Cefactum là thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3, chứa hoạt chất chính là Cefdinir. Thuốc có tác dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nhạy cảm như viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn hệ sinh dục tiết niệu,... Cùng tìm hiểu kỹ hơn về thuốc Cefactum qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc cefactum có tác dụng gì?
Cefactum có chứa dược chất chính là Cefdinir, dạng viên nang. Thuốc là sản phẩm dược của nhà sản xuất Syncom Formulations (India)., Ltd - Ấn Độ.
- Cefdinir là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 tác dụng diệt khuẩn do hiệu quả ức chế tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn. Phổ hoạt tính của cefdinir rộng, bao gồm nhiều vi khuẩn Gram âm như vi khuẩn HI, Moraxella catarrhalis, Haemophilus para influenzae,... các vi khuẩn Gram dương như Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae,.... Cefdinir không bị ảnh hưởng do một số loại men beta - lactamase. Các chủng Enterococci (Enterococcus faecalis), Enterobacter, Pseudomonas và Staphylococcus kháng methicillin đều đề kháng cả dược chất Cefdinir.
- Sau khi uống thuốc, nồng độ đỉnh trong huyết tương của Cefdinir đạt được từ 2 giờ đến 4 giờ, sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 25%. Thuốc được phân bố vào dịch tai giữa, mô xoang, amidan, niêm mạc phổi, phế quản,... ở nồng độ khác nhau trong máu huyết tương. Tỉ lệ gắn kết với protein huyết tương của thuốc khoảng 60% đến 70%, sự gắn kết này độc lập với nồng độ thuốc. Thuốc bị chuyển hóa không đáng kể và được đào thải chủ yếu ở thận. Thời gian bán thải trung bình trong huyết tương của thuốc là 1.7 tới 1.8 giờ. Độ thanh thải của thuốc giảm ở người bệnh suy giảm chức năng thận. Thuốc được loại bỏ khỏi cơ thể nhờ con đường thẩm tách máu. Thời gian bán thải của thuốc Cefactum ở người bệnh nhân bị suy thận nặng giảm trong khoảng 1.6 giờ đến 3.2 giờ.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Cefactum
2.1. Chỉ định dùng thuốc Cefactum
Thuốc Cefactum được sử dụng trong các bệnh lý sau:
- Nhiễm trùng tai mũi họng, nhiễm trùng hệ hô hấp trên và dưới: Viêm tai, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản,...
- Nhiễm trùng hệ sinh dục, sản phụ khoa bao gồm cả bệnh lậu chưa biến chứng, viêm cổ tử cung, viêm phần phụ tử cung, viêm tuyến Bartholin...
- Nhiễm trùng hệ tiết niệu như viêm đài bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm thận - bể thận,...
- Nhiễm trùng da, tổ chức mô mềm: Viêm nang lông, chốc lở, nhọt, viêm mạch hay hạch bạch huyết, chín mé, viêm quanh móng, viêm da mủ, áp - xe dưới da,...
- Dự phòng các nhiễm trùng sau phẫu thuật.
2.2. Chống chỉ định dùng thuốc Cefactum
Không dùng thuốc Cefactum trong các trường hợp người bệnh bị dị ứng, quá mẫn với Cefdinir, các kháng sinh nhóm Cephalosporin khác và các tá dược có trong thuốc.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Cefactum
Cách dùng: Thuốc Cefactum được dùng bằng đường uống. Người bệnh nên uống thuốc cách bữa ăn, có thể trước hoặc sau ăn 2 giờ do thức ăn có thể làm giảm khả năng hấp thu của thuốc Cefactum.
Liều dùng: Thuốc Cefactum được chỉ định dùng theo liều lượng kê đơn của bác sĩ phụ thuốc theo độ tuổi và thể trạng, tình trạng bệnh của người bệnh. Hoặc bạn có thể tham khảo liều dùng khuyến cáo của nhà sản xuất thuốc sau đây:
- Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Liều dùng 2 viên chia 2 lần, mỗi lần 1 viên cách nhau 12 giờ. Liệu trình thời gian điều trị từ 5 ngày đến 10 ngày.
- Trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi: Liều dùng thông thường theo ngày tính theo công thức 14mg/kg. Tổng liều tối đa trong ngày là 600mg.
- Người bệnh bị suy thận có độ thanh thải dưới 30ml/ phút: Liều dùng trong ngày là 300mg.
4. Những tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Cefactum
Người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn sau đây trong quá trình dùng thuốc Cefactum:
- Các phản ứng quá mẫn: Như dị ứng dạng phát ban, ngứa da nổi mề đay.
- Các phản ứng hiếm gặp: Buồn nôn, viêm ruột màng giả, đau bụng. chán ăn, rối loạn dạ dày, táo bón, viêm miệng, đau nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, cảm giác nặng ngực, nhiễm nấm, thiếu vitamin K,... Xét nghiệm thấy chỉ số bạch cầu giảm, các chỉ số men gan, BUN tăng,...
- Phản ứng rất hiếm gặp: Viêm ruột, viêm phổi kẽ,...
Các phản ứng kể trên đây thường giảm khi người bệnh ngưng sử dụng thuốc. Hãy thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn mà mình gặp phải khi dùng thuốc.
5. Những lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Cefactum
Người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau trong khi uống thuốc Cefactum:
- Người bệnh nếu đang sử dụng các loại thuốc bổ sung sắt hoặc có thành phần Antacid chứa thành phần nhôm hoặc magnesi, cần sử dụng cách thời gian thuốc Cefactum khoảng 2 giờ do chúng tương tác làm giảm khả năng hấp thu thuốc.
- Thuốc Probenecid làm tăng hấp thu thuốc và gây kéo dài thời gian bán thải của thuốc.
- Người bệnh có tiền sử quá mẫn cảm với Penicilin, người bệnh bị suy thận, người bệnh có tiền sử viêm ruột kết cần thận trọng khi dùng thuốc.
- Phụ nữ có thai và người đang cho con bú khi sử dụng thuốc Cefactum cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc có thể được sử dụng cho các đối tượng cần sự tỉnh táo như khi lái tàu xe, vận hành máy móc, tham gia giao thông.
- Bảo quản thuốc: Nên bảo quản thuốc Cefactum ở nhiệt độ dưới 25o C, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, thuốc cần được tránh xa tầm tay của trẻ em.
Trên đây là thông tin về thuốc Cefactum. Đây là kháng sinh nhóm cephalosporin, hiệu quả trong nhiều bệnh lý nhiễm trùng gây ra do vi khuẩn nhạy cảm. Thuốc được chỉ định theo kê đơn của bác sĩ về liều lượng, thời gian dùng, người bệnh không nên tự ý sử dụng. Để hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.