Amufast có hoạt chất chính là Loperamid, được sử dụng phổ biến để làm giảm triệu chứng tiêu chảy cấp không đặc hiệu và tiêu chảy mạn tính do viêm đường ruột. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến độc giả các thông tin về thuốc Amufast.
1. Thuốc Amufast có tác dụng gì?
Amufast có hoạt chất chính là Loperamid (dưới dạng Loperamid HCL), có tác dụng làm giảm triệu chứng tiêu chảy cấp không đặc hiệu, tiêu chảy chảy mạn tính do viêm đường ruột. Thuốc Amufast làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hoá, và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải, giảm lượng phân trong ruột.
2. Chỉ định của thuốc Amufast
Thuốc Amufast được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Điều trị triệu chứng của tiêu chảy cấp không đặc hiệu , tiêu chảy mạn tính do viêm đường ruột.
- Giảm khối lượng phân cho những bệnh nhân có thủ thuật mở thông hồi tràng hoặc mở thông đại tràng.
- Điều trị triệu chứng của các đợt tiêu chảy cấp ở người lớn >18 tuổi đã được chẩn đoán hội chứng kích thích.
3. Chống chỉ định của thuốc Amufast
Thuốc Amufast chống chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:
- Không được dùng cho trẻ em <12 tuổi.
- Không được dùng ở bệnh nhân viêm loét đại tràng cấp hoặc viêm đại tràng giả mạc đang phải điều trị kháng sinh phổ rộng.
- Bệnh nhân lỵ cấp, với đặc điểm có máu trong phân, sốt cao.
- Bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu.
- Bệnh nhân mới phẫu thuật, cần tránh ức chế được ruột.
- Bệnh nhân tắc ruột, táo bón, chướng bụng.
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Amufast.
- Bệnh nhân tiêu chảy cấp, tiêu chảy mạn tính nhiễm trùng do các vi khuẩn có khả năng xâm nhập sâu vào niêm mạc ruột như nhiễm E.coli, lỵ, thương hàn.
- Bệnh nhân suy gan nặng.
4. Cách sử dụng và liều dùng của thuốc Amufast
Thuốc Amufast được bào chế dưới dạng viên nén, hàm lượng 2mg mỗi viên, dùng đường uống. Khi uống, uống trọn viên thuốc, không nghiền nát thuốc. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về cách sử dụng thuốc, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin, không tự ý dùng thuốc, vì có thể gây ra tác dụng không mong muốn.
Liều dùng thuốc:
Người bệnh sử dụng liều thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ, không được tự ý tăng giảm liều thuốc. Dưới đây là liều có thể tham khảo:
Người lớn:
- Tiêu chảy cấp : khởi đầu 4mg, sau đó 2 mg sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng, tối đa 16 mg/ngày;
- Tiêu chảy mạn: Liều 4 - 8 mg/ngày, uống ngày 1 lần hoặc chia làm nhiều lần
Trẻ em:
- Amufast không được khuyến cáo dùng cho trẻ em một cách thường quy trong tiêu chảy cấp.
- Trẻ em dưới 6 tuổi: Không được khuyến cáo sử dụng thuốc Amufast.
- Trẻ từ 6 - 8 tuổi: Ngày đầu tiên uống 2mg/lần, ngày uống 2 lần. Từ ngày thứ hai: Uống 1mg/10kg cân nặng, sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng, tổng liều/ngày không được vượt quá liều của ngày đầu tiên.
- Trẻ từ 8 -12 tuổi: ngày đầu tiên uống 2 mg/lần, ngày uống 3 lần. Từ ngày thứ hai: uống 1mg/10kg cân nặng, sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng, tổng liều trong ngày không được vượt quá liều của ngày đầu tiên. .
- Tiêu chảy mạn: Chưa có nghiên cứu liều thuốc ở trẻ em tiêu chảy mạn tính.
5. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Amufast
Sau đây là các tác dụng phụ của thuốc Amufast:
- Tác dụng phụ thường gặp: Táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn.
- Tác dụng phụ ít gặp: Mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, đầy chướng bụng, khô miệng
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Tắc ruột do liệt ruột, phản ứng quá mẫn (nhẹ: mẩn ngứa, ban dát sẩn đỏ, nặng: khó thở, nhịp tim nhanh, phù mặt, phù cổ họng,..)
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc Amufast để được xử trí thích hợp.
6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Amufast
- Ở bệnh nhân tiêu chảy, triệu chứng mất nước điện giải có thể xảy ra, trong trường hợp này, ngoài sử dụng thuốc Amufast, người bệnh được bù nước, điện giải thích hợp là biện pháp được ưu tiên và quan trọng nhất.
- Ở bệnh nhân tiêu chảy cấp, nếu sau khi dùng thuốc Amufast mà triệu chứng tiêu chảy không cải thiện trong vòng 48 giờ, không nên dùng tiếp Amufast mà phải đánh giá lại nguyên nhân gây ra tiêu chảy.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai: Chưa có đủ các nghiên cứu sử dụng thuốc Amufast trên phụ nữ có thai. Không nên sử dụng Amufast cho phụ nữ có thai
- Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc Amufast bài tiết rất ít qua sữa mẹ. Phụ nữ đang cho con bú cần sử dụng Amufast, liên hệ bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn liều dùng thích hợp.
- Đối với người đang lái xe và vận hành máy móc: Vì thuốc Amufast có thể gây tác dụng phụ mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu. Do đó, người đang lái xe và vận hành máy móc cần thận trọng khi sử dụng thuốc Amufast.
Thuốc Amufast có hiệu quả cao trong điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp và tiêu chảy mạn tính nhưng cần sử dụng thuốc đúng liều lượng và theo chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Những sai lệch thông tin về sử dụng thuốc an toàn có thể gây ra những hậu quả không mong muốn tới sức khỏe người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.