ tim;
- Người bệnh loạn nhịp tim nghiêm trọng;
- Người từng điều trị bằng anthracycline lên tới liều tích tụ tối đa.
2. Cách dùng thuốc Epirubicin
Thuốc Epirubicin gây kích ứng mô rất mạnh nên được sử dụng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch (không tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt). Không nên tiêm trực tiếp thuốc vào tĩnh mạch mà cần phải truyền tĩnh mạch thuốc pha trong dung dịch natri chloride 0,9% hoặc dextrose 5% với thời gian tiêm 3 - 5 phút. Nếu truyền tĩnh mạch thì thời gian truyền có thể lên tới 30 phút. Đồng thời, nên tránh dùng các tĩnh mạch trên khớp hay tĩnh mạch ở xa. Nên tránh tiêm vào những tĩnh mạch nhỏ hay tiêm nhiều lần vào cùng 1 tĩnh mạch (vì tĩnh mạch dễ bị xơ cứng).
Nếu phát hiện có dấu hiệu nổi ban đỏ dọc theo tĩnh mạch được truyền hoặc người bệnh có cơn bốc hỏa thì có thể là do truyền thuốc quá nhanh, sau đó có thể bị viêm tắc tĩnh mạch hoặc viêm tĩnh mạch tại chỗ.
3. Liều dùng thuốc Epirubicin
3.1 Ở người lớn
Để có kết quả điều trị tốt nhất và ít tác dụng phụ nhất, liều dùng thuốc Epirubicin cần căn cứ vào đáp ứng lâm sàng, gan, tim mạch, thận, huyết học và sự dung nạp thuốc của bệnh nhân, vào quá trình hóa trị, xạ trị đang sử dụng. Một số chỉ định về liều dùng cơ bản gồm:
- Đơn trị liệu: Liều thường dùng là 60 - 90mg/m2 tiêm 1 lần, lặp lại sau 3 tuần (có thể chia liều cho 2 - 3 ngày nếu cần thiết). Để trị ung thư giai đoạn cuối thì dùng liều 12,5 - 25 mg/m2, 1 lần/tuần;
- Điều trị ung thư vú sau phẫu thuật có hạch nách: Liều ban đầu là 100 - 120mg/m2, tiêm vào ngày 1 của chu kỳ hoặc chia làm 2 liều đều nhau để tiêm vào ngày 1 và ngày 8 mỗi chu kỳ. Lặp lại liều này cách nhau 3 - 4 tuần. Trong thời gian trị liệu, có thể cho bệnh nhân dùng đồng thời cotrimoxazol hoặc 1 fluoroquinolon để phòng ngừa nhiễm khuẩn. Sau chu kỳ điều trị đầu tiên, cần xem xét việc điều chỉnh liều dùng thuốc cho bệnh nhân dựa trên độc tính lên huyết học và ngoài huyết học;
- Điều trị ung thư bàng quang: Thực hiện truyền nhỏ giọt thuốc vào bàng quang, truyền mỗi tuần 50mg trong 50ml dung dịch natri chloride 0,9% hoặc nước cất để thu được dung dịch có nồng độ 0,1%, dùng trong 8 tuần. Nếu người bệnh có dấu hiệu viêm bàng quang do hóa chất thì nên giảm liều mỗi tuần xuống còn 30mg trong 50ml. Với tình trạng carcinoma tại chỗ, nếu dung nạp được thì tăng liều tới 80mg trong 50ml/tuần. Để tránh nguy cơ tái phát ở bệnh nhân đã cắt bỏ khối u qua niệu đạo, nên dùng liều 50mg/tuần trong 4 tuần. Sau đó, dùng liều 50mg/lần/tháng trong 11 tháng. Cần phải giữ các dung dịch ở trong bàng quang khoảng 1 giờ sau khi được bơm vào;
- Ung thư buồng trứng giai đoạn cuối: Đơn trị liệu dùng liều 60 - 90mg/m2; nếu trị liệu kết hợp dùng liều 50 - 100mg/m2;
- Ung thư dạ dày: Đơn trị liệu dùng liều 60 - 90mg/m2; nếu trị liệu kết hợp dùng liều 50mg/m2;
- Ung thư phổi tế bào nhỏ: Đơn trị liệu dùng liều 120mg/m2; nếu trị liệu kết hợp dùng liều 120mg/m2.
3.2 Ở các đối tượng khác
- Trẻ em: Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của thuốc Epirubicin ở trẻ em;
- Bệnh nhân suy tủy: Có thể do điều trị mạnh, có từ trước hoặc tủy thâm nhiễm ung thư thì nên giảm liều Epirubicin chu kỳ ban đầu còn 75 - 90mg/m2;
- Bệnh nhân suy gan: Cần giảm liều dùng thuốc. Nếu nồng độ bilirubin huyết thanh 1,2 - 3mg/100ml, nồng độ AST gấp 2 - 4 lần giới hạn trên của bình thường thì giảm 50% liều ban đầu; nếu nồng độ bilirubin huyết thanh > 3 mg/100 ml hoặc nồng độ AST gấp 4 lần giới hạn trên của bình thường thì dùng 23% liều ban đầu; nếu suy gan nặng thì không dùng thuốc;
- Bệnh nhân suy thận nặng: Có nồng độ creatinin huyết thanh > 5 mg/100 ml có thể phải giảm liều thuốc.
