Công dụng thuốc Cetamet

Thuốc Cetamet thường được sử dụng chủ yếu cho các trường hợp nhiễm khuẩn như viêm amidan, viêm tai giữa, viêm họng,... Bệnh nhân chỉ được phép dùng Cetamet khi có đơn thuốc của bác sĩ, tránh tự ý áp dụng hay điều chỉnh liều nhằm ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.

1. Thuốc Cetamet là thuốc gì?

Cetamet thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, trị ký sinh trùng, kháng nấm và vi rút. Thuốc Cetamet được nghiên cứu và sản xuất bởi Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Domesco – Việt Nam dưới dạng viên nén bao phim, mỗi hộp thuốc gồm 2 vỉ x 5 viên.

Thành phần chính trong thuốc Cetamet là Cefetamet pivoxil hydroclorid hàm lượng 500mg cùng sự góp mặt của một số tá dược khác vừa đủ. Thuốc Cetamet được các chuyên gia đánh giá cao về khả năng khắc phục hiệu quả các tình trạng nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm với thuốc, chẳng hạn như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm amidan, viêm họng,...

Để dùng thuốc Cetamet hiệu quả thì người bệnh nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng khi chưa tham khảo lời khuyên của thầy thuốc.

2. Tác dụng của thuốc Cetamet

2.1 Công dụng của hoạt chất Cefetamet

Cefetamet là thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 3, thường được bác sĩ kê đơn sử dụng trong các phác đồ trị liệu bệnh nhiễm trùng. Hoạt chất Cefetamet có khả năng ức chế bước chuyển hoá cuối cùng Amino acid trong quá trình tổng hợp peptidoglycan tại thành tế bào vi khuẩn. Tác dụng này của Cefetamet là nhờ vào sự kết hợp với một hay nhiều hợp chất đại phân tử protein có tính liên kết cao với penicillin.

Khi dùng bằng đường uống, Cefetamet giúp khắc phục hiệu quả các tình trạng viêm đường hô hấp trên và dưới, đồng thời có tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ đối với những tác nhân chính gây viêm hô hấp như:

  • Haemophilus influenzae.
  • Streptococcus pneumoniae.
  • Moraxella catarrhalis.
  • Streptococci tán huyết nhóm A.
  • Enterobacteriaceae.
  • Neisseria gonorrhoeae.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Cetamet

Thuốc Cetamet chỉ được dùng theo đơn của bác sĩ để điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn sau:

Chống chỉ định sử dụng thuốc Cetamet cho các đối tượng bệnh nhân dưới đây:

  • Người bệnh có tiền sử quá mẫn hoặc phản ứng dị ứng với hoạt chất Cefetamet hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Người quá mẫn với các thuốc kháng sinh thuộc họ Penicillin, Cephalosporin và Beta lactam.
  • Phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc người mẹ đang nuôi con bú.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Cetamet hiệu quả

Thuốc Cetamet được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên nuốt nguyên viên thuốc cùng với lượng nước lọc vừa đủ, tránh nhai, nghiền nát hoặc uống thuốc cùng với các thức uống khác. Liều lượng sử dụng thuốc Cetamet sẽ được xác định cụ thể dựa trên từng đối tượng bệnh nhân:

  • Liều cho trẻ em > 12 tuổi và người lớn: Uống liều 500mg x 2 lần/ ngày.
  • Liều cho trẻ em < 12 tuổi: Uống liều 10mg/ kg thể trọng x 2 lần/ ngày.

Thời gian điều trị bằng thuốc Cetamet sẽ phụ thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn và chủng vi khuẩn gây bệnh mà người bệnh mắc phải. Để thuốc Cetamet phát huy công dụng diệt khuẩn tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đã khuyến cáo. Tránh tự ý điều chỉnh liều thuốc hoặc kéo dài thời gian sử dụng quá quy định.

Nếu bỏ lỡ một liều thuốc Cetamet, người bệnh cần nhanh chóng uống bù liều sớm nhất có thể, tốt nhất là trong vòng 1 – 2 tiếng kể từ thời điểm quên liều. Trong trường hợp đã quá gần với thời gian uống liều Cetamet tiếp theo thì nên bỏ qua liều đã lỡ và tiếp tục dùng thuốc đúng với liệu trình của bác sĩ. Tuyệt đối không uống gấp đôi liều cùng lúc bởi điều này dễ để lại những tác dụng phụ nguy hiểm cho bệnh nhân.

Khi uống quá liều Cetamet và xuất hiện các triệu chứng bất lợi, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán cũng như có biện pháp xử trí thích hợp. Hiện nay, các liệu pháp điều trị quá liều thuốc nói chung được các bác sĩ khuyến cáo áp dụng, bao gồm rửa dạ dày, dùng than hoạt tính hoặc gây nôn.

4. Thuốc Cetamet gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?

Những phản ứng ngoại ý có thể xảy ra trong quá trình điều trị bằng Cetamet, chẳng hạn như buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy hoặc các triệu chứng quá mẫn (nổi mày đay, mẩn ngứa và sốc phản vệ). Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ khác chưa được đề cập đến.

Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường khi dùng Cetamet, người bệnh cần ngừng điều trị và báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến thuốc Cetamet sẽ giúp ngăn ngừa được nguy cơ gặp phải những hệ lụy sức khoẻ nguy hiểm khác.

5. Nên lưu ý những gì khi điều trị bằng thuốc Cetamet?

Dưới đây là một số khuyến cáo chung mà bệnh nhân cần nắm rõ khi sử dụng thuốc Cetamet:

  • Cần báo cho bác sĩ các loại thuốc hiện đang dùng hoặc dự định sử dụng, bao gồm cả các sản phẩm dinh dưỡng, thảo dược, thuốc bổ, thực phẩm chức năng và vitamin.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Cetamet cho người bị suy giảm chức năng thận hoặc có tiền sử dị ứng với các thuốc khác.
  • Cần giảm liều thuốc Cetamet cho bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc.
  • Nguy cơ mắc viêm đại tràng giả mạc ở bệnh nhân dùng thuốc Cetamet. Cần đặc biệt lưu ý biến chứng này đối với những bệnh nhân bị tiêu chảy khi sử dụng Cetamet. Nếu bị viêm đại tràng giả mạc mức nhẹ có thể cân nhắc ngừng thuốc, trong trường hợp nặng hơn cần cho người bệnh dùng Vancomycin phối hợp với các biện pháp hỗ trợ tích cực khác.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của Cetamet trước khi bắt đầu dùng nhằm tránh uống thuốc hết hạn.
  • Nếu viên thuốc có dấu hiệu mốc, chuyển màu hoặc biến dạng thì cần loại bỏ thuốc theo đúng quy định.
  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp hoặc nơi có độ ẩm cao.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Cetamet, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Cetamet là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe