Anthracin được sản xuất bởi Công ty Fresenius kabi Oncology Ltd, thuộc nhóm thuốc chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch. Tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về thuốc Anthracin.
1. Anthracin là thuốc gì?
Thuốc Anthracin có thành phần chính chứa hoạt chất Epirubicin HCl với hàm lượng 50mg/ 25ml, thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền, quy cách đóng gói: Hộp 1 lọ dung tích 25 ml.
2. Chỉ định của thuốc Anthracin
Thuốc Anthracin được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị cho bệnh nhân bị ung thư buồng trứng tiến triển, ung thư vú, ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư dạ dày.
- Khi sử dụng thuốc Anthracin bằng đường bàng quang, hoạt chất Epirubicin được chứng minh là có lợi ích trong điều trị ung thư biểu mô tại chỗ trong ung thư bàng quang, ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp thể nhú ở bàng quang. Ngoài ra, thuốc còn có thể dùng trong dự phòng tái phát ung thư bề mặt bàng quang sau khi đã được phẫu thuật cắt qua niệu đạo.
3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Anthracin
Cách dùng thuốc Anthracin:
- Thuốc Anthracin được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền, được thực hiện bởi bác sĩ hoặc nhân viên y tế có chuyên môn. Khuyến cáo bệnh nhân không tự ý sử dụng Anthracin tại nhà khi không có sự giám sát của bác sĩ.
- Thuốc Anthracin chỉ được sử dụng trong đường truyền bàng quang hoặc tiêm tĩnh mạch, không được tiêm dưới da hoặc tiêm bắp vì khả năng gây ra kích ứng mô rất mạnh.
Liều sử dụng Anthracin phải được căn cứ vào đáp ứng gan, thận, tim mạch, huyết học, lâm sàng, sự dung nạp thuốc cũng như vào phương pháp xạ trị và hóa trị mà người bệnh đang được sử dụng.
Dùng bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch:
- Nếu dùng Anthracin đơn trị thì liều thường được dùng là 60 đến 90mg/ m2 diện tích da, tiêm một lần và lặp lại liều sau 3 tuần. Có thể chia liều này cho 2 đến 3 ngày nếu cần thiết.
- Điều trị trong ung thư giai đoạn cuối với liều 12,5 – 25mg/ m2 diện tích da, tuần dùng 1 lần.
- Điều trị trong ung thư vú sau phẫu thuật có hạch nách: Liều ban đầu nên dùng là 100 đến 120mg/ m2 diện tích da được tiêm vào ngày thứ nhất của chu kỳ hoặc chia làm 2 liều với lượng đều nhau và tiêm vào ngày 1 và 8 của mỗi chu kỳ điều trị, lặp lại cách nhau mỗi 3 đến 4 tuần với liều này. Sau chu kỳ điều trị đầu tiên, cần phải xem xét việc chỉnh liều dựa vào các độc tính lên huyết học và ngoài huyết học, nếu có sự giảm của tiểu cầu và bạch cầu trung tính thì phải tiến hành điều chỉnh liều sao cho thích hợp với tình trạng, thậm chí có thể phải hoãn liều điều trị cho chu kì tiếp theo nếu số lượng các tế bào máu chưa đạt yêu cầu điều trị.
- Trong điều trị các khối u khác: Anthracin thường được sử dụng đơn trị hoặc kết hợp với các hóa trị liệu khác với liều như sau:
- Điều trị ung thư buồng trứng tiến triển: Đơn liều (60 – 90mg/ m2), liệu pháp kết hợp (50 – 100mg/ m2).
- Điều trị ung thư dạ dày: Đơn liều (60 – 90mg/ m2), liệu pháp kết hợp (50mg/ m2).
- Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ: Đơn liều (120mg/ m2), liệu pháp kết hợp (120mg/ m2).
Dùng đường truyền vào bàng quang:
- Điều trị ung thư bàng quang: Tiến hành truyền nhỏ giọt thuốc vào bàng quang, mỗi tuần sử dụng liều 50mg trong 50ml nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9% để có được dung dịch với nồng độ 0,1% dùng kéo dài trong 8 tuần. Nếu có dấu hiệu viêm bàng quang do sử dụng hóa chất thì giảm liều xuống mỗi tuần còn 30mg trong 50ml. Với Carcinom tại chỗ, có thể tăng liều đến 80mg trong 50ml mỗi tuần nếu dung nạp được. Để tránh tái phát trên đối tượng bệnh nhân đã cắt bỏ khối u qua niệu đạo dùng kéo dài trong 4 tuần với liều 50mg/ tuần. Sau đó là liều 50mg/ tháng và kéo dài trong 11 tháng. Phải giữ lại các dung dịch ở trong bàng quang ít nhất là 1 giờ sau khi được bơm vào.
- Sự kết hợp thuốc Anthracin với xạ trị thường làm tăng độc tính lên tế bào, nên khuyến cáo không kết hợp phương pháp xạ trị với các thuốc chống ung thư. Xạ trị sẽ được hoãn lại sau khi hóa trị đã chấm dứt để tránh gây ra tình trạng độc tính chồng lên nhau. Thuốc Anthracin làm tăng độc tính của tia xạ trong xạ trị lên tế bào.
