Thuốc Cetasone 0.5mg được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Betamethasone 0.5mg. Thuốc được sử dụng trong điều trị dị ứng, bệnh thấp khớp, bệnh hệ thống tạo keo, bệnh ngoài da, nội tiết,...
1. Công dụng của thuốc Cetasone
Thuốc Cetasone có thành phần chính là Betamethasone. Betamethason là 1 corticosteroid tổng hợp, có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và chống thấp khớp. Thuốc được dùng đường uống để điều trị nhiều bệnh cần dùng corticosteroid, trừ trạng thái suy thượng thận thì dùng hydrocortison kèm bổ sung fludrocortison. Sử dụng với liều cao, Betamethason có tác dụng ức chế miễn dịch.
Thuốc Cetasone được chỉ định sử dụng trong điều trị cho các trường hợp sau:
- Các bệnh thấp khớp: Viêm bao hoạt dịch cấp và bán cấp, viêm khớp dạng thấp, viêm bao gân cấp không đặc hiệu, viêm mỏm lồi cầu, viêm cơ, viêm gân, viêm mô xơ, viêm khớp vảy nến;
- Các bệnh ở hệ thống tạo keo: Lupus ban đỏ, ban đỏ toàn thân, viêm da cơ, bệnh xơ cứng bì;
- Các trạng thái dị ứng: Viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, cơn hen, hen phế quản mạn tính, viêm da dị ứng, viêm phế quản dị ứng nặng, phản ứng quá mẫn với thuốc và vết côn trùng cắn;
- Các bệnh ở da: Thâm nhiễm khu trú phì đại của liken phẳng, ban vảy nến, lupus ban dạng da, sẹo lồi, ban đỏ đa dạng (hội chứng Stevens - Johnson), viêm da tiếp xúc, viêm da tróc vảy);
- Các bệnh nội tiết: Tăng sản thượng thận bẩm sinh, suy vỏ thượng thận tiên phát hoặc thứ phát (sử dụng phối hợp với mineralocorticoid), tăng calci huyết do ung thư, viêm tuyến giáp không mưng mủ;
- Các bệnh ở mắt: Tình trạng viêm và dị ứng ở mắt, phần phụ như viêm kết mạc dị ứng, viêm mạc, viêm dây thần kinh thị giacs, viêm màng mạc nhỏ sau và màng mạc mạch lan tỏa;
- Các bệnh hô hấp: Tràn khí màng phổi, xơ hóa phổi, bệnh sarcoid, phòng ngừa suy hô hấp cấp và chảy máu nội nhân não ở trẻ sinh non;
- Các bệnh máu: Giảm tiểu cầu tự phát hoặc thứ phát ở người trưởng thành, thiếu máu tán huyết tự miễn, phản ứng truyền máu;
- Các bệnh tiêu hóa: Bệnh đại tràng, viêm gan mạn tính tự miễn, viêm loét đại trực tràng chảy máu, đợt tiến triển của bệnh Crohn;
- Các bệnh ung thư: Điều trị tạm thời bệnh bạch cầu và u lympho ở người trưởng thành, bệnh bạch cầu cấp ở trẻ em;
- Hội chứng thận hư: Hạ protein niệu và phù trong hội chứng thận hư không tăng ure huyết tiên phát hoặc do bệnh lupus ban đỏ.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Cetasone:
- Người quá mẫn với betamethason, các corticosteroid khác hoặc các thành phần khác của thuốc Cetasone;
- Bệnh nhân tiểu đường, tâm thần;
- Người bị nhiễm nấm toàn thân, nhiễm khuẩn và virus.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Cetasone
Cách dùng: Đường uống
Liều dùng: Phụ thuộc vào độ tuổi, các loại bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh và đáp ứng với thuốc của bệnh nhân. Các phác đồ sau thường được sử dụng:
Liều dùng ở người lớn:
- Điều trị ngắn hạn: Dùng liều 2 - 3mg/ngày trong vài ngày đầu tiên, sau đó giảm liều xuống còn 0,25 - 0,5mg/ngày trong 2 - 5 ngày tùy theo đáp ứng của bệnh nhân;
- Viêm khớp dạng thấp: Dùng liều 0,5 - 2mg/ngày. Đối với điều trị duy trì, nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Hầu hết các trường hợp dùng liều 1,5 - 5mg/ngày trong 1 - 3 tuần rồi giảm xuống liều tối thiểu có hiệu quả;
- Bệnh nhân mô liên kết hỗn hợp hoặc viêm loét đại tràng: Có thể cần dùng liều lớn hơn.
