Ceplorvpc 500mg có thành phần chính là Cefaclor, thuộc nhóm thuốc chống kí sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm, được bào chế dưới dạng viên nang cứng. Hiểu rõ tác dụng cũng như tuân thủ đúng chỉ định và liều dùng Ceplorvpc 500 sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và phòng tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
1. Công dụng thuốc Ceplorvpc 500mg
Hoạt chất Cefaclor trong thuốc Ceplorvpc 500 là hoạt chất thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 2. Thuốc có hoạt tính mạnh hơn trên những vi khuẩn gram âm so với thế hệ 1. Cefaclor có tác dụng diệt vi khuẩn đang phát triển và phân chia bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn. Ceplorvpc 500mg dùng để điều trị các nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng da mô mềm mức độ nhẹ và trung bình do các vi khuẩn nhạy cảm, đặc biệt sau khi thất bại với các kháng sinh thông thường.
2. Chỉ định của thuốc Ceplorvpc 500mg
Ceplorvpc 500mg được chỉ định trong các nhiễm đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp và mạn, nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng, nhiễm trùng da và mô mềm do các vi khuẩn nhạy cảm.
- Viêm tai giữa cấp, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan cấp hoặc viêm amidan mạn tái phát nhiều lần
- Viêm phế quản cấp có bội nhiễm, viêm phổi, đợt bùng phát của viêm phế quản mạn
- Viêm thận bể thận, viêm bàng quang
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm do Staphylococcus aureus nhạy cảm với methicillin hay Streptococcus pyogen
3. Chống chỉ định của thuốc Ceplorvpc 500mg
Chống chỉ định với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với nhóm thuốc Cephalosporin.
Thận trọng với những bệnh nhân dị ứng Penicilin vì có mẫn cảm chéo, tuy nhiên tần số mẫn cảm chéo với penicilin thấp.
4. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Ceplorvpc 500mg
Cách sử dụng: Thuốc Ceplorvpc được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân nên nuốt toàn bộ viên thuốc Ceplorvpc 500mg, không nên nhai, bẻ, nghiền nát vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Đối với dạng viên nang cứng nên uống lúc no hoặc trong vòng 1 giờ sau bữa ăn để tăng hấp thu thuốc.
Người lớn:
- Viêm họng, viêm phế quản, viêm amidan, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da và mô mềm: uống 250 - 500mg/lần, ngày 2 lần.
- Trường hợp viêm họng tái phát do Streptococcus tan huyết nhóm A cần điều trị cho những người trong gia đình mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng.
- Đối với các nhiễm trùng nặng hơn: uống 500mg/lần, ngày 3 lần. Liều tối đa ở người lớn là 4g/ngày
Trẻ em:
- Uống liều 40mg/kg/ngày, ngày uống 2 - 3 lần. Liều tối đa không quá 1g/ngày.
Hoặc dùng:
- Trẻ 1 tháng đến 1 tuổi: Uống 62,5mg x 3 lần/ngày
- Trẻ 1 tuổi đến 5 tuổi: Uống 125mg x 3 lần/ngày
- Trẻ trên 5 tuổi: Uống 250mg x 3 lần/ngày
- Tính an toàn và hiệu quả đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi hiện nay chưa được xác định
Đối tượng khác
- Người cao tuổi: Dùng như người lớn
- Người suy thận: Bệnh nhân vẫn có thể dùng như liều người lớn. Trong trường hợp suy thận nặng, cần điều chỉnh liều dựa vào độ thanh thải Creatinin:
- Độ thanh thải creatinine 10 - 15 ml/phút: 50% liều sử dụng
- Độ thanh thải < 10 ml/phút: 25% liều sử dụng
- Người bệnh phải thẩm tách máu: Khi thẩm phân máu, thời gian bán thải của thuốc Ceplorvpc giảm 25 - 30%. Vì vậy, đối với bệnh nhân cần thẩm phân máu đều đặn, nên dùng liều khởi đầu từ 250mg - 1g trước khi thẩm tách máu và duy trì liều 250 - 500mg, 3 - 4 lần/ngày trong thời gian giữa các lần thẩm tách máu.
- Điều trị nhiễm khuẩn do Streptococcus tan huyết beta bằng thuốc Ceplorvpc 500mg ít nhất từ 7 - 10 ngày.
5. Cách xử trí khi quên thuốc, quá liều thuốc Ceplorvpc 500mg
- Trong trường hợp quên thuốc trong khoảng 1 - 2 giờ so với quy định trong đơn thuốc, bệnh nhân có thể nhanh chóng uống bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian quá xa thời điểm cần uống thì không nên uống bù vì có thể gây nguy hiểm cho cơ thể và cần gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn cách xử trí.
- Khi dùng thuốc Ceplorvpc 500mg quá liều người bệnh cần dừng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu bất thường để xử trí kịp thời.
6. Tác dụng phụ của thuốc Ceplorvpc 500mg
Khi dùng thuốc Ceplorvpc 500 mg người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như:
- Thường gặp: Nổi ban dạng sợi, tiêu chảy
- Ít gặp: Ngứa, nổi mề đay, buồn nôn, nôn, viêm âm đạo, viêm khớp, đau khớp có thể kèm sốt hoặc không có sốt
- Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, hội chứng Steven-Johnson, viêm đại tràng giả mạc, tăng men gan, đau đầu, chóng mặt, lú lẫn,...
Các tác dụng phụ của thuốc Ceplorvpc hay gặp ở trẻ em hơn người lớn, thường xuất hiện trong 2 - 3 ngày từ khi bắt đầu dùng thuốc và các triệu chứng sẽ giảm dần sau vài ngày ngưng thuốc. Nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng trên khi sử dụng thuốc Ceplorvpc 500 mg thì cần ngưng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp.
7. Tương tác của thuốc Ceplorvpc 500mg
Thuốc Ceplorvpc có thể tương tác nếu dùng đồng thời với những thuốc sau:
- Probenecid làm tăng nồng độ Ceplorvpc trong huyết tương
- Các thuốc kháng sinh Aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu Furosemide có thể gây độc cho thận
- Thuốc kháng acid (chứa nhôm hoặc magie) khi dùng chung trong khoảng 1 giờ có thể làm giảm sự hấp thu của thuốc Ceplorvpc
8. Lưu ý khi sử dụng thuốc Ceplorvpc 500mg
- Thuốc Ceplorvpc 500mg dùng dài ngày có thể gây viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile, nhất là ở người có tiền sử bệnh đường tiêu hóa. Cần nghi ngờ viêm đại tràng giả mạc nếu bệnh nhân xuất hiện tiêu chảy dài ngày hoặc đi phân có máu nếu đang sử dụng hoặc trong vòng 2 tháng từ khi sử dụng thuốc Ceplorvpc.
- Cần thận trọng khi dùng Ceplorvpc 500mg cho người có chức năng thận suy giảm nặng. Phải điều chỉnh liều dùng thuốc dựa trên độ thải Creatinine và cần kiểm tra chức năng thận trong quá trình sử dụng thuốc.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Ceplorvpc 500mg cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Tuyệt đối không sử dụng nếu thấy thuốc có hiện tượng mốc, đổi màu, quá hạn sử dụng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Ceplorvpc 500mg, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đạt hiệu quả và tránh các tác dụng không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.