Dextrose 5 thường được dùng để bổ sung glucose cho những đối tượng dễ bị hạ đường huyết như suy dinh dưỡng, tăng chuyển hóa khi bị stress hoặc chấn thương, ngộ độc rượu. Công dụng và những điều cần chú ý khi sử dụng thuốc Dextrose 5 cụ thể như thế nào hãy cùng tham khảo ở bài viết dưới đây nhé.
1. Tìm hiểu về công dụng của thuốc Dextrose 5
Khi bạn không thể uống đủ nước hoặc đang cần bổ sung dịch thì dextrose sẽ được dùng để cung cấp các dịch chứa các loại đường để cung cấp cho cơ thể. Dextrose sẽ có thể sử dụng dưới dạng tiêm tĩnh mạch.
Dextrose ở dạng dung dịch, thuốc tiêm có hàm lượng 25mg/50ml.
2. Dextrose 5 được sử dụng như thế nào?
Đây là thuốc sử dụng theo đơn và sự chỉ định của bác sĩ. Dextrose thường được tiêm tại bệnh viện, phòng khám của bác sĩ. Trong trường hợp bạn sử dụng Dextrose tại nhà, thì sẽ cần có sự hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ.
Lưu ý cần để thuốc Dextrose cùng các dụng cụ cần sử dụng như ống tiêm, kim tiêm tránh xa tầm tay của trẻ em. Không được tái sử dụng lại kim tiêm hay các dụng cụ khác mà hãy vứt ngay các dụng cụ này sau khi sử dụng tại nơi quy định.
Trong trường hợp dung dịch Dextrose chứa các thành phần không tan hay đổi màu hoặc nếu lọ đựng thuốc bị sứt mẻ, thì không nên sử dụng nữa.
Khi bạn lỡ quên dùng một liều thuốc, hãy liên hệ để được sự tư vấn và chỉ dẫn từ bác sĩ.
3. Cách bảo quản Dextrose đúng
Thuốc cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, thoáng mát, khô ráo, tránh ánh sáng. Trong trường hợp không sử dụng thuốc hoặc thuốc đã quá hạn cần được vứt đúng nơi quy định, không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu.
4. Liều lượng sử dụng thuốc Dextrose
Những thông tin về liều lượng dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo không thể thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ, chính vì vậy, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc trước khi quyết định sử dụng.
Liều dùng đối với người lớn:
- Trong điều trị hạ đường huyết: sử dụng từ 10- 25g, có thể lặp lại trong trường hợp nghiêm trọng;
- Trong điều trị tăng kali huyết: sử dụng từ 25- 50g kết hợp với 10 đơn vị insulin thông thường, truyền trong 30- 60 phút và có thể lặp lại nếu cần thiết. Hoặc áp dụng liều thay thế là 25g kết hợp với 5-10 đơn vị insulin, truyền trong 5 phút; có thể lặp lại nếu cần thiết.
Liều dùng đối với trẻ em:
- Trong điều trị hạ đường huyết: Trẻ từ dưới 6 tháng tuổi sử dụng 0,25- 0,5g/kg cho mỗi liều. Còn từ 6 tháng tuổi trở lên dùng 0,5-1 g/kg cho mỗi liều. Trong các trường trường hợp nghiêm trọng có thể lặp lại liều dùng nhưng chỉ được phép tối đa 25g/liều;
- Trong điều trị tăng kali huyết: Trẻ em và trẻ sơ sinh sử dụng 0,5- 1g/kg kết hợp với insulin thông thường (1 liều cho mỗi 4- 5g dextrose), truyền trong 2 giờ và có thể lặp lại trong trường hợp cần thiết.
5. Một số tác dụng phụ của thuốc
- Những tác dụng phụ thường gặp như đi tiểu nhiều, đau, nổi mẩn, sưng tại chỗ tiêm. Hãy tìm gặp bác sĩ nếu các triệu chứng ấy kéo dài dai dẳng và làm bạn khó chịu;
- Những tác dụng phụ nghiêm trọng ít gặp sau đây mà bạn cần lưu ý đến gặp bác sĩ ngay: dị ứng nghiêm trọng như phát ban, khó thở, co thắt ngực, sưng mặt, miệng, lú lẫn, co cơ, co giật, sưng tay, chân, mệt mỏi.
6. Lưu ý trước khi sử dụng Dextrose
Dưới đây là một số tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng tới việc dùng thuốc, vậy nên bạn cần báo trước với bác sĩ:
- Phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai hoặc đang cho con bú (*);
- Cần báo trước về các loại thuốc đang dùng từ thuốc kê toa đến không kê toa, các vitamin, thực phẩm chức năng, thảo dược hoặc đang theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt;
- Bị dị ứng với các thành phần của thuốc, thức ăn hoặc những chất khác;
- Nếu bạn bị các biến chứng về gan;
- Mắc bệnh lú lẫn, trí nhớ kém, xuất huyết ở đầu hoặc cột sống;
- Bị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp;
- Bị hạ kali máu;
- Bị phù ngoại biên (sưng bàn tay, bàn chân, cẳng chân), phù phổi (khi dùng dextrose có thể làm cho những tình trạng này nghiêm trọng hơn).
(*): Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ nào để xác định rủi ro khi dùng thuốc Dextrose trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú, tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Thuốc thuộc nhóm thuốc C (tức là có thể có nguy cơ) đối với thai kỳ, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận.
7. Những tương kỵ và tương tác của thuốc Dextrose
- Khi sử dụng Dextrose liều cao cùng với Digoxin gây rối loạn điện giải (hạ kali máu);
- Dung dịch chứa Dextrose và pH < 6 có thể gây tủa indomethacin.
8. Xử trí như thế nào nếu quên liều?
Trong trường hợp bị quên liều hãy bổ sung lại liều đó càng sớm càng tốt. Trong trường hợp đã sát đến giờ dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý không được dùng gấp đôi liều đã quy định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.