Liều dùng ở trẻ em:
- Có thể dùng liều với tỷ lệ như liều của người lớn (ví dụ trẻ từ 12 tuổi trở lên dùng liều 75%, trẻ từ 7 - 11 tuổi dùng liều 50%, trẻ từ 1 - 6 tuổi dùng liều 25%);
- Việc dùng thuốc cho trẻ em nên giới hạn ở liều nhỏ nhất với thời gian ngắn nhất có thể.
Quá liều: Khi dùng thuốc Cetasone quá liều (do dùng quá liều betamethason trường diễn), người bệnh có thể bị giữ natri và nước, tăng chứng thèm ăn, huy động calci và photpho kèm theo loãng xương, tăng đường huyết, mất nitơ, giảm tái tạo mô, tăng cảm thụ với nhiễm khuẩn, tăng hoạt động vỏ thượng thận, suy thượng thận, rối loạn tâm thần và thần kinh, yếu cơ,... Trong trường hợp quá liều cấp, nên điều trị bằng cách gây nôn và thụt rửa dạ dày, theo dõi điện giải đồ huyết thanh và nước tiểu, chú ý cân bằng natri và kali. Trong trường hợp nhiễm độc mạn tính, nên ngừng thuốc từ từ và điều trị mất cân bằng điện giải nếu cần thiết.
Quên liều: Cần uống thuốc Cetasone theo chỉ dẫn của bác sĩ. Với những liều dài ngày nếu có quên liều nên uống liều tiếp theo ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nên uống thuốc vào buổi sáng, trường hợp bỏ qua 1 ngày thì nên thông báo cho bác sĩ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Cetasone
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Cetasone gồm:
- Thường gặp: Mất kali, giữ natri, giữ nước, kinh nguyệt thất thường, giảm dung nạp glucose, hội chứng Cushing, ức chế sự tăng trưởng của thai nhi trong tử cung và của trẻ nhỏ, bộc lộ tiểu đường tiềm ẩn, tăng nhu cầu insulin hoặc thuyết hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường, yếu cơ, loãng xương, mất khối lượng cơ, teo da và dưới da, áp xe vô khuẩn;
- Ít gặp: Thay đổi tâm trạng, mất ngủ, sảng khoái hoặc trầm cảm nặng, glocom, đục thủy tinh thể, loét dạ dày (có thể bị thủng dạ dày và chảy máu), trướng bụng, viêm tụy, viêm loét thực quản;
- Hiếm gặp: Nổi mày đay, viêm da dị ứng, phù, tăng áp lực nội sọ lành tính,...
Cách xử trí:
- Đa số các tác dụng phụ của thuốc Cetasone có thể phục hồi hoặc giảm thiểu bằng cách giảm liều dùng;
- Việc sử dụng thuốc kèm với thức ăn có thể hạn chế chứng khó tiêu hoặc kích ứng đường tiêu hóa;
- Khi điều trị kéo dài với betamethason (thành phần chính của thuốc Cetasone), có thể cần hạn chế dùng natri và bổ sung kali, tăng khẩu phần protein trong quá trình dùng thuốc;
- Nên dùng calci và vitamin D để giảm nguy cơ loãng xương do betamethason trong quá trình điều trị kéo dài;
- Với bệnh nhân có tiền sử hoặc yếu tố nguy cơ loét dạ dày nên dùng thuốc chống loét. Nếu người bệnh đang dùng glucocorticoid mà bị thiếu máu cần liên hệ tới nguy cơ chảy máu dạ dày.
