Thuốc Dophasidic được bào chế dưới dạng hỗn dịch uống, có thành phần chính là acid nalidixic. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích về loại thuốc này.
1. Dophasidic là thuốc gì?
Mỗi lọ thuốc Dophasidic 100ml có chứa 6g acid nalidixic và các tá dược khác. Acid nalidixic là kháng sinh tổng hợp thuộc nhóm Quinolon, có phổ kháng khuẩn rộng, chủ yếu là hoạt tính trên các chủng vi khuẩn ưa khí gram âm. Cơ chế kháng khuẩn của acid nalidixic là ức chế hoạt tính của enzyme AND gyrase trong quá trình sao chép ADN ở giai đoạn cuối của vi khuẩn, giúp tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả.
Acid nalidixic không ảnh hưởng tới vi khuẩn kỵ khí đường ruột nên nó giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Hiện tại, acid nalidixic thường được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu do phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp và mạn tính đều gây ra bởi vi khuẩn đường ruột gram âm.
Chỉ định sử dụng thuốc Dophasidic trong các trường hợp sau:
- Điều trị nhiễm khuẩn gram âm đường niệu dưới chưa có biến chứng, gây ra bởi các chủng vi khuẩn như E.coli, Klebsiella sp., Enterobacter sp., Proteus sp., trừ Pseudomonas;
- Do acid nalidixic liên quan tới các phản ứng có hại nghiêm trọng, và tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu không phức tạp ở một số người bệnh có thể tự khỏi nên chỉ sử dụng thuốc Dophasidic cho những người bệnh không có lựa chọn điều trị thay thế khác.
Thuốc Dophasidic không được phép kê đơn trong các trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với acid nalidixic hay các thuốc thuộc nhóm quinolon;
- Bệnh nhân bị suy thận nặng;
- Bệnh nhân bị thiếu hụt enzyme G6PD, có tiền sử động kinh, co giật, rối loạn thần kinh trung ương, tắc nghẽn mạch máu não;
- Trẻ em dưới 3 tháng tuổi;
- Người bệnh đang điều trị bằng hóa trị ung thư tủy sống (như melphalan vì có thể gây viêm loét ruột chảy máu hoặc hoại tử ruột).
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Dophasidic
Thuốc Dophasidic được sử dụng bằng đường uống, có thể uống trước hoặc sau khi ăn, tốt nhất là cách 1 giờ trước bữa ăn. Người bệnh nên lắc kỹ lọ thuốc trước khi dùng thuốc, không dùng cùng với các loại thuốc antacid.
Liều dùng:
- Người lớn: Mỗi lần uống 1g (tương đương 17ml hỗn dịch) x 4 lần/ngày, cách đều nhau ít nhất 7 ngày. Nếu thời gian điều trị kéo dài 14 ngày thì nên giảm 1⁄2 liều dùng còn 0.5g/lần (tương đương 8.5ml hỗn dịch) x 4 lần/ngày với khoảng cách đều nhau. Mặc dù tác dụng kháng khuẩn của acid nalidixic không bị ảnh hưởng bởi độ pH nước tiểu nhưng sử dụng đồng thời với natri citrat hoặc natri bicarbonat có thể làm tăng nồng độ của thuốc có hoạt tính trong nước tiểu. Do đó, khi phối hợp acid nalidixic và natri citrat thì liều dùng cho người lớn là 660mg/lần (tương đương khoảng 11ml hỗn dịch) x 3 lần/ngày, điều trị trong 3 ngày;
- Trẻ em 3 tháng - 12 tuổi: Dùng liều 55 - 60mg/kg/ngày (tương đương khoảng 1ml hỗn dịch/kg/ngày) 4 lần với khoảng cách đều nhau. Nếu điều trị kéo dài, nên giảm liều còn 30 - 33mg/kg/ngày (tương đương khoảng 0.5mg hỗn dịch/kg/ngày) x 4 lần/ngày. Thời gian dùng thuốc kéo dài trong 7 - 14 ngày;
- Bệnh nhân suy thận: Cần tính liều phù hợp với những người bệnh có hệ số thanh thải creatinin dưới 20ml/phút. Dưới ngưỡng này nên sử dụng liều bằng 1⁄2 so với liều thông thường. Thuốc Dophasidic dễ bị kháng thuốc nên cần thay thuốc nếu không có tác dụng trên nước tiểu người bệnh sau 48 giờ thông qua đánh giá từ nuôi cấy vi khuẩn và test nhạy cảm vi khuẩn. Nên thử máu, kiểm tra chức năng gan, thận định kỳ nếu dùng thuốc này liên tục trên 2 tuần.
Quá liều: Khi sử dụng thuốc Dophasidic quá liều, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: Nôn mửa, tán huyết, tiêu chảy, tăng áp lực nội sọ, động kinh, ngủ lịm, rối loạn tâm thần. Người bệnh cần được rửa dạ dày, ủ ấm và quạt thông thoáng. Nếu thuốc đã được hấp thu thì nên truyền dịch và sử dụng các biện pháp hỗ trợ, cho bệnh nhân thở oxy hô hấp nhân tạo. Trong trường hợp bệnh nhân bị co giật, nên tiêm vien Diazepam;
Quên liều: Nếu quên uống 1 liều thuốc Dophasidic thì người bệnh nên uống thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu thời điểm bạn nhớ ra gần với thời điểm uống liều tiếp theo thì bạn nên bỏ qua liều đã quên, uống liều kế tiếp như kế hoạch ban đầu, không cần dùng liều gấp đôi.
