Bisepthabi là thuốc kháng sinh điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn. Thuốc có thành phần chính là Sulfamethoxazol 400mg; Trimethoprim 80 mg. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn đọc thông tin thuốc Bisepthabi công dụng gì?
1. Bisepthabi là thuốc gì?
Thành phần có trong 1 viên thuốc Bisepthabi bao gồm:
- Sulfamethoxazol 400mg.
- Trimethoprim 80mg.
- Tá dược vừa đủ khác.
- Dạng bào chế: Thuốc Bisepthabi được bào chế dưới dạng viên nén.
- Đóng gói: dạng hộp 1 vỉ, 20 vỉ x 20 viên hoặc lọ 200 viên, 500 viên.
Dược lực thuốc bisepthabi:
Hoạt chất chính Sulfamethoxazole là một sulfamid phối hợp với trimethoprim là kháng sinh tổng hợp dẫn xuất pyrimidin, chúng thường phối hợp với nhau theo tỉ lệ 1 trimethoprim và 5 sulfamethoxazol. Chính sự phối hợp này tạo tác dụng hiệp đồng tăng cường làm tăng hiệu quả điều trị và giảm kháng thuốc.
Dược động học thuốc Bisepthabi:
Dược chất Sulfamethoxazole tan trong lipid mạnh và có thể tích phân bố nhỏ hơn trimethoprim. Khi phối hợp Trimethoprim với sulfamethoxazol theo tỉ lệ 1:5 thì sẽ đạt được nồng độ trong huyết tương với tỉ lệ 1:20, đây cũng là tỉ lệ tối ưu cho tác dụng của thuốc.
Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hoá, sinh khả dụng cao, đạt nồng độ trong huyết xấp xỉ đường tiêm tĩnh mạch.
Thuốc phân bố rộng rãi vào các mô và dịch cơ thể cả dịch não tuỷ.
Thuốc được chuyển hoá ở gan và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu ở dạng nguyên vẹn và dạng đã chuyển hoá. Thời gian bán thải của thuốc từ 9 - 11 giờ ở người bình thường và kéo dài hơn ở bệnh nhân suy thận.
Tác dụng của thuốc Bisepthabi:
Bisepthabi có phổ kháng khuẩn rộng, tác dụng lên nhiều vi khuẩn ưa khí gram âm và dương bao gồm: Staphylococcus, Neisseria gonorrhoeae, Neisseria meningitidis, Streptococcus, Legionella pneumophila, E. coli, Salmonella, Shigella, Enterobacter, Proteus mirabilis, Proteus indol dương tính, Klebsiella, Haemophilus influenzae,...
Cơ chế tác dụng của thuốc: bisepthabi có cấu trúc tương tự acid para aminobenzoic (PABA). Nó cạnh tranh với PABA nhờ có ái lực cao với dihydropteroate synthetase (ức chế giai đoạn I của quá trình tổng hợp acid folic của vi khuẩn).
2. Chỉ định dùng thuốc Bisepthabi
- Điều trị phổ rộng các trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram (-), Gram (+), đặc biệt đối với nhiễm lậu cầu, nhiễm trùng đường tiết niệu cấp không biến chứng và bệnh nhân bị viêm phổi do Pneumocystis carinii.
- Nhiễm khuẩn do có vi khuẩn nhạy cảm với sulfamethoxazole và trimethoprim.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: tiểu buốt, rắt,...
- Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: viêm mũi họng, viêm amidan, viêm phổi.
- Viêm phế quản cấp trên nền mạn tính.
- Viêm xoang mủ cấp ở người lớn.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: Lỵ trực khuẩn.
3. Liều lượng - Cách dùng thuốc bisepthabi
Tùy vào từng đối tượng bệnh nhân, tuổi tác, tình trạng bệnh, phương thức sử dụng thuốc,... sẽ có liều dùng khác nhau. Tuân thủ theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Trước khi dùng thuốc bisepthabi, bạn cũng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi sử dụng để có kiến thức về thuốc.
Liều dùng trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, thuốc được kê đơn bởi bác sĩ và liều dùng cụ thể phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và khả năng đáp ứng khi dùng thuốc Bisepthabi. Người bệnh hãy tuân thủ đúng liều dùng theo chỉ định.
Liều dùng bisepthabi cho người lớn:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: liều điều trị trong 10 ngày: Uống mỗi lần 1 - 2 viên 480mg, chia ngày 2 lần.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: liều điều trị trong 10 ngày: Uống mỗi lần 1 - 2 viên 480mg, chia ngày 2 - 3 lần.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: lỵ trực khuẩn: liều điều trị trong 5 ngày. Uống mỗi lần 1 - 2 viên 480mg, chia ngày 2 lần.
4. Chống chỉ định dùng thuốc Bisepthabi
- Không sử dụng thuốc Bisepthabi đối với các trường hợp có tiền sử hoặc bị phát hiện dị ứng, hay phản ứng quá mẫn với thành phần hoạt chất Sulfamethoxazole, Trimethoprim hoặc bất cứ thành phần hoạt chất, tá dược nào khác có trong thuốc.
- Chống chỉ định với bệnh nhân suy gan, suy thận nặng.
- Chống chỉ định dùng thuốc cho phụ nữ có thai.
5. Tương tác thuốc bisepthabi
Tương tác thuốc Bisepthabi có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ.
Vì vậy, bạn hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tất cả các loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, vitamin, khoáng chất, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thảo dược và các loại thuốc do các bác sĩ khác kê đơn để có thể nhận được tư vấn và chỉ định chính xác. Chú ý các tương tác giữa thuốc Bisepthabi với thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, methotrexate, pyrimethamin,warfarin, phenytoin, thuốc hạ đường huyết, cyclosporin, indomethacin.
Ngoài ra, thức ăn, rượu bia và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng chúng khi dùng thuốc Bisepthabi.
6. Tác dụng phụ của thuốc Bisepthabi
Trong quá trình dùng thuốc Biépthabi, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn hay gặp như:
- Đau bụng; tiêu chảy.
- Viêm miệng.
- Phản ứng ngoài da.
- Đau đầu.
- Rối loạn tiêu hoá.
- Buồn nôn.
- Nổi mẩn da.
- Hội chứng Stevens - Johnson, Lyell.
- Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu.
Bạn cần dừng thuốc và báo cho bác sĩ khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng thuốc Bisepthabi.
7. Xử lý khi quá liều, quên liều Bisepthabi
Khi quá liều thuốc bạn sẽ có những biểu hiện: Chán ăn, buồn nôn, nôn, đau đầu, bất tỉnh. Rối loạn huyết học, vàng da, ức chế tủy.
Xử trí:
- Gây nôn, rửa dạ dày và acid hóa nước tiểu để tăng đào thải Trimethoprim.
- Nếu có dấu hiệu ức chế tủy, người bệnh cần sử dụng Acid Folic 5 - 15mg/ ngày cho đến khi hồi phục tạo máu.
Khi bạn quên liều thuốc: Thông thường, bisepthabi có thể uống trong khoảng 1 - 2 giờ so với quy định trong đơn thuốc.
Xử trí:
- Nếu thời gian uống thuốc bị quên quá xa thời điểm cần uống thì không nên uống bù có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Cần thực hiện đúng chỉ định hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc bisepthabi.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Bisepthabi, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Bisepthabi là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.