4. Thận trọng khi dùng thuốc Cetasone
Trước và trong khi dùng thuốc Cetasone, người bệnh nên lưu ý:
- Dùng liều thấp nhất có thể để kiểm soát bệnh đang điều trị; khi giảm liều nên giảm dần từng bước để tránh nguy cơ bị suy thượng thận cấp;
- Do tác dụng ức chế miễn dịch nên việc sử dụng betamethason ở liều cao hơn so với liều cần thiết có thể gây tăng tính dễ cảm thụ với nhiễm khuẩn. Trong trường hợp nhiễm khuẩn cấp khi chưa được kiểm soát bằng kháng sinh thích hợp thì không chỉ định sử dụng betamethason. Thành phần betamethasone có thể che lấp triệu chứng nhiễm khuẩn, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Cetasone trong các trường hợp: Suy tim sung huyết, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim mới mắc, tiểu đường, thiểu năng tuyến giáp, động kinh, glocom, suy gan, loét dạ dày, loãng xương, suy thận và loạn tâm thần;
- Khi sử dụng betamethason ở trẻ em và người cao tuổi dễ làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây chậm lớn ở trẻ em;
- Trường hợp không nên dùng thuốc Cetasone: Người bệnh bị lao tiến triển hoặc nghi ngờ lao tiềm ẩn (trừ trường hợp dùng thuốc để bổ trợ cho thuốc chống lao);
- Đáp ứng miễn dịch giảm khi sử dụng corticosteroid đường toàn thân, làm tăng nguy cơ bị thủy đậu, nhiễm Herpes zoster nặng nên khi dùng thuốc Cetasone, người bệnh cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh trên;
- Trong trường hợp bệnh nhân không có đáp ứng miễn dịch mà tiếp xúc với sởi hoặc thủy đậu thì cần được gây miễn dịch thụ động;
- Không sử dụng vắc-xin sống cho người đang sử dụng liệu pháp corticosteroid liều cao đường toàn tối thiểu trong 3 tháng sau đó. Tuy nhiên, có thể dùng vắc-xin chết hoặc giải độc tố (dù đáp ứng bị giảm);
- Trong suốt quá trình điều trị bằng betamethason dài hạn, nên theo dõi sức khỏe người bệnh, cần giảm lượng natri và bổ sung thêm kali, calci;
- Sử dụng betamethason kéo dài có thể gây đục thủy tinh thể (đặc biệt ở trẻ em), glocom nặng dẫn tới tổn thương dây thần kinh thị giác;
- Thận trọng khi dùng thuốc Cetasone ở phụ nữ mang thai và cho con bú (nên tham khảo ý kiến bác sĩ).
5. Tương tác thuốc Cetasone
Một số tương tác thuốc của Cetasone gồm:
- Sử dụng đồng thời betamethason (liều cao hoặc trường diễn) với paracetamol sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan. Điều này là do betamethason cảm ứng các enzyme gan, tăng tạo thành chất chuyển hóa của paracetamol gây độc cho gan;
- Không dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng cùng với betamethason vì có thể làm tăng các rối loạn tâm thần;
- Betamethason có thể gây tăng đường huyết nên cần phải điều chỉnh liều dùng của thuốc hạ đường huyết sau khi ngừng dùng betamethason;
- Sử dụng đồng thời betamethason với glycosid digitalis có thể làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim hoặc độc tính của digitalis đi kèm với hạ kali huyết;
- Sử dụng đồng thời betamethason với phenytoin, phenobarbiton, rifampicin hoặc ephedrin có thể làm tăng chuyển hóa của betamethason, làm giảm tác dụng điều trị;
- Dùng đồng thời các thuốc chống đông loại coumarin với betamethason có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông (có thể cần điều chỉnh liều);
- Betamethason làm tăng nguy cơ xuất hiện hoặc mức độ trầm trọng của loét đường tiêu hóa, có thể làm tăng nồng độ salicylat trong máu;
- Thận trọng khi phối hợp betamethason với aspirin trong trường hợp bệnh nhân bị giảm prothrombin huyết;
- Các steroid như betamethason có thể làm giảm tác dụng của các thuốc kháng cholinesterase trong bệnh nhược cơ, tác dụng của các thuốc chống viêm không steroid và tác dụng của thuốc cản quang trong chụp X-quang túi mật;
- Khi dùng đồng thời betamethason với theophyllin, carbenoxolon và các thuốc kháng nấm (như amphotericin B) có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu. Tăng độc tính có thể xảy ra nếu tình trạng hạ kali máu xảy ra ở người bệnh đang dùng glycosid tim;
- Ritonavir và các thuốc tránh thai dùng đường uống có thể làm tăng nồng độ betamethason trong huyết tương. Hiệu quả của corticoid có thể bị giảm trong 3 - 4 ngày sau khi bệnh nhân sử dụng mifepriston;
- Corticosteroid (betamethason) có thể ức chế hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng của somatropin;
- Corticoid (betamethason) có thể làm tăng chuyển hóa của tretinoin, dẫn tới làm giảm nồng độ tretinoin.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Cetasone hy vọng bạn có thể tham khảo để có cho mình được những kiến thức bổ ích giúp việc dùng thuốc được hiệu quả, an toàn cho sức khỏe người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.