Thuốc Rinedif 300 mg được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là Cefdinir. Thuốc được sử dụng trong điều trị tình trạng nhiễm trùng gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm.
1. Công dụng của thuốc Rinedif 300 mg
Thuốc Rinedif 300 mg công dụng là gì? Thành phần chính của thuốc là Cefdinir - kháng sinh cephalosporin thế hệ 3. Đây là kháng sinh có nhân cephem, không bị ảnh hưởng bởi các loại men beta-lactamase, có hoạt tính kháng khuẩn rộng, chống lại các chủng vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương. Cơ chế tác dụng của Cefdinir là ức chế sự tổng hợp của thành tế bào vi khuẩn, từ đó tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả.
Chỉ định sử dụng thuốc Rinedif 300 mg: Điều trị nhiễm trùng gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm:
- Viêm amidan, viêm họng;
- Viêm phế quản, viêm phổi cấp, các đợt cấp trong viêm phế quản mạn tính;
- Nhiễm khuẩn sinh dục, tiết niệu;
- Viêm xoang, viêm tai giữa cấp tính;
- Bệnh lậu không có biến chứng;
- Nhiễm khuẩn sản - phụ khoa;
- Nhiễm khuẩn da và các tổ chức mô mềm;
- Dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Rinedif 300 mg:
- Người bị dị ứng với thành phần của thuốc hoặc kháng sinh nhóm cephalosporin.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Rinedif 300 mg
Cách dùng: Đường uống. Không nên dùng thuốc Rinedif 300 mg cùng với bữa ăn.
Liều dùng:
- Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng: Dùng liều 300mg/lần x 2 lần/ngày, điều trị trong 10 ngày;
- Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: Dùng liều 300mg/lần x 2 lần/ngày hoặc 600mg/lần, điều trị trong 10 ngày;
- Viêm xoang cấp tính: Dùng liều 300mg/lần x 2 lần/ngày hoặc 600mg/lần, điều trị trong 10 ngày;
- Viêm hầu họng/viêm amidan: Dùng liều 300mg/lần x 2 lần/ngày hoặc 600mg/lần, điều trị trong 5 - 10 ngày;
- Viêm da và cấu trúc da: Dùng liều 300mg/lần x 2 lần/ngày, điều trị trong 10 ngày;
- Bệnh nhân suy thận có creatinin 30ml/phút: Dùng liều 300m/lần/ngày;
- Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo: Dùng liều 300mg/ngày hoặc 7mg/kg tại thời điểm kết thúc mỗi đợt chạy thận, dùng 1 liều cách ngày.
Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Rinedif 300 mg thì bệnh nhân nên uống ngay khi nhớ ra. Nếu thời điểm đã gần tới lúc dùng liều tiếp theo thì bạn bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo như kế hoạch.
Quá liều: Hiện chưa có thông tin về tình trạng quá liều Cefdinir (thành phần chính của thuốc Rinedif 300 mg). Các triệu chứng ngộ độc quá liều kháng sinh beta-lactam gồm buồn nôn, ói mửa, co giật, tiêu chảy,... Việc thẩm phân máu có thể làm giảm nồng độ của Cefdinir trong cơ thể. Có thể sử dụng phương pháp thẩm phân nếu bệnh nhân quá liều nặng, đặc biệt là người bệnh suy thận nặng.
3. Tác dụng phụ của thuốc Rinedif 300 mg
Khi sử dụng thuốc Rinedif 300 mg, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Tiêu chảy, nhiễm nấm Candida âm đạo;
- Đau bụng, buồn nôn, viêm ruột màng giả
- Phản ứng quá mẫn: Dị ứng ở dạng phát ban, nổi mề đay, ngứa da.
Người bệnh nên báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Rinedif 300 mg để được tư vấn, nhận lời khuyên phù hợp.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Rinedif 300 mg
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Rinedif 300 mg:
- Trước khi bắt đầu điều trị với Cefdinir, cần đánh giá kỹ về tiền sử dị ứng của bệnh nhân với penicilin và các cephalosporin khác (do có tình trạng quá mẫn chéo giữa các kháng sinh nhóm beta-lactam). Nếu xảy ra quá mẫn, nên ngưng dùng thuốc. Trường hợp quá mẫn nặng cần điều trị hỗ trợ (sử dụng epinephrin, thở oxy, corticosteroid, kháng histamin);
- Đã có báo cáo về tình trạng tiêu chảy do Clostridium difficile ở hầu hết các trường hợp sử dụng kháng sinh (bao gồm cả Cefdinir). Người bệnh có thể bị tiêu chảy nhẹ hoặc viêm đại tràng giả mạc dẫn tới tử vong. Lý do là vì điều trị bằng kháng sinh Cefdinir gây mất cân bằng hệ vi sinh ở đại tràng, khiến Clostridium difficile phát triển quá mức. Các siêu độc tố mà Clostridium difficile tiết ra gây tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do kháng sinh, phải cắt bỏ đại tràng. Do đó, nên theo dõi biểu hiện tiêu chảy của người bệnh trong quá trình dùng thuốc;
- Sử dụng Cefdinir dài ngày có thể gây phát triển quá mức các chủng vi khuẩn đề kháng;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Rinedif 300 mg ở bệnh nhân có tiền sử viêm đại tràng;
- Có thể cần giảm liều dùng thuốc Rinedif 300 mg ở người bệnh suy thận (có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút). Nên theo dõi chức năng thận và máu của người bệnh trong khi điều trị, đặc biệt là nếu dùng thuốc trong thời gian dài với liều cao;
- Chỉ sử dụng thuốc Rinedif 300 mg thật cần thiết trong thời gian mang thai và cho con bú, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
5. Tương tác thuốc Rinedif 300 mg
Một số tương tác thuốc của Rinedif 300 mg gồm:
- Sử dụng đồng thời Cefdinir (thành phần chính của thuốc Rinedif 300 mg) với thuốc kháng acid có chứa nhôm hoặc magie sẽ làm giảm hấp thu Cefdinir. Nếu cần phải sử dụng thuốc kháng acid trong khi điều trị với Cefdinir thì nên uống Cefdinir ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi dùng thuốc kháng acid;
- Khi sử dụng thuốc Cefdinir cùng với các thuốc bổ sung sắt hoặc vitamin thì tác dụng của Cefdinir sẽ bị giảm đi. Do đó, nên uống Cefdinir ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi uống sắt, thuốc bổ sung vitamin,...
Trước khi sử dụng thuốc Rinedif 300 mg, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng và các bệnh, vấn đề dị ứng mà bản thân mắc phải để có hướng tư vấn kịp thời.
Thuốc Rinedif 300 mg được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là Cefdinir. Thuốc được sử dụng trong điều trị tình trạng nhiễm trùng gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn và nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.