Được gắn với tên gọi thuốc “bổ gan”, thuốc Apharnax chứa hoạt chất hóa học L-Omithin -L-Aspartat được sử dụng trong nhiều phác đồ điều trị các bệnh lý về gan. Tuy gần đây đã có một vài báo cáo về phản ứng đe dọa tính mạng khi sử dụng chế phẩm tiêm của L-Omithin -L-Aspartat nhưng với các chế phẩm dạng uống như Apharnax vẫn chưa ghi nhận được bất kỳ tác dụng gây nguy hiểm nào.
1. Apharnax là thuốc gì?
Apharnax là một thuốc có dạng viên nang cứng, được biết đến như một loại thuốc “bổ gan” dùng để hỗ trợ các bệnh lý về gan. Thuốc Apharnax chứa hoạt chất L-Omithin -L-Aspartat với hàm lượng 500mg trong mỗi viên cùng với một số tá dược khác như: Lactose, Magnesi stearat, Talc.
L-ornithine-L-aspartate (2,5-Diaminopentanoic Axit 2-Aminobutanedioic) là một chất hóa học được tạo thành từ hai axit amin ornithine và aspartic axit. Hầu hết các axit amin đều được sử dụng như các khối xây dựng để tạo ra protein. Nhưng L-ornithine-L-aspartate thì không, thay vào đó, nó được phân hủy trong cơ thể để cung cấp axit aspartic và ornithine.
L-ornithine-L-aspartate làm tăng nồng độ axit aspartic và ornithine trong cơ thể. Các axit amin này giúp giảm nồng độ của một hóa chất độc hại được gọi là amoniac trong máu.
2. Công dụng thuốc Apharnax là gì?
Thuốc Apharnax được sử dụng phổ biến nhất trong các trường hợp sau:
- Điều trị rối loạn khởi phát trong tiền hôn mê, hôn mê gan hoặc các tình trạng tăng amoniac máu liên quan đến các bệnh lý xơ gan, viêm gan cấp, mạn tính gan nhiễm mỡ, bệnh não gan.
- Hỗ trợ điều trị một số tình trạng bệnh lý ở gan như viêm gan do rượu, viêm gan mạn tính.
Ngoài ra, người ta còn nhận thấy một số tác dụng của L-ornithine-L-aspartate trong thuốc Apharnax như làm giảm nguy cơ tử vong ở những người bị xơ gan, cải thiện hiệu suất tinh thần trong quá trình tập thể dục, làm lành vết thương, bỏng,... Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để sử dụng thuốc cho những mục đích này.
3. Sử dụng thuốc thuốc Apharnax như thế nào?
Người bệnh nên sử dụng Apharnax sau bữa ăn với liều lượng theo sự chỉ định của bác sĩ.
Không dùng thuốc đã quá hạn, vì các thành phần trong thuốc có thể đã thay đổi gây ra nguy hiểm cho người sử dụng.
Hãy báo với bác sĩ nếubạn:
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong thuốc Apharnax.
- Suy giảm chức năng thận nặng.
- Không dung nạp Fructose – sorbitol, nhiễm độc Methanol, nhiễm Acid lactic, thiếu men Fructose 1,6 – diphosphatase.
Hiện chưa có đầy đủ thông tin về tính an toàn khi sử dụng Apharnax cho đối tượng là phụ nữ có thai hoặc cho con bú, vì vậy chỉ sử dụng khi thật cần thiết. Thận trọng khi sử dụng Apharnax cho người lớn tuổi.
Quá liều thuốc Apharnax: chưa có báo cáo về quá liều thuốc. Ngoài ra, hãy báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang hoặc đã sử dụng trong thời gian gần đây kể cả thuốc kê đơn, không kê đơn, thảo dược hay thực phẩm chức năng,... để được tư vấn về các tương tác thuốc có thể xảy ra.
4. Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc Apharnax
Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác dụng phụ của thuốc, tuy nhiên một số phản ứng có hại liên quan đến việc sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất L-Omithin -L-Aspartat đã được báo về Trung tâm DI & ADR Quốc gia như:
- Phản ứng dị ứng với các triệu chứng như phát ban đỏ ở da, ngứa,...
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Nôn
- Sốt, rét run
- Đau bụng
- Tức ngực
Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu hay báo cáo về các tác dụng phụ của Apharnax. Vì vậy, nếu trong quá trình điều trị xảy ra dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ do sử dụng thuốc hãy báo lại ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.