Atussin siro là thuốc trị ho do viêm phổi, viêm phế quản, ho gà, ho do cảm cúm hoặc cảm lạnh thông thường,... Thuốc có thể sử dụng cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên cần đảm bảo tuân thủ theo đúng liều lượng khuyến cáo bởi bác sĩ.
1. Atussin siro là thuốc gì?
Thuốc Atussin siro thường được chỉ định để điều trị các tình trạng viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản, ho do cảm cúm, ho gà, viêm thanh quản,... Thuốc được bào chế dưới dạng siro, phù hợp với cả trẻ sơ sinh và trẻ em. Trong mỗi muỗng cà phê Atussin siro (tương đương 5 ml) có chứa các thành phần chính sau đây:
- Dextromethorphan HBr với hàm lượng 5 mg;
- Glyceryl Guaiacolate với hàm lượng 50 mg;
- Clorpheniramin với hàm lượng 1.33 mg;
- Sodium Citrate Dihydrate với hàm lượng 133 mg;
- Ammonium chlorure với hàm lượng 50 mg;
- Phénylpropanolamine chlorhydrate với hàm lượng 8.3 mg.
Ngoài ra, Atussin siro còn chứa các thành phần và tá dược khác như:
- Povidone;
- Lactose;
- Natri Starch Glycolate;
- Starch;
- DC Yellow 10, FDC Blue 1;
- Magnesium Stearate.
2. Cơ chế hoạt động của các thành phần trong thuốc ho Atussin siro
*Thành phần Dextromethorphan HBr
Giúp giảm ho nhờ cơ chế tác động lên trung tâm ho ở hành não. Hoạt chất này mang lại hiệu quả cao nhất trong điều trị các trường hợp ho không có đờm hay mãn tính. Thông thường, tác dụng chống ho của Dextromethorphan HBr kéo dài lên đến 5 – 6 giờ đồng hồ.
*Thành phần Chlorpheniramine maleate
Chlorpheniramine maleate là một loại thuốc kháng histamine ít mang lại tác dụng an thần. Hoạt chất này có khả năng chống sản xuất acetylcholine và kháng histamine bằng cách phong bế cạnh tranh giữa các thụ thể H1 của những tế bào tác động.
*Một số hoạt chất khác
Sodium citrate trong thuốc Atussin siro là chất lòng đàm, có khả năng giữ ẩm và giúp duy trì độ pH. Trong khi đó, thành phần ammonium chloride giúp kích thích màng nhầy và làm long đàm ở những bệnh nhân ho do viêm phế quản, cúm, viêm phổi,... Một hoạt chất khác là glyceryl guaiacolate cũng có tác dụng long đàm nhờ vào khả năng giảm bớt tính nhớt của màng nhầy.
3. Chỉ định và công dụng của thuốc Atussin siro
3.1. Chỉ định sử dụng thuốc Atussin siro
Thuốc Atussin siro được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp có triệu chứng ho bắt nguồn từ những nguyên nhân như: Viêm khí – phế quản, cúm, viêm họng, hút thuốc lá nhiều, viêm phổi, làm việc và sinh hoạt trong điều kiện môi trường có tác nhân kích thích cơn ho.
3.2. Công dụng của thuốc Atussin siro
Atussin siro là loại thuốc trị ho không gây nghiện, có công dụng làm long đàm và giãn phế quản. Thuốc ho Atussin siro điều trị long đàm theo 3 hướng, bao gồm ho dị ứng – ho khan – ho có đàm.
Nhờ vào khả năng làm tăng dịch tiết trong đường hô hấp, siro ho Atussin giúp làm lỏng các chất đàm quẹo dính một cách hiệu quả, đồng thời giúp tống xuất dễ dàng hơn đàm và các chất tiết khác của phế quản. Tác dụng này không chỉ giúp làm long đàm nhanh chóng mà còn làm dịu sự kích ứng của các hành lang hô hấp.
Theo nghiên cứu, tác dụng của thành phần dextromethorphan trong thuốc Atussin siro có hiệu lực tương tự như Codein, tuy nhiên không gây nghiện và ít các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Nhờ đó, thuốc Atussin siro giúp kiểm soát được mức độ trầm trọng và tần số của cơn ho, đồng thời hỗ trợ cả 2 lá phổi phục hồi được khả năng tự làm sạch.
