Công dụng thuốc Dexalife

Thuốc Dexalife là một glucocorticoid tổng hợp với thành phần chính là Dexamethason. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc Dexalife.

1. Công dụng thuốc Dexalife

Thuốc Dexalife có hoạt chất chính là Dexamethason, thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm với hàm lượng Dexamethasone natri phosphate 5mg/ml.

Dexamethason là fluomethylprednisolon, glucocorticoid tổng hợp và Dexamethason hầu như không tan trong nước. Thuốc có tác dụng bằng cách gắn kết vào thụ thể ở tế bào, chuyển vị đi vào nhân tế bào và ở đó tác động đến một số gen được dịch mã. Dexamethason cũng có một số tác dụng trực tiếp mà không qua trung gian gắn kết vào thụ thể. Dexamethason có các tác dụng chính là chống dị ứng, chống viêm và ức chế miễn dịch, tuy nhiên tác dụng đến cân bằng điện giải thì rất ít. Về tác dụng chống viêm, dexamethason mạnh hơn hydrocortison 30 lần và mạnh hơn prednisolon 7 lần.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Dexalife

Thuốc Dexalife được dùng trong một số trường hợp sau:

  • Dùng cấp cứu trong các trường hợp dị ứng nặng, suy thượng thận.
  • Phối hợp với các điều trị khác trong trường hợp phù não, sốc do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Sử dụng Dexalife dự phòng trong phẫu thuật khi dự trữ glucocorticoid được cho là không đủ, trừ suy vỏ tuyến thượng thận tiên phát (bệnh Addison).
  • Dùng tiêm tại chỗ như tiêm trong và quanh khớp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, thoái hóa xương khớp, viêm quanh khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm dây chằng, viêm mỏm lồi cầu.

Chống chỉ định dùng thuốc trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với Dexamethason, các corticosteroid khác hoặc các thành phần khác của thuốc Dexalife.
  • Nhiễm nấm toàn thân, nhiễm virus tại chỗ, sốt rét thể não, nhiễm khuẩn lao, lậu chưa kiểm soát được bằng thuốc kháng khuẩn.
  • Loãng xương, khớp bị huỷ hoại nặng, nhược cơ.
  • Trong nhãn khoa do nhiễm virus (Herpes simplex mắt thể hoạt động), nhiễm khuẩn lao hoặc nhiễm nấm ở mắt.
  • Bệnh nhân mới tiêm vacxin sống giảm độc lực.
  • Loét dạ dày tá tràng.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Dexalife

  • Bệnh nhân đang nhiễm khuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn, cần điều trị bằng các thuốc kháng khuẩn đặc hiệu trước tiên, do Dexalife có tác dụng ức chế miễn dịch nên có thể làm xuất hiện các cơn kịch phát và lan rộng của nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, bệnh nhân viêm màng não nhiễm khuẩn cần sử dụng thuốc Dexalife trước khi dùng thuốc kháng khuẩn đặc hiệu để dự phòng viêm não do phản ứng với mảnh xác chết của vi khuẩn đã bị thuốc kháng khuẩn tiêu diệt.
  • Bệnh nhân loãng xương, rối loạn tâm thần, mới phẫu thuật ruột, loét dạ dày tá tràng, thủng giác mạc, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, đái tháo đường, nhiễm lao, thì cần theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực các bệnh này nếu cần dùng thuốc Dexalife.
  • Phụ nữ mang thai: Nghiên cứu cho thấy các glucocorticoid có khả năng gây quái thai ở động vật. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với người. Dexamethason có thể làm giảm trọng lượng thai nhi. Dexamethason cũng có thể gây ức chế tuyến thượng thận ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ dùng thuốc trong thời gian dài. Dùng glucocorticoid trước khi sinh non đã được chứng minh có khả năng bảo vệ trẻ tránh nguy cơ mắc suy hô hấp sơ sinh và bệnh loạn sản phổi - phế quản do sinh non.
  • Phụ nữ đang con bú: Dexamethason có thể bài tiết vào sữa mẹ và có nguy cơ gây tác động bất lợi đối với trẻ bú mẹ.

4. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Dexalife

Trong thời gian sử dụng thuốc Dexalife, bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Rối loạn điện giải: mất cân bằng điện giải, hạ kali máu, giữ natri và nước gây tăng huyết áp và phù nề, hạ canxi máu.
  • Nội tiết và chuyển hóa: giảm bài tiết ACTH, hội chứng dạng Cushing, teo tuyến thượng thận, giảm dung nạp glucid, tăng đường máu, rậm lông, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, tăng cảm giác thèm ăn.
  • Cơ xương: teo cơ hồi phục, yếu cơ, đau cơ, tổn thương gân, loãng xương, nứt đốt sống, gãy xương bệnh lý, hoại tử xương vô khuẩn.
  • Tiêu hóa: khó tiêu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hoá, viêm tụy cấp.
  • Da: teo da, viêm da dị ứng, mày đay, phù mạch, ban đỏ, bầm máu, rậm lông.
  • Thần kinh: mất ngủ, sảng khoái, chóng mặt, nhức đầu, hoang tưởng, hưng cảm.
  • Mắt: tăng nhãn áp, phù gai thị, đục thủy tinh thể.
  • Một số tác dụng không mong muốn khác: quá mẫn, đôi khi sốc phản vệ, huyết khối tắc mạch, tăng bạch cầu, tăng cân, nấc, áp xe vô khuẩn.
  • Nguy cơ tại chỗ tiêm: nhiễm khuẩn hoặc đống vôi ở khớp.
  • Triệu chứng và các dấu hiệu ngừng thuốc Dexalife: nếu giảm quá nhanh liều thuốc sau khi điều trị trong thời gian dài có thể dẫn đến suy thượng thận cấp, hạ huyết áp và thậm chí tử vong.

5. Tương tác thuốc

  • Thuốc cảm ứng enzym cytochrom P-450 isozyme 3A4 ở gan như Barbiturat, Phenylbutazone, Phenytoin hoặc Rifampicin, Rifabutin, Carbamazepine, Primidone và Aminoglutethimide có thể làm tăng chuyển hóa và do đó làm giảm tác dụng của corticosteroid.
  • Thuốc ức chế men gan cytochrome P-450 isozyme 3A4 như Ketoconazole, Ciclosporin hoặc Ritonavir có thể làm giảm độ thanh thải glucocortiocoid. Có thể cần giảm liều coritcosteroid để giảm nguy cơ tác dụng phụ.
  • Thuốc kháng giáp, oestrogen và các thuốc tránh thai khác có thể làm giảm chuyển hóa ở gan và do đó làm tăng tác dụng của corticosteroid. Có thể cần điều chỉnh liều thuốc Dexalife nếu bắt đầu hoặc ngừng điều trị bằng estrogen.
  • Tác dụng của thuốc chống đông máu thường giảm nếu dùng đồng thời vơia Dexamethason. Nên theo dõi chặt chẽ INR hoặc thời gian prothrombin trong thời gian sử dụng thuốc Dexalife.
  • Các cơn co giật đã được báo cáo xảy ra ở bệnh nhân người lớn và trẻ em được điều trị bằng corticosteroid liều cao đồng thời với cyclosporin.
  • Dùng đồng thời Dexamethason với thuốc chống đông máu, heparin, streptokinase, urokinase, rượu hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) bao gồm aspirin có thể làm tăng nguy cơ loét hoặc xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Aspirin nên được sử dụng một cách thận trọng cùng với các thuốc corticosteroid ở bệnh nhân bị hạ canxi máu.
  • Sự thanh thải của salicylat ở thận tăng lên khi dùng corticosteroid và việc ngừng sử dụng steroid có thể dẫn đến nhiễm độc salicylat. Bệnh nhân nên được theo dõi chặt chẽ về các tác dụng phụ của một trong hai loại thuốc.
  • Hạ kali máu có thể xảy ra do dùng Dexamethason. Dùng đồng thời corticosteroid với thuốc lợi tiểu làm giảm kali (như thiazide, frusemide hoặc axit ethacrynic), chất ức chế anhydrase carbonic như acetazolamide hoặc amphotericin B có thể dẫn đến hạ kali máu nghiêm trọng.
  • Glucocorticoid có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu. Có thể cần điều chỉnh liều lượng của các thuốc điều trị đái tháo đường như sulphonylureas và insulin.
  • Tăng nguy cơ hạ kali máu nếu dùng liều cao Dexamethason cùng với Salbutamol, Salmeterol, Terbutaline hoặc Formoteral liều cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe