Blocadip là thuốc được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp. Có thể dùng Blocadip đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn bêta để có thể mang đến hiệu quả tốt nhất.
1. Thuốc Blocadip là thuốc gì?
Blocadip 10 và Blocadip 20 có chứa thành phần chính là Lercanidipin hydroclorid hàm lượng 10mg hoặc 20mg. Lercanidipin vốn là thuốc chẹn kênh calci thuộc họ Dihydropyridin cho khả năng ức chế dòng calci vào cơ trơn và cơ tim. Cơ chế tác động của hoạt chất này là làm giãn cơ trơn mạch máu, qua đó làm giảm tổng kháng lực ngoại biên.
Điểm đáng chú ý là tác dụng giãn mạch của Lercanidipine xuất hiện từ từ, bởi vậy mà thông thường các trường hợp tụt huyết áp kèm nhịp tim nhanh phản xạ hiếm xảy ra ở người tăng huyết áp.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Blocadip
2.1. Chỉ định thuốc Blocadip
Sử dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp vô căn, Blocadip có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc khác trong điều trị tăng huyết áp.
2.2. Chống chỉ định thuốc Blocadip
Thuốc Blocadip chống chỉ định trong những trường hợp:
- Bệnh nhân mẫn cảm với các thành phần của thuốc hoặc các thuốc thuộc nhóm Dihydropyridine.
- Người thường xuyên đau thắt ngực không ổn định.
- Người bị nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tháng, suy tim không kiểm soát được, tắc nghẽn dòng máu từ tim.
- Bệnh nhân bị suy thận nặng (Clcr < 10 ml/phút), bao gồm cả những bệnh nhân đang lọc máu.
- Bệnh nhân thẩm phân phúc mạc, mắc suy gan nặng, suy tim sung huyết không được điều trị.
- Chống chỉ định Blocadip cho trẻ < 18 tuổi.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Blocadip
Uống Blocadip ngày 1 viên vào một thời điểm nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng trước khi ăn khoảng 15 phút. Nên nuốt viên thuốc nguyên vẹn với nước, tuyệt đối không bẻ đôi hay nghiền nhỏ thuốc. Uống thuốc với nước lọc, không được uống với nước ép bưởi.
4. Tác dụng phụ thuốc Blocadip
Việc sử dụng Blocadip có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Tác dụng phụ thường gặp: Đỏ bừng mặt, phù ngoại biên, đánh trống ngực, đau đầu, chóng mặt.
- Tác dụng phụ ít gặp: Rối loạn tiêu hóa, tăng thể tích nước tiểu, đi tiểu nhiều lần, phát ban, mệt mỏi, buồn ngủ, có cảm giác đau cơ.
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Huyết áp hạ quá mức.
5. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của Blocadip hoặc gia tăng nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Do đó, bạn cần thông báo cho bác sĩ danh sách những thuốc đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng), đặc biệt là khi đang dùng các loại thuốc sau:
- Thuốc trị động kinh Phenytoin hoặc Carbamazepin.
- Thuốc trị bệnh lao Rifampicin.
- Thuốc ngủ Midazolam.
- Thuốc trị loét dạ dày, khó tiêu, ợ nóng Cimetidine.
- Thuốc điều trị bệnh tim nổi bật là Digoxin.
- Thuốc dị ứng Terfenadine hoặc astemizol.
- Thuốc điều trị nhịp tim nhanh Amiodarone hoặc quinidin.
- Thuốc để điều trị huyết áp cao Metoprolol.
- Thuốc trị cholesterol cao Simvastatin.
6. Thận trọng khi dùng thuốc Blocadip
- Với những bệnh nhân suy tim, thay đổi chức năng thất trái, cần đặc biệt theo dõi tình trạng huyết động khi sử dụng Blocadip.
- Thận trọng khi dùng Blocadip ở những bệnh nhân bị hội chứng xoang bệnh lý, bệnh mạch vành.
- Thận trọng khi dùng thuốc Blocadip cho các bệnh nhân có bệnh gan, thận từ nhẹ đến trung bình hay đang thẩm phân.
- Chú ý uống thuốc đúng liều bởi việc dùng thuốc Blocadip quá liều dễ dẫn đến giãn mạch ngoại vi quá mức, từ đây dẫn đến hạ huyết áp rõ rệt và nhịp tim nhanh phản xạ. Một số dấu hiệu khác liên quan đến các trường hợp quá liều là chóng mặt, nhức đầu và đánh trống ngực. Lúc này, bệnh nhân cần được cấp cứu tại các cơ sở y tế ngay lập tức.
- Nếu quên liều, bạn hoàn toàn có thể uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên không uống Blocadip nếu đã đến gần liều tiếp theo, không dùng liều gấp đôi để bù liều đã quên.
Những thông tin cơ bản về thuốc Blocadip trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.