Mặt khác, tác dụng làm giãn phế quản, chống sung huyết của Atussin siro cũng rất cần thiết cho việc kiềm chế và làm giảm cơn ho. Công dụng này chủ yếu đến từ thành phần clorpheniramin – thuốc thuộc nhóm kháng histamine, giúp ức chế tác dụng của histamine, từ đó làm giảm các phản ứng dị ứng, ngứa mũi họng, cảm lạnh thông thường hoặc viêm mũi dị ứng.
4. Chống chỉ định sử dụng thuốc Atussin siro cho những trường hợp nào?
Thuốc Atussin siro không nên sử dụng đối với những trường hợp dưới đây:
- Người bị dị ứng hoặc có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong công thức thuốc, bao gồm cả hoạt chất và tá dược.
- Chống chỉ định với những bệnh nhân đang sử dụng các chất ức chế monoamine oxidase hoặc nhạy cảm với các thành phần trong thuốc.
- Không sử dụng thuốc đối với những người bị suy giảm chức năng hô hấp, hen phế quản hoặc glaucom góc hẹp.
- Không dùng thuốc cho những bệnh nhân bị tắc môn vị - tá tràng, loét dạ dày chít hoặc ứ nước tiểu do rối loạn niệu đạo – tuyến tiền liệt.
5. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Atussin siro
5.2. Liều dùng thuốc Atussin siro
Thuốc trị ho Atussin siro được chỉ định sử dụng cho người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với liều dùng tương ứng theo khuyến cáo sau đây:
- Liều dành cho trẻ sơ sinh: Mỗi liều uống từ 1.25 – 2.5 ml (tương đương 1/4 – 1/2 thìa cà phê siro).
- Liều dành cho trẻ từ 2 – 6 tuổi: Mỗi liều uống 5 ml (tương đương 1 thìa cà phê siro).
- Liều dành cho trẻ từ 7 – 12 tuổi: Mỗi liều uống 10 ml (tương đương 2 thìa cà phê siro).
- Liều dành cho trẻ > 12 tuổi và người trưởng thành: Mỗi liều uống 15 ml (tương đương 1 thìa canh siro).
Khoảng cách giữa các liều uống thường từ 6 – 8 tiếng, sử dụng 3 – 4 lần / ngày tùy thuộc vào mức độ ho của người bệnh. Nhằm đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị các tình trạng ho do nhiều nguyên nhân khác nhau, người bệnh nên tuân thủ đúng chế độ liều cũng như thời gian uống thuốc phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
5.2. Cách sử dụng thuốc Atussin siro
Trước khi sử dụng thuốc Atussin siro, người bệnh nên kiểm tra kỹ dán nhãn về những hướng dẫn dùng thuốc để thực hiện một cách chính xác. Bạn nên đo liều thuốc cẩn thận bằng thìa chuyên dụng hoặc thiết bị đo đặc biệt. Bạn nên tránh sử dụng thìa ăn trong gia đình nhằm tránh đo sai liều thuốc.
6. Cần làm gì khi sử dụng quá liều hoặc quên liều thuốc Atussin siro?
6.1. Cách xử lý khi sử dụng quá liều thuốc trị ho Atussin siro
Trong trường hợp dùng quá liều thuốc và nhận thấy có các triệu chứng đáng chú ý như: Bí tiểu, ảo giác, buồn nôn, nôn mửa, rung giật nhãn cầu, nhìn mờ, co giật, suy hô hấp, cơn động kinh, kích thích thần kinh trung ương, phản ứng loạn trương lực, loạn nhịp tim, trụy tim mạch,... người bệnh cần nhanh chóng gọi ngay cho trung tâm cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất tại địa phương để được xử lý sớm.
Tình trạng quá liều thuốc Atussin siro kèm theo các triệu chứng có thể được điều trị bằng những biện pháp sau:
- Điều trị hỗ trợ bằng cách tiêm tĩnh mạch naloxone 2mg, sau đó nhắc lại với liều tổng hợp 10 mg trong trường hợp cần thiết.
- Rửa dạ dày hoặc thúc nôn bằng cách sử dụng ipecacuanha siro; sau đó hạn chế cơ thể người bệnh hấp thu thuốc bằng than hoạt và thuốc tẩy.
- Điều trị tích cực đối với trường hợp dùng quá liều atussin siro gây loạn nhịp tim và hạ huyết áp.
- Điều trị triệu chứng co giật bằng phenytoin tiêm tĩnh mạch hoặc thuốc Diazepam.
- Truyền máu đối với những bệnh nhân gặp triệu chứng quá liều nghiêm trọng.
6.2. Cách xử lý khi bỏ quên một liều thuốc trị ho Atussin siro
Trong trường hợp quên một liều thuốc Atussin siro, người bệnh cần sử dụng ngay khi nhớ ra vào thời điểm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu quá gần với thời gian dùng liều kế tiếp, bạn nên bỏ qua liều quên và dùng thuốc theo đúng lịch trình chỉ định của bác sĩ. Không uống bù gấp đôi liều vì nó có thể gây quá liều thuốc và dẫn đến các triệu chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
7. Một số tác dụng phụ của thuốc trị ho Atussin siro
Khi điều trị cơn ho bằng thuốc Atussin siro, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn, điển hình như rối loạn thần kinh trung ương, rối loạn tiêu hóa và một số triệu chứng tâm thần ở mức độ nhẹ. Nhìn chung, các tác dụng phụ này có xu hướng giảm và cải thiện dần sau một vài ngày.
Ngoài những tác dụng phụ trên, người bệnh cũng có thể có các biểu hiện sau khi dùng thuốc như:
- Mệt mỏi, đau nhức đầu, chóng mặt;
- Nhịp tim nhanh kèm tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa;
- Nổi mề đay hoặc phản ứng đỏ bừng trên da;
- Khô miệng;
- Buồn ngủ mức độ nhẹ, ngủ gà.
Không phải bất kỳ đối tượng nào cũng gặp phải những tác dụng phụ được liệt kê ở trên. Thực tế, vẫn còn một số tác dụng phụ ít gặp khác không được đề cập đến. Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn gì về tác dụng phụ của thuốc Atussin siro, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
8. Thận trọng và một số cảnh báo khi sử dụng thuốc Atussin siro
Trước khi sử dụng thuốc Atussin siro, bạn cần báo cáo với bác sĩ nếu:
- Đang mang thai/ cho con bú;
- Đang sử dụng các loại thuốc khác, bao gồm thuốc không kê đơn và kê đơn, thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm thảo dược;
- Bị dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ hoạt chất hay thành phần nào của thuốc;
- Đang mắc các rối loạn hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác.
Thuốc atussin siro có thể tác động lên hệ thần kinh và gây ra những triệu chứng như ngủ gật, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ,... Do đó, người bệnh cần thận trọng khi quyết định sử dụng thuốc, đặc biệt là các đối tượng có đặc điểm nghề nghiệp cần sự tập trung cao độ như kỹ thuật, vận hành máy móc hoặc lái xe.
Ngoài ra, những người hút thuốc bị ho mãn tính, ho nhiều đàm, hen suyễn, suy hô hấp hoặc tràn khí phổi cũng nên thận trọng khi sử dụng thuốc Atussin siro. Trường hợp người bệnh là trẻ em bị dị ứng cũng cần lưu ý trước khi sử dụng thuốc ho Atussin dạng siro.
Một số loại thuốc có thể tương tác với Atussin siro và làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc dễ dẫn đến các tác dụng phụ, bao gồm:
- Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng.
- Các chất ức chế monoamine oxidase (IMAO).
Cả 2 loại thuốc trên khi sử dụng phối hợp với Atussin siro có thể làm tăng và kéo dài tác dụng anticholinergic, đồng thời làm gia tăng tác dụng an thần của nhóm thuốc kháng histamine. Tốt nhất, người bệnh nên lên danh sách các loại thuốc bản thân đang sử dụng và báo cho bác sĩ biết. Tránh tự ý sử dụng, thay đổi liều hoặc ngưng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Thuốc Atussin siro cần được bảo quản ở nơi có nhiệt độ < 30 độ C, tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp từ mặt trời và những khu vực có nhiệt độ cao như nóc tủ lạnh hoặc ti vi. Thuốc trị ho atussin dạng siro cũng nên để ở xa tầm tay trẻ em hoặc thú nuôi trong nhà nhằm tránh các rủi ro không đáng có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.