3. Tác dụng phụ của thuốc Dophasidic
Acid nalidixic (thành phần chính của thuốc Dophasidic) thường được dung nạp tốt, các phản ứng có hại thường nhẹ. Khi sử dụng thuốc Dophasidic, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Nhức đầu, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, nhìn đôi, nhìn mờ, nhìn màu không chuẩn, da có phản ứng ngộ độc ánh sáng (nổi mụn nước khi phơi nắng trong hoặc sau khi điều trị);
- Ít gặp: Tăng áp lực nội sọ (đặc biệt ở trẻ nhỏ), da nổi mày đay, ngứa da;
- Hiếm gặp: Lú lẫn, ác mộng, ảo giác, phản ứng phản vệ, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, thiếu máu do thiếu enzyme G60PD, phù mạch, đau khớp.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Dophasidic
Trước và trong khi dùng thuốc Dophasidic, người bệnh cần lưu ý:
- Người dùng thuốc Dophasidic nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn chứa tia tử ngoại;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Dophasidic ở người bệnh máu khó đông vì tỷ lệ liên kết huyết tương của acid nalidixic cao;
- Bệnh nhân suy gan, suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 20ml/phút) cần giảm liều dùng thuốc;
- Khi dùng thuốc Dophasidic cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi thì cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Lý do là vì trong thử nghiệm, acid nalidixic có thể gây thoái hóa các khớp mang trọng lượng cơ thể (ở động vật chưa trưởng thành). Nên ngừng thuốc nếu có biểu hiện đau các khớp hoặc đau dây thần kinh ngoại biên;
- Nên kiểm tra công thức máu, chức năng thận, chức năng gan định kỳ khi dùng thuốc Dophasidic liên tục trên 2 tuần, đặc biệt là ở người mắc bệnh gan, tắc nghẽn mạch máu não, động kinh;
- Nếu điều trị tiêu chảy bằng acid nalidixic mà tác nhân gây bệnh là Clostridium difficile thì có thể gây tiêu chảy hoặc viêm ruột giả mạc nặng. Vì Clostridium difficile sinh ra 2 độc tố A và B gây tiêu chảy. Trong trường hợp này, nên bù dịch, điện giải, bổ sung thêm vitamin và chọn phương pháp điều trị thay thế cho bệnh nhân;
- Khi sử dụng thuốc Dophasidic, người bệnh có thể gặp phải các phản ứng có hại nghiêm trọng, có khả năng không hồi phục và gây tàn tật (gồm viêm gân, đứt gân, bệnh ở thần kinh ngoại biên, tác dụng phụ trên thần kinh trung ương như ảo giác, lo âu, mất ngủ, lú lẫn, trầm cảm và đau đầu nặng). Nên ngưng sử dụng thuốc ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào. Bên cạnh đó, tránh dùng thuốc cho những người bệnh đã từng gặp các phản ứng nghiêm trọng liên quan đến fluoroquinolon;
- Acid nalidixic kích thích thần kinh trung ương, gây hoa mắt, chóng mặt, nhiễm độc quang hóa (khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời), ảo giác, run tay. Vì vậy, tốt nhất bệnh nhân không nên lái xe, vận hành máy móc trong thời gian dùng thuốc Dophasidic.
5. Tương tác thuốc Dophasidic
Một số tương tác thuốc của Dophasidic gồm:
- Khi dùng thuốc Dophasidic đồng thời với chất chống đông warfarin và các dẫn chất thì cần theo dõi thời gian đông máu của bệnh nhân;
- Acid nalidixic làm tăng nồng độ của cafein, theophylin, cyclosporin do thuốc làm giảm thanh thải cafein và kéo dài thời gian bán thải của các chất này nếu dùng đồng thời;
- Nên dùng các thuốc antacid chứa magie, nhôm, sắt, canxi, đồng, kẽm,... trước hoặc sau 2 giờ khi uống Dophasidic;
- Probenecid làm giảm bài tiết thuốc Dophasidic qua nước tiểu, dẫn đến làm giảm hiệu quả điều trị tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu của thuốc này và đồng thời làm tăng tác dụng phụ toàn thân;
- Acid nalidixic có tính kháng chéo với các dẫn xuất của quinolon như cinoxacin và oxolinic acid;
- Acid nalidixic có thể bị hạn chế tác dụng nếu dùng đồng thời với các loại kháng sinh nhóm kìm khuẩn như nitrofurantoin, chloramphenicol, tetracyclin;
- Acid nalidixic làm thay đổi điện tâm đồ, dẫn tới kéo dài khoảng QTc;
- Không nên sử dụng thuốc Dophasidic cho người bệnh đang dùng các thuốc chống loạn nhịp như amiodarone, procainamid; quinidin, sotalol.
Khi sử dụng thuốc Dophasidic, bệnh nhân nên tuân theo mọi chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị liệu cao và tránh được nguy cơ xảy ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.