Thuốc Empagliflozin được chứng minh hiệu quả trong việc kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh bệnh nhân đái tháo đường type 2. Việc sử dụng thuốc đúng cách sẽ giúp quá trình điều trị bệnh tốt hơn và giảm các tác dụng phụ có thể gặp phải. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích về công dụng cũng như các lưu ý khi dùng loại thuốc này.
1. Công dụng của Empagliflozin
Empagliflozin công dụng cao trong việc điều trị bệnh đái tháo đường type 2 ở người bệnh trên 18 tuổi. Thuốc giúp kiểm soát đường huyết trong các trường hợp sau:
- Đối với đơn trị liệu: Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần thực hiện một chế độ ăn kiêng chặt chẽ. Tuy nhiên, khi chế độ ăn kiêng và tập luyện không đem lại lợi ích kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân không phù hợp dùng metformin do không dung nạp.
- Điều trị phối hợp: Thuốc Empagliflozin phối hợp với các thuốc hạ glucose khác bao gồm insulin khi mà các thuốc này cùng với chế độ ăn kiêng và vận động không đủ để kiểm soát đường huyết một cách thích hợp.
- Ngoài ra, Empagliflozin công dụng trong việc thúc đẩy việc loại bỏ đường của thận.
Mặt khác, Empagliflozin chống chỉ định tuyệt đối với người bệnh quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc Empagliflozin. Thêm nữa, bệnh nhân mắc các bệnh lý về di truyền hiếm gặp mà có thể không tương thích với một tá dược của thuốc cũng không được phép kê đơn.
2. Liều dùng và cách dùng của Empagliflozin
Empagliflozin được dùng bằng đường uống. Người bệnh có thể uống thuốc cùng hoặc không cùng với thức ăn. Bạn nên uống nguyên viên, không nghiền nát hoặc bẻ đôi để tránh làm ảnh hưởng đến dược tính của thuốc Empagliflozin.
Liều dùng của Empagliflozin được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi, mục đích điều trị bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh.
- Liều dùng đối với người lớn mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 là 10 mg mỗi lần/ngày vào buổi sáng. Liều tối đa là 25 mg một lần/ngày.
- Liều dùng của Empagliflozintrẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và quyết định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ.
- Liều dùng của bệnh nhân suy thận được điều chỉnh dựa vào chức năng thận. Không điều trị bằng thuốc Empagliflozin cho bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối hoặc bệnh nhân phải lọc thận do thuốc được dự đoán là không có tác dụng trên những bệnh nhân này.
- Bệnh nhân suy giảm chức năng gan không cần điều chỉnh liều dùng.
- Bệnh nhân lớn tuổi cũng không cần điều chỉnh liều dùng .
Trong các trường hợp quá liều, người bệnh có thể gặp phải một số phản ứng như: đau bụng, đau đầu, mệt mỏi, choáng váng... Khi đó, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để tiến hành các biện pháp điều trị hỗ trợ thích hợp với tình trạng lâm sàng.
Trường hợp quên liều, bạn có thể uống lại ngay khi bệnh nhân nhớ. Không dùng liều gấp đôi trong cùng một ngày vì có thể gia tăng các tác dụng phụ.
3. Tác dụng phụ của Empagliflozin
Giống như nhiều loại thuốc tây khác, thuốc Empagliflozin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Mặc dù trước khi kê đơn, bác sĩ đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro mà thuốc mang lại. Theo các chuyên gia, đa số các tác dụng phụ của thuốc không nguy hiểm và có thể biến mất trong khoảng thời gian ngắn.
Một số tác dụng phụ thường gặp như: phát ban, nổi mề đay, khó thở và nuốt, tức ngực, sưng phù ở miệng, mặt, môi hoặc lưỡi, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, trì trệ...
Không phải người bệnh nào cũng gặp phải các tác dụng phụ trên. Có trường hợp có các phản ứng phụ chưa được đề cập đến. Do đó, trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp phải bất cứ dấu hiệu nào bất thường, người bệnh cũng cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn và có biện pháp xử trí kịp thời.
4. Tương tác thuốc Empagliflozin
Empagliflozin kết hợp với một thuốc/ nhóm thuốc sau đây có thể làm gia tăng các phản ứng phụ hoặc giảm đi hiệu quả của thuốc. Những thuốc/nhóm thuốc đó bao gồm:
- Insulin hoặc thuốc trị đái tháo đường dạng uống khác (ví dụ như repaglinide, glipizide) vì nguy cơ hạ đường huyết có thể tăng.
- Thuốc trị tăng huyết áp (ví dụ như các thuốc lợi tiểu như furosemide, hydrochlorothiazide, spironolactone) vì nguy cơ huyết áp thấp có thể tăng.
Ngoài ra, thuốc Empagliflozin có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nhất định. Do đó, khi được kê đơn thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc với các loại đồ ăn, thực phẩm, rượu và thuốc lá.
Mặt khác, một số tình trạng sức khỏe của người bệnh có thể ảnh hưởng phần nào đến công dụng của Empagliflozin. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang gặp phải một trong những tình trạng bệnh lý sau:
- Mất nước
- Đái tháo đường do nhiễm axit xeton (lượng xeton và axit trong máu cao)
- Bệnh thận cấp tính
- Nếu bạn đang trong quá trình lọc máu
- Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1
- Rối loạn lipid máu (hàm lượng chất béo hoặc cholesterol trong máu cao)
- Đã hoặc đang bệnh nhiễm nấm đường tình dục (ví dụ như balanitis, vulvovaginitis)
- Hạ huyết áp
- Có tiền sử bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu .
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Empagliflozin
- Trước khi được kê đơn thuốc, người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng của bản thân với bất cứ thành phần thuốc nào.
- Những loại thuốc bạn đang sử dụng kể cả kê đơn và không kê đơn nhằm tránh việc sử dụng kết hợp các loại thuốc gây ra tình trạng tương tác.
- Bệnh nhân gặp các bệnh lý về thận hoặc đang trong quá trình lọc máu cần thông báo với bác sĩ. Từ đó, bác sĩ sẽ lên phương án dùng thuốc cho người bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ không khuyên dùng thuốc Empagliflozin đối với trường hợp người bệnh này.
- Bác sĩ cũng cần nắm được thông tin người bệnh mắc bệnh về nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc trong chế độ ăn kiêng để điều chỉnh liều dùng thuốc cho phù hợp.
- Nam giới chưa cắt bao quy đầu cũng cần thận trọng khi dùng thuốc.
- Phụ nữ mang thai và đang trong giai đoạn cho con bú chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc.
Bài viết trên đã đem đến những thông tin hữu ích về công dụng của thuốc Empagliflozin. Người bệnh khi có bất cứ thắc mắc nào về thuốc này cũng cần tham vấn ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.