4. Tác dụng không mong muốn của Anthracin
Trong quá trình sử dụng thuốc Anthracin, ngoài các tác dụng phụ thường gặp như: Độc tính ở tim và chèn ép tủy thì người bệnh còn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn khác đã được ghi nhận như sau:
- Rụng tóc (thường có thể hồi phục);
- Viêm niêm mạc thường là viêm miệng với vùng lở loét đau, chủ yếu dưới lưỡi và dọc theo niêm mạc lưỡi;
- Nôn, buồn nôn;
- Tiêu chảy, tăng thân nhiệt.
5. Tương tác thuốc Anthracin
- Cemetidin làm tăng AUC của thuốc Anthracin lên đến 50%, vì vậy cần ngưng dùng Cemetidin trong quá trình điều trị bằng Anthracin.
- Không sử dụng các chế phẩm vắc-xin chứa vi khuẩn bị giảm hoạt lực hoặc vi khuẩn sống cho những bệnh nhân suy giảm miễn dịch do sử dụng thuốc Anthracin vì có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn nặng, thậm chí dẫn tới tử vong.
6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Anthracin
Không chỉ định sử dụng thuốc Anthracin đối với các đối tượng sau:
- Người bệnh có tiền sử quá mẫn với Epirubicin, các Anthracenedion, các Anthracyclin hoặc với bất cứ thành phần tác dược nào có trong thuốc Anthracin.
- Không dùng cho phụ nữ có thai và bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
- Không dùng trên bệnh nhân có số lượng bạch cầu trung tính dưới 1,5 x 109/ lít.
- Không sử dụng thuốc Anthracin bằng đường tĩnh mạch trong các trường hợp: Suy gan nặng, suy tủy kéo dài, suy cơ tim nặng, loạn nhịp tim nặng, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực thể không ổn định, bệnh cơ tim, nhiễm trùng toàn thân cấp tính, bệnh tim do viêm cấp tính hoặc đã từng điều trị trước đó với liều đã tích lũy tối đa của thuốc Anthracin.
- Không sử dụng thuốc Anthracin bằng đường bàng quang trong các trường hợp: Viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu ra máu, khối u xâm lấn có xâm nhập vào bàng quang, bàng quang bị co nhỏ, các vấn đề có liên quan đến thông đường tiểu, thể tích nước tiểu còn lại trong bàng quang lớn.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Anthracin:
- Trước khi điều trị với Anthracin, người bệnh cần được hồi phục các độc tính cấp như: Viêm niêm mạc, viêm miệng, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, nhiễm khuẩn do đã điều trị gây độc tế bào trước đó.
- Các độc tính trên tim là nguy cơ khi điều trị bằng Anthracin, có thể biểu hiện sớm (chủ yếu là nhịp nhanh thất, nhịp nhanh ngoại tâm thu thất, nhịp tim chậm, block nhĩ thất và nhánh) hoặc muộn (bệnh cơ tim muộn: Suy tim sung huyết, giảm phân suất tống máu thất trái).
- Anthracin có gây ra tình trạng suy tủy giống như các thuốc gây độc tế bào khác. Cần tiến hành kiểm tra các thông số huyết học trước và trong mỗi chu kỳ bệnh nhân đang được điều trị bằng Anthracin.
- Thuốc Anthracin gây ra tình trạng nôn cho bệnh nhân, cần xem xét sử dụng dự phòng các thuốc chống nôn trước khi tiến hành điều trị Anthracin cho bệnh nhân.
- Trên bệnh nhân có suy giảm chức năng gan cần sử dụng liều thấp hơn. Bệnh nhân suy gan nặng không được chỉ định sử dụng thuốc Anthracin.
- Cần kiểm tra nồng độ Creatinine huyết thanh trước và trong khi dùng thuốc Anthracin. Đối với bệnh nhân có nồng độ Creatinine huyết thanh lớn hơn 5mg/ dL cần phải tiến hành điều chỉnh liều dùng.
- Cần tuân thủ các khuyến cáo về cách sử dụng để làm giảm thiểu nguy cơ viêm tĩnh mạch huyết khối, viêm tĩnh mạch tại vị trí truyền.
- Thuyên tắc phổi, viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc thuyên tắc huyết khối có thể xảy ra khi sử dụng Anthracin.
- Thuốc Anthracin gây độc trên gen người nên cả bệnh nhân nam và nữ đều phải có biện pháp tránh thai thích hợp trong quá trình điều trị bằng Anthracin.
- Ngoài ra khi dùng bằng đường truyền bàng quang, có thể gặp phải các triệu chứng viêm bàng quang (như tiểu đêm, đa niệu, tiểu đau, tiểu khó, khó chịu bàng quang, tiểu ra máu, hoại tử thành bàng quang) và co thắt bàng quang.
7. Bảo quản thuốc Anthracin
Bảo quản thuốc Anthracin ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc nhiệt độ cao, vì các tác nhân này có thể gây ra tình trạng biến đổi các thành phần có trong thuốc, nhiệt độ bảo quản thích hợp là dưới 30 độ C.