Thuốc Telmisartan: Công dụng, liều dùng và lưu ý tác dụng phụ

Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Lê Trang - Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Telmisartan ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II, làm mất tác dụng của angiotensin II, do đó có tác dụng giãn mạch, đồng thời giảm aldosterone gây tăng thải Natri, từ đó làm giảm huyết áp.

1. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc

Chỉ định:

Điều trị tăng huyết áp vô căn, phòng ngừa bệnh lý và tử vong do tim mạch ở người bệnh từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ cao bệnh lý tim mạch (bệnh mạch vành, bệnh lý động mạch ngoại biên, đái tháo đường, tiền sử đột quỵ, thiếu máu não cục bộ thoáng qua).

Chống chỉ định :

Mẫn cảm với thuốc; bệnh lý tắc nghẽn đường mật, suy gan nặng

2. Thận trọng

Phụ nữ đang có dự định mang thai; hẹp động mạch thận, suy thận, ghép thận; giảm thể tích tuần hoàn, suy tim sung huyết nặng, hẹp động mạch chủ; sử dụng đồng thời các thuốc có ảnh hưởng tới hệ renin-angiotensin-aldosterone, tăng aldosterone nguyên phát; tăng kali máu.


Cần thận trọng khi phối hợp với một số loại thuốc khác
Cần thận trọng khi phối hợp với một số loại thuốc khác

3. Dạng bào chế và hàm lượng

Dạng đơn thành phần: Viên nén Micardis 40mg, 80mg.

Dạng phối hợp: Viên nén Twynsta (amlodipine/ telmisartan) 5 mg/40 mg, 5 mg/80 mg; Micardis Plus (telmisartan/ hydrochloro thiazide) 40/12,5mg.

4. Liều dùng – cách dùng

Dùng đường uống.

Người lớn:

- Tăng huyết áp vô căn: Khởi đầu 40 mg/ngày, duy trì: 20 - 80 mg/ngày. Liều trên 80 mg không làm tăng thêm hiệu quả lâm sàng.

- Dự phòng bệnh lý tim mạch ở người trên 55 tuổi: 80 mg/ngày.

Trẻ em: Không đủ thông tin về an toàn và hiệu quả khi dùng cho trẻ dưới 18 tuổi


Phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ
Phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ

5. Tác dụng không mong muốn và chú ý khi sử dụng

Thường gặp: Chóng mặt, đau đầu, tăng kali máu.

Ít gặp: Hạ huyết áp sau liều đầu tiên, ban đỏ, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan, đau cơ, chuột rút, đau lưng, mất ngủ, giảm Hb, suy thận, viêm họng, nghẹt mũi.

Hiếm gặp: Ho, mày đay, phù mạch, viêm gan, rối loạn vị giác, đau nửa đầu.

Nên nằm hoặc ngồi dậy từ từ sau khi uống thuốc để tránh chóng mặt. Kiểm tra chức năng thận và điện giải thường xuyên trong quá trình sử dụng

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe