Thuốc Apiryl 1 có thành phần chính là glimepiride hàm lượng 1mg. Đây là hoạt chất thuộc nhóm sulfonylurea có tác dụng hạ đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Hãy tìm hiểu những thông tin hữu ích về thuốc Apiryl 1 thông qua bài viết dưới đây các bạn nhé!
1. Thuốc Apiryl 1 có công dụng gì?
Hoạt chất glimepiride có trong Apiryl 1 là chất có khả năng hạ đường huyết thông qua cơ chế kích thích làm tăng giải phóng insulin ở tuyến tụy. Cụ thể, glimepiride liên kết với các thụ thể ở màng tế bào beta đảo tụy, làm đóng kênh kali. Việc đóng kênh kali phụ thuộc ATP dẫn đến sự khử cực ở màng và mở kênh calci. Nồng độ ion calci nội bào tăng làm kích thích tế bào beta giải phóng insulin. Đây chính là chất đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì cân bằng đường huyết cho cơ thể.
Ngoài ra, glimepiride cũng có khả năng làm tăng độ nhạy cảm của các thụ thể ở ngoại vi với insulin, đồng thời làm tăng số lượng các chất chuyên chở glucose qua màng tế bào. Chính những tác dụng này cũng góp phần làm hạ đường huyết ở bệnh nhân bị tiểu đường.
Từ cơ chế tác dụng như trên, thuốc Apiryl 1 thường được bác sĩ chỉ định để điều trị cho bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 khi không thể kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Ngoài ra, Apiryl 1 còn được sử dụng trong các phác đồ điều trị kết hợp với insulin, hoặc với metformin, hoặc với glitazone.
2. Cách dùng và liều dùng của thuốc Apiryl 1
Liều dùng của Apiryl 1 phụ thuộc vào mức độ bệnh của bệnh nhân. Thông thường, liều khởi đầu khuyến cáo là 1mg/ngày. Sau từ 1 đến 2 tuần, nếu lượng glucose trong máu vẫn chưa được kiểm soát thì tăng thêm 1mg/ngày, cho đến khi kiểm soát được đường huyết. Liều dùng tối đa của Apiryl là 8mg/ngày.
Đa số các trường hợp bệnh nhân có đáp ứng trong khoảng liều từ 1 - 4 mg/ngày. Ít bệnh nhân sử dụng tới liều 6 - 8 mg/ngày.
Về cách dùng thuốc Apiryl 1:
- Nên uống thuốc 1 lần mỗi ngày, vào thời điểm trước hoặc trong bữa ăn sáng.
- Không nhai hoặc bẻ viên thuốc.
- Nếu bệnh nhân quên uống 1 liều, không uống bù liều quên vào liều tiếp theo vì như vậy sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức ở bệnh nhân.
Một số trường hợp sau đây cần có sự hiệu chỉnh liều Apiryl 1:
- Nếu bệnh nhân chỉ uống 1 viên Apiryl mà xuất hiện các triệu chứng của hạ đường huyết quá mức như chóng mặt, da tái xanh, vã mồ hôi, mệt đột ngột,... thì người bệnh đó có thể điều trị bằng việc thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập, không cần sử dụng đến thuốc.
- Thường xuyên xét nghiệm kiểm tra đường huyết trong quá trình điều trị bằng thuốc Apiryl 1, nếu bệnh nhân đáp ứng tốt, bệnh được kiểm soát rõ rệt thì cân nhắc để giảm liều dùng cho bệnh nhân.
- Trong quá trình điều trị, nếu cân nặng và sinh hoạt của bệnh nhân thay đổi, cần báo ngay với bác sĩ để có sự điều chỉnh thích hợp.
- Bệnh nhân bị suy chức năng thận có hệ số creatinin dưới 22 ml/phút chỉ nên dùng thuốc Apiryl với liều 1mg/ngày.
3. Chống chỉ định của thuốc Apiryl 1
Không sử dụng thuốc Apiryl 1 cho các đối tượng sau:
- Bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 (hay còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin)
- Bệnh nhân bị hôn mê, tiền hôn mê hoặc bị nhiễm acid-ceton do đái tháo đường gây ra.
- Người đang có thai hoặc có ý định mang thai.
- Người có tiền sử dị ứng với glimepiride hoặc các thuốc thuộc nhóm sufonamid.
4. Những thận trọng khi sử dụng thuốc Apiryl 1
Những thận trọng khi sử dụng thuốc Apiryl 1, đó là:
- Một số bệnh nhân có thể gặp những biểu hiện của tụt đường huyết trong quá trình điều trị với Apiryl 1. Ở trường hợp nhẹ, người bệnh bị mệt lả, run rẩy, chóng mặt, da lạnh, tim đập nhanh, cồn cào, huyết áp tăng,... Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị rối loạn lời nói, rối loạn cảm giác, lú lẫn hoặc hôn mê. Có thể xử trí tại nhà bằng cách cho bệnh nhân uống một cốc nước đường loãng hoặc đưa đến bệnh viện nếu tình hình không thể kiểm soát.
- Mặc dù đang đáp ứng tốt với Apiryl 1 nhưng đường huyết của bệnh nhân vẫn có thể trở nên mất kiểm soát trong trường hợp bị chấn thương, stress, nhiễm trùng, sốt,... Trong trường hợp này, nên cân nhắc phối hợp điều trị với insulin hoặc với các thuốc điều trị tiểu đường khác.
- Bệnh nhân cần sử dụng thuốc Apiryl 1 đều đặn, đúng liều, đúng chỉ dẫn. Việc dùng thuốc thất thường có thể làm giảm sự đáp ứng của bệnh nhân với thuốc.
- Nên định kỳ thực hiện xét nghiệm HbA1c để kiểm tra lượng đường trong máu. Từ đó có sự điều chỉnh liều dùng kịp thời và phù hợp với người bệnh.
- Bệnh nhân cần hiểu rằng, nếu chỉ dựa vào việc điều trị bằng Apiryl 1 thì rất khó để kiểm soát bệnh tiểu đường. Để đạt được sự cân bằng của lượng đường trong máu, người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống khoa học và hợp lý. Nên hạn chế tối đa thực phẩm chứa đường, tinh bột, kết hợp chế độ luyện tập phù hợp với thể trạng. Có như vậy mới đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.
5. Tác dụng phụ của thuốc Apiryl 1
Bệnh nhân sử dụng thuốc Apiryl 1 có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như:
- Đầy tức vùng thượng vị
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Chóng mặt
- Nổi mẩn ngứa
- Tăng men gan
- Da nhạy cảm hơn với ánh sáng
Hy vọng rằng, bài viết trên đây đã giúp các bạn có được những thông tin bổ ích liên quan đến thuốc Apiryl 1. Hãy luôn tuân thủ dùng thuốc đúng khuyến cáo của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.