Thuốc Cefovidi nằm trong nhóm thuốc kháng sinh. Với thành phần là Cefotaxime, thuốc Cefovidi được dùng trong điều trị một số tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng và dự phòng nhiễm khuẩn sau khi phẫu thuật.
1. Cefovidi là thuốc gì?
Cefovidi thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, kháng nấm, virus và chống nhiễm khuẩn với thành phần chính là Cefotaxime. Cefotaxime là một loại kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 3, loại kháng sinh này có phổ kháng khuẩn rộng.
Cefovidi được bào chế dưới dạng bột pha tiêm và được chỉ định điều trị trong những trường hợp sau:
- Viêm màng não, viêm màng tim, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm trùng máu do cầu khuẩn Gram dương và vi khuẩn Gram âm.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và phụ khoa (bao gồm cả bệnh lậu), nhiễm khuẩn da và mô mềm.
- Dự phòng điều trị nhiễm khuẩn hậu phẫu.
2. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Cefovidi
Thuốc Cefovidi được dùng theo đường tiêm, có thể là tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Việc dùng thuốc trên bệnh nhân được tiến hành bởi các bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
Liều dùng thuốc Cefovidi ở người lớn tùy vào mục đích điều trị như sau:
- Điều trị nhiễm khuẩn không có biến chứng: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp liều 1g mỗi 12 giờ.
- Điều trị viêm màng não, nhiễm khuẩn nặng: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp liều 2g mỗi 6 - 8 giờ.
- Điều trị bệnh lậu không có biến chứng: Tiêm bắp một liều duy nhất 1g.
- Dự phòng điều trị nhiễm khuẩn hậu phẫu: Trước khi phẫu thuật 30 phút, tiêm 1g.
Liều dùng thuốc Cefovidi ở trẻ em tùy vào đối tượng như sau:
- Trẻ từ 2 tháng tuổi hoặc dưới 12 tuổi: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp liều 50mg - 150mg/kg cân nặng/ngày, chia liều dùng thành 3 - 4 lần để tiêm trong ngày.
- Trẻ sơ sinh trên 1 tuần tuổi: Tiêm tĩnh mạch 75 - 150mg/kg cân nặng/ngày, chia liều dùng thành 3 lần để tiêm trong ngày.
- Trẻ sinh non và trẻ sơ sinh dưới 1 tuần tuổi: Tiêm tĩnh mạch 50mg/kg cân nặng/ngày, chia liều dùng thành 2 lần để tiêm trong ngày.
Đối với bệnh nhân bị suy thận có ClCr dưới 10mL, cần giảm liều dùng thuốc Cefovidi xuống còn một nửa so với người lớn.
Thuốc Cefovidi chỉ được sử dụng trong trường hợp có chỉ định của bác sĩ. Khi có tình trạng quá liều, người nhà bệnh nhân cần báo cho bác sĩ ngay lập tức để có hướng xử trí kịp thời và phù hợp, tránh nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng.
Lưu ý, Cefovidi là thuốc kháng sinh, vì vậy việc điều trị nên được thực hiện liên tục, không được ngắt quãng vì sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị.
3. Tác dụng phụ của thuốc Cefovidi
Thuốc Cefovidi có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn như sốt, nổi mẩn ngứa, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hoa mắt, giảm thị lực, đau đầu, rối loạn nhịp tim, các chỉ số huyết học thay đổi, tăng nồng độ bạch cầu ưa axit.
Đối với Cefovidi, sau khi tiêm thuốc, nếu người bệnh có biểu hiện lạ, bất thường, gặp tác dụng phụ của thuốc thì người nhà cần theo dõi và báo ngay cho cán bộ y tế để được xử trí.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Cefovidi
- Không dùng thuốc Cefovidi ở người quá mẫn với thành phần của thuốc, phụ nữ đang mang thai và nuôi con cho bú.
- Người có tiền sử dị ứng với Penicillin hoặc có người thân bị dị ứng.
- Bệnh nhân suy thận cần thận trọng khi dùng thuốc Cefovidi.
- Hạn chế các hoạt động lái xe hoặc vận hành máy móc vì Cefovidi có thể gây đau đầu, suy giảm thị lực.
- Thuốc Cefovidi có thể tương tác với một số loại thuốc như Azlocillin, Fosfomycin, Probenecid,... nếu dùng cùng và làm giảm tác dụng hoặc tăng độc tính của thuốc.
- Để hạn chế và tránh những ảnh hưởng do tương tác thuốc gây ra, trước khi dùng Cefovidi, người bệnh cần cho bác sĩ/dược sĩ biết tiền sử bệnh cũng như các loại thuốc (bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn), thực phẩm chức năng, các loại thảo dược đã và đang sử dụng.
Tóm lại, công dụng của thuốc Cefovidi là điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu - sinh dục, nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm trùng máu, xương khớp, tim, màng não,... Ngoài ra, thuốc cũng được dùng trong dự phòng nhiễm khuẩn trên bệnh nhân phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.