Cadicefdin với thành phần chính là Cefdinir là một loại kháng sinh bán tổng hợp, phổ rộng thuộc thế hệ thứ ba của nhóm cephalosporin. Nó có hiệu quả sử dụng trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thông thường ở tai, xoang, họng, phổi và da.
1. Thuốc Cadicefdin có tác dụng gì?
Thuốc Cadicefdin có tác dụng gì? Cadicefdin có thành phần chính là Cefdinir 300mg, thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Thuốc được bác sĩ chỉ định sử dụng trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng nguyên nhân do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra, cụ thể như:
- Điều trị bệnh viêm phổi và viêm phế quản
- Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng
- Điều trị bệnh lậu không biến chứng
- Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục và đường tiết niệu
- Sử dụng trong dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật
- Điều trị bệnh nhiễm khuẩn da và tổ chức mô mềm
- Thuốc còn có công dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trong phụ khoa như viêm phần phụ tử cung, viêm tử cung, viêm tuyến Bartholin.
- Điều trị viêm nang lông, nhọt, chốc lở, viêm quầng, viêm tấy, viêm mạch hay hạch bạch huyết, viêm quanh móng, áp-xe dưới da, viêm tuyến mồ hôi, vữa động mạch nhiễm trùng, viêm da mủ mạn tính.
- Thuốc cadicefdin còn được dùng trong điều trị bệnh viêm thận - bể thận, viêm bàng quang.
Lưu ý: Thuốc kháng sinh cefdinir không có tác dụng đối với bệnh cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh nhiễm vi rút khác. Người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh cefdinir khi không cần thiết sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Cơ chế tác dụng
Cefdinir là kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, có tác dụng diệt khuẩn do có khả năng ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Do đó, nó có công dụng hiệu quả trong diệt khuẩn, điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn bằng cách can thiệp vào quá trình tổng hợp thành tế bào và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Cadicefdin
Cách dùng: Thuốc sử dụng qua đường uống, người bệnh có thể uống trong khi ăn hoặc là sau ăn.
Liều lượng thuốc: Liều lượng thuốc được phụ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như mức độ hấp thụ thuốc của cơ thể, do đó người bệnh cần tuân theo theo liều lượng thuốc mà bác sĩ chỉ định.
- Đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi liều lượng khuyến cáo là 1 viên ngày uống 2 lần, cách nhau 12 giờ giờ. Thời gian điều trị sử dụng thuốc từ 5 đến 10 ngày sẽ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Với trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Liều sử dụng thông thường là 14/mg/kg/ngày, liều tối đa là 600mg/ngày.
- Với bệnh nhân bị suy thận có độ thanh thải creatinin dưới 30 ml/phút thì liều áp dụng là 300 mg/lần/ngày.
Lưu ý: Cần tiếp tục dùng thuốc cefdinir ngay cả khi bệnh đã được cải thiện và người bệnh cảm thấy tốt hơn. Nếu bệnh nhân ngừng dùng cefdinir quá sớm hoặc bỏ liều thì bệnh nhiễm trùng có thể không được điều trị hoàn toàn và vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc kháng sinh.
Chống chỉ định:
Chống chỉ định dùng thuốc Cadicefdin với bệnh nhân quá mẫn với kháng sinh nhóm Cephalosporin.
3. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Cadicefdin
Một số phản ứng phụ mà người bệnh có thể gặp trong quá trình sử dụng thuốc như:
- Phản ứng phụ hiếm gặp với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, có nguy cơ mắc bệnh viêm ruột màng giả.
- Các phản ứng quá mẫn như ngứa nổi mề đay, dị ứng ở dạng phát ban. Tuy nhiên người bệnh không cần lo lắng vì những phản ứng này thường sẽ biến mất sau khi người bệnh nhân sử dụng thuốc.
- Phản ứng rất hiếm gặp như phản ứng dị ứng, viêm ruột, viêm phổi kẽ.
- Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể bao gồm nhiễm trùng Clostridioides difficile, phản vệ và hội chứng Stevens – Johnson.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cadicefdin
- Cần thận trọng sử dụng thuốc với người có tiền sử bị dị ứng với thuốc Penicillin
- Thận trọng dùng thuốc với người bệnh gặp vấn đề về suy thận: Khi sử dụng thuốc cần điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.
- Đối với phụ nữ nữ có thai: Hiện chưa có các nghiên cứu lâm sàng đầy đủ chứng minh thuốc an toàn và không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, bác sĩ khuyến cáo những trường hợp này nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh.
- Phụ nữ cho con bú: Bác sĩ khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc trong trường hợp thật sự cần thiết thiết khi đã cân nhắc giữa lợi ích và tác hại mà thuốc mang lại.
- Việc sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể khiến cho các vi khuẩn tăng khả năng kháng thuốc, do đó cần theo dõi quá trình phát triển của bệnh chặt chẽ, nếu có hiện tượng tái nhiễm trong lúc điều trị cần phải đổi sang phương pháp điều trị khác phù hợp hơn.
- Cẩn trọng sử dụng thuốc cho các trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh viêm đại tràng.
5. Tương tác thuốc
Trước khi điều trị bằng thuốc Cadicefdin, người bệnh cần báo với bác sĩ về các loại thuốc mà mình đã sử dụng hoặc đang dùng trong thời gian gần đây, để tránh gây ra sự tương tác thuốc làm giảm hiệu quả hoặc làm tăng phản ứng phụ của thuốc.
- Dùng chung với các thuốc bổ sung sắt và thực phẩm có chứa sắt, Antacid ( chứa nhôm hoặc magnesi) sẽ gây phản ứng phụ làm giảm khả năng hấp thu thuốc. Do vậy mà người bệnh nên uống Cefdinir trước hoặc sau 2 giờ sau khi sử dụng các chế phẩm trên.
- Probencid: Khi sử dụng cùng với nhau sẽ làm tăng hấp thu thuốc Cadicefdin và kéo dài thời gian bán thải thuốc.
- Abacavir, Acetaminophen, Aceclofenac, Acemetacin: Cefdinir có thể làm giảm tốc độ bài tiết của các thuốc trên, điều này có thể dẫn đến nồng độ trong huyết thanh cao hơn.
- Abciximab: Hiệu quả điều trị của Abciximab có thể bị giảm khi dùng kết hợp với Cefdinir.
- Acenocoumarol: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của chảy máu có thể tăng lên khi Cefdinir được kết hợp với Acenocoumarol
- Acetazolamide: Acetazolamide có thể làm tăng tốc độ bài tiết của Cefdinir. Điều này có thể làm giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh và có khả năng làm giảm hiệu quả của thuốc
- Axit acetylsalicylic: Sự bài tiết của Cefdinir có thể bị giảm khi kết hợp với axit Acetylsalicylic
- Acyclovir: Sự bài tiết của Cefdinir có thể bị giảm khi kết hợp với Acyclovir.
- Alteplase: Hiệu quả điều trị của Alteplase có thể giảm khi dùng kết hợp với Cefdinir.
Thuốc Cadicefdin có thành phần chính là Cefdinir là một loại kháng sinh bán tổng hợp, phổ rộng thuộc thế hệ thứ 3 của nhóm cephalosporin. Thuốc có hiệu quả sử dụng trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thông thường ở tai, xoang, họng, phổi và da. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.