Quá liều: Thuốc Epirubicin chỉ được sử dụng ở các bệnh viện chuyên khoa nên ít nguy cơ ngộ độc do quá liều. Các triệu chứng quá liều có thể gồm: Đau miệng, phân có máu (phân đen hoặc lẫn máu tươi), cảm giác rét run, ho ra máu, khó thở, nghẹn, thiểu niệu. Khi quá liều, bệnh nhân được điều trị hỗ trợ gồm liệu pháp kháng sinh, truyền tiểu cầu, truyền máu, các yếu tố kích thích quần thể tế bào, chăm sóc tăng cường cho tới khi hết các biểu hiện nhiễm độc. Đồng thời, cần theo dõi cẩn thận bởi tình trạng suy tim, giảm huyết cầu ở người bệnh có thể xảy ra sau nhiều tháng.
Quên liều: Thuốc Epirubicin chỉ được sử dụng tại bệnh viện, được thực hiện bởi nhân viên y tế (người bệnh không được tự ý sử dụng) nên không xảy ra sự cố quên liều.
4. Tác dụng phụ của thuốc Epirubicin
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Epirubicin gồm:
- Thường gặp: Chán ăn, sốt, nhiễm khuẩn, kích ứng tĩnh mạch hoặc hoại tử ở vị trí thuốc thoát mạch khi tiêm, da và móng sẫm màu, viêm niêm mạc, rụng tóc, mẫn cảm với ánh sáng, viêm giác mạc, viêm kết mạc, ngứa, nổi ban, nổi mẩn, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt (có hồi phục), buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, ngủ vùi, cơn bốc hỏa, vô kinh không hồi phục, có thể rối loạn thể nhiễm sắc ở tinh trùng. Vì vậy, bệnh nhân nam khi điều trị bằng thuốc Epirubicin nên dùng biện pháp tránh thai;
- Ít gặp: Nhịp nhanh xoang, điện tâm đồ bất thường, phản vệ, block nhĩ thất, nhịp nhanh thất, giảm phân số bơm máu của thất trái, tổn thương cơ tim, suy tim sung huyết, tăng acid uric máu;
- Không rõ tần suất: Viêm phổi, nhiễm trùng huyết, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính.
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Epirubicin
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Epirubicin:
- Trẻ em và người cao tuổi khi dùng thuốc có nguy cơ cao bị độc lên tim;
- Thuốc Epirubicin rất độc, cần có bác sĩ chuyên khoa chỉ định và giám sát điều trị. Người bệnh cần được thông báo về các triệu chứng nhiễm độc do thuốc (giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, viêm miệng, nhiễm khuẩn toàn thân) trước khi bắt đầu điều trị;
- Trước và trong khi điều trị với thuốc Epirubicin, cần theo dõi chỉ số huyết học, chức năng tim, gan, thận;
- Cần giám sát các biểu hiện của tình trạng suy tủy (nhiễm khuẩn, giảm bạch cầu hạt) và nhiễm độc tim (suy tim sung huyết) do liều tích lũy của Epirubicin (đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi);
- Ngừng sử dụng Epirubicin ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của tổn thương chức năng tim;
- Epirubicin là chất gây dị ứng nên triệu chứng viêm niêm mạc, viêm miệng thường xuất hiện sớm sau khi dùng thuốc, nếu nghiêm trọng có thể tiến triển trong vài ngày dẫn tới loét niêm mạc. Hầu hết người bệnh phục hồi sức khỏe vào tuần điều trị thứ 3;
- Không sử dụng thuốc Epirubicin cho phụ nữ mang thai. Người đang dùng thuốc Epirubicin cần tránh mang thai;
- Người mẹ phải ngừng cho con bú khi điều trị với thuốc Epirubicin;
- Thuốc Epirubicin có thể gây buồn nôn và ói mửa, ảnh hưởng tới việc lái xe hoặc vận hành máy móc.
6. Tương tác thuốc Epirubicin
Một số tương tác thuốc của Epirubicin gồm:
- Thuốc Epirubicin tương tác với các thuốc chống ung thư khác, làm tăng tác dụng, độc tính lẫn nhau. Nếu dùng chung với các loại thuốc chống ung thư khác thì cần giảm liều Epirubicin;
- Sử dụng Epirubicin ngay sau paclitaxel sẽ làm tăng độc tính của Epirubicin;
- Sử dụng đồng thời Epirubicin và các thuốc có độc tính lên tim có khả năng gây suy tim ứ máu;
- Sử dụng Epirubicin đồng thời với chiếu xạ có thể làm tăng độc tính và phản ứng viêm ở những vị trí chiếu tia;
- Sử dụng đồng thời Epirubicin và các thuốc có tác dụng lên gan có thể gây thay đổi chức năng gan (do Epirubicin bị chuyển hóa mạnh ở gan);
- Thuốc Epirubicin làm giảm hấp thu thuốc phenytoin;
- Thuốc Epirubicin ức chế chuyển hóa của thuốc fluorouracil;
- Cimetidin sẽ làm tăng AUC của Epirubicin lên 50%. Do vậy, nên ngừng dùng Cimetidin trong thời gian điều trị với Epirubicin;
- Sử dụng Epirubicin đồng thời với interferon α 2b có thể làm giảm thời gian bán thải cuối cùng, độ thanh thải toàn phần của Epirubicin;
- Epirubicin hydroclorid gây kết tủa với fluorouracil và heparin;
- Epirubicin tương kỵ với các dung dịch có pH kiềm;
- Không nên trộn chung Epirubicin với các loại thuốc khác trong cùng 1 lần bơm tiêm.
Thuốc Epirubicin tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ. Do vậy, khi sử dụng thuốc, người bệnh nên làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ và chú ý giữ tinh thần thoải mái, lạc quan để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.