Chitosan là một polymer cation tự nhiên, có hiệu quả trong điều trị béo phì, cholesterol cao và bệnh Crohn. Ngoài ra, Chitosan có khả năng tái tạo, thúc đẩy hình thành mô mới khi bị thương, bỏng, ... Hãy cùng tìm hiểu Chitosan có tác dụng gì trong bài viết dưới đây nhé.
1. Chitosan có tác dụng gì?
Chitosan là một loại polymer cation được lấy từ bộ xương cứng bên ngoài của động vật có vỏ, bao gồm cua, tôm hùm và tôm. Chitosan được sử dụng cho các mục đích y học.
Chitosan được sử dụng để điều trị bệnh Crohn, béo phì, cholesterol máu cao. Chế phẩm này cũng được sử dụng để điều trị các biến chứng mà bệnh nhân suy thận chạy thận thường gặp phải, bao gồm cholesterol cao, thiếu máu, suy nhược, thèm ăn, mất ngủ.
Một số người bôi Chitosan trực tiếp lên nướu của họ để điều trị chứng viêm nướu có thể dẫn đến rụng răng (viêm nha chu), hoặc nhai kẹo cao su có chứa Chitosan để phòng ngừa sâu răng.
Trong các phẫu thuật ghép mô, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đôi khi sử dụng Chitosan trực tiếp vào những nơi mà họ đã lấy mô để sử dụng ở nơi khác bởi vì Chitosan có khả năng thúc đẩy tạo mô mới.
Trong sản xuất dược phẩm, Chitosan được sử dụng làm chất độn trong viên nén; như một chất vận chuyển trong các loại thuốc phóng thích có kiểm soát để cải thiện khả năng hòa tan của thuốc cũng như để giảm vị đắng trong các dung dịch uống.
2. Liều lượng và cách dùng Chitosan
- Chitosan đã được sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng về giảm cholesterol và giảm cân với liều lượng từ 0,24g đến 15g mỗi ngày (trung bình 3,7g /ngày) trong 4 đến 24 tuần.
- Chitosan đã được sử dụng cho bệnh nhân bị suy thận phải chạy thận nhân tạo dài hạn mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào rõ ràng. Chitosan cũng đã được sử dụng cho bệnh nhân tiền tiểu đường để kiểm soát đường huyết với liều 1.500 mg/ngày.
- Dung dịch Chitosan 0,1% đã được sử dụng trong nhãn khoa trong khi dung dịch 1% Chitosan được sử dụng như một loại nước súc miệng.
- Với chế phẩm Chitosan® 2%, người bệnh có thể sử dụng để thoa lên vùng da bị thương khi cần thiết. Vệ sinh tay và vùng da bị thương sạch sẽ trước khi dùng thuốc, thoa sản phẩm và mát xa vùng da nhẹ nhàng sau đó.
Khi quên liều, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Nếu thời điểm đó gần với lần dùng tiếp theo thì hãy bỏ qua. Không dùng gấp đôi liều thông thường để bù liều đã quên.
Khi nghi ngờ quá liều, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu gần nhất để được xử trí. Mang theo tất cả các thuốc mà bệnh nhân sử dụng trước đó, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, ... để được chẩn đoán chính xác.
3. Tác dụng không mong muốn
Chitosan có thể an toàn cho hầu hết mọi người khi dùng bằng miệng trong tối đa sáu tháng hoặc khi bôi lên da. Khi dùng bằng đường uống, chế phẩm này có thể gây táo bón, đầy hơi hoặc khó chịu nhẹ ở dạ dày.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn cần liên hệ với bác sĩ khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình sử dụng chế phẩm Chitosan.
4. Tương tác thuốc
Khi điều trị với nhiều thuốc, có thể gây ra hiện tượng cạnh tranh hoặc hiệp đồng giữa các thuốc hoặc giữa thuốc và thực phẩm, đồ uống. Kết quả là làm thay đổi khả dụng sinh học, tác dụng, độc tính của thuốc. Vì vậy bạn cần liệt kê và thông báo với bác sĩ về tất cả các thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang dùng hoặc mới ngừng sử dụng.
Cụ thể, có một số lo ngại rằng dùng Chitosan có thể làm tăng tác dụng làm loãng máu của Warfarin, làm tăng khả năng bị bầm tím hoặc chảy máu. Vì vậy nếu bạn đang dùng Warfarin, hãy tránh dùng Chitosan.
5. Một số lưu ý khi sử dụng Chitosan
- Sử dụng Chitosan trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú: Chưa có đủ bằng chứng về tính an toàn của việc sử dụng Chitosan trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú. Vì vậy, không nên dùng Chitosan trong giai đoạn này.
- Dị ứng động vật có vỏ: Chitosan được lấy từ bộ xương bên ngoài của động vật có vỏ. Có một số lo ngại rằng những người bị dị ứng với động vật có vỏ cũng có thể bị dị ứng với Chitosan. Tuy nhiên, những người bị dị ứng với động vật có vỏ là dị ứng với thịt của chúng chứ không phải phần vỏ. Do đó, một số chuyên gia cho rằng Chitosan có thể không phải là vấn đề đối với những người bị dị ứng động vật có vỏ.
- Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang có những tình trạng sau: Các vấn đề dạ dày, mắc vấn đề khác về đường máu, bụng khó chịu, co thăt dạ dày...
- Ngoài ra, hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai, dự định mang thai hoặc đang cho con bú.
Chú ý: Chitosan là thực phẩm chức năng và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.