Thuốc Ampiryl 4mg có thành phần chính là glimepiride hàm lượng 4mg, được bào chế ở dạng viên nén. Đây là hoạt chất có tác dụng điều trị đái tháo đường tuýp 2, thuộc nhóm sulfonylurea. Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về thuốc Ampiryl qua bài viết dưới đây.
1. Ampiryl 4mg là thuốc gì?
Đái tháo đường tuýp 2 là một bệnh liên quan đến chuyển hóa, nguyên nhân xuất phát từ việc cơ thể đề kháng với insulin hoặc lượng insulin do tế bào beta ở đảo tuyến tụy tiết ra không đủ, do đó làm tăng nồng độ glucose trong máu. Hoạt chất glimepiride trong thuốc Ampiryl 4mg có khả năng kích thích tế bào beta ở đảo tụy tăng giải phóng insulin, cải thiện sự nhạy cảm của các mô ngoại vi với insulin, đồng thời nó cũng làm tăng số lượng các chất chuyên chở glucose qua màng tế bào, cho kết quả là làm giảm lượng glucose trong máu.
Từ cơ chế tác dụng như trên, thuốc Ampiryl 4mg được các bác sĩ dùng để điều trị cho bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 sau khi kiểm soát glucose huyết chỉ bằng việc thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập không thành công. Ngoài ra, thuốc Ampiryl 4mg còn có thể được dùng phối hợp với metformin, hoặc insulin, hoặc glitazone trong điều trị tiểu đường tuýp 2 ở các mức độ khác nhau.
2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Ampiryl 4mg
Liều dùng của thuốc Ampiryl 4mg được xác định dựa trên nồng độ glucose trong máu, sự đáp ứng và sự dung nạp thuốc của từng người bệnh. Liều khởi đầu được khuyến cáo là 1mg mỗi ngày. Sau từ 1 đến 2 tuần, nếu lượng glucose trong máu vẫn chưa về mức cần kiểm soát thì tăng thêm 1mg/ngày.
Thông thường, liều điều trị của bệnh nhân dao động từ 1 - 4mg mỗi ngày. Liều tối đa của thuốc Ampiryl là 8mg/ngày.
Nếu sử dụng thuốc Ampiryl 4mg để điều trị phối hợp với metformin hoặc glitazone, cần khởi đầu bằng liều thấp nhất của từng thuốc, sau đó tùy theo khả năng đáp ứng của bệnh nhân mà tăng dần liều cho đến khi đạt mức kiểm soát đường huyết.
Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cần điều chỉnh liều dùng trong các trường hợp sau:
- Khi cân nặng và sinh hoạt của người bệnh có sự thay đổi.
- Khi tình trạng bệnh đái tháo đường được kiểm soát, lượng glucose trong máu được duy trì ở mức ổn định. Lúc này độ nhạy cảm với insulin đã được tăng lên thì có thể cân nhắc giảm dần liều Ampiryl cho bệnh nhân, đề phòng trường hợp hạ glucose huyết quá mức.
- Khi bệnh nhân sử dụng phối hợp với các thuốc khác có tác dụng làm tăng hoặc hạ đường huyết.
- Bệnh nhân được đánh giá suy giảm chức năng gan hoặc thận.
Cách dùng thuốc Ampiryl 4mg được khuyến cáo như sau:
- Thuốc được uống một lần duy nhất trong ngày, thời điểm uống là trước bữa ăn sáng từ 15 - 20 phút.
- Bệnh nhân cần uống viên thuốc nguyên vẹn, không cắn, nhai hoặc bẻ gãy viên thuốc.
- Khi quên uống thuốc, không uống bù liều đã quên vào liều tiếp theo, tránh trường hợp sử dụng quá liều gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
3. Chống chỉ định của thuốc Ampiryl 4mg
Thuốc Ampiryl 4mg chống chỉ định cho các đối tượng sau:
- Bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin.
- Người bệnh đái tháo đường bị nhiễm acid-ceton, bị hôn mê, tiền hôn mê, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu hoặc mắc các bệnh cấp tính khác.
- Người bệnh có gan, thận bị suy giảm chức năng mức độ nặng.
- Người đang mang thai, có ý muốn mang thai, người đang cho con bú, vì Ampiryl được xác định có khả năng gây độc tính cho phôi thai.
- Người bệnh có tiền sử mẫn cảm với glimepiride hoặc các tá dược trong thuốc.
- Người bệnh có tiền sử dị ứng với các sulfonamide.
4. Tương tác thuốc
Khi sử dụng kết hợp Ampiryl 4mg với một số thuốc dưới đây, các phản ứng tương tác thuốc có thể xảy ra làm thay đổi hiệu quả điều trị, vì vậy người bệnh cần lưu ý và thận trọng.
- Insulin, chloramphenicol, thuốc ức chế MAO, nhóm thuốc kháng viêm không steroid, probenecid, các kháng sinh nhóm quinolon, nhóm thuốc ức chế men chuyển, nhóm thuốc chẹn kênh beta, nhóm sulfamid, nội tiết tố sinh dục nam, các thuốc hạ đường huyết khác: Đây là những thuốc có khả năng làm tăng tác dụng hạ glucose máu của Ampiryl dẫn đến tình trạng tụt đường huyết quá mức, vì vậy cần cân nhắc điều chỉnh giảm liều dùng của Ampiryl trong trường hợp phải sử dụng chung với các thuốc kể trên.
- Thuốc corticoid, nhóm thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc cường giao cảm, glucagon, thuốc tránh thai có chứa estrogen, phenytoin, rifampicin, hormon tuyến giáp, catecholamin: Đây là những thuốc có tác dụng làm tăng đường huyết khi sử dụng phối hợp với Ampiryl 4mg dẫn đến việc khó kiểm soát đường huyết ở mức ổn định. Trong trường hợp này, nên cân nhắc tăng liều dùng của Ampiryl.
Lưu ý, việc tăng hay giảm liều dùng trong các trường hợp kể trên cần có sự đồng ý của bác sĩ, người bệnh không tự ý thay đổi liều dùng của thuốc Ampiryl 4mg.
5. Những tác dụng không mong muốn muốn khi điều trị bằng Ampiryl 4mg
Khi bệnh nhân điều trị bằng thuốc Ampiryl 4mg, có thể gặp phải các tác dụng phụ sau:
- Hạ đường huyết
- Hoa mắt, choáng váng, chóng mặt
- Rối loạn tiêu hóa, căng tức vùng thượng vị, tiêu chảy, đau bụng
- Rối loạn thị giác
- Enzym gan tăng, chức năng gan bị suy giảm
- Giảm bạch cầu, nhất là bạch cầu hạt, ngoài ra còn giảm nhẹ hồng cầu và tiểu cầu.
- Tăng sự nhạy cảm ánh sáng của làn da.
- Nổi mề đay, ban ngứa.
Trong số những tác dụng không mong muốn kể trên, việc bị tụt đường huyết là thường gặp hơn cả. Biểu hiện của bệnh nhân bị hạ glucose máu ở mức nhẹ là run rẩy, vã nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, người mệt lả, choáng váng, huyết áp tăng lên, ở mức độ nặng hơn nữa có thể gây lú lẫn, rối loạn ngôn ngữ, mất tri giác dẫn tới hôn mê. Trong trường hợp chỉ gặp các triệu chứng ở mức độ nhẹ, nên cho người bệnh uống một cốc nước hòa với 20 - 30 gam đường trắng, theo dõi 15 phút một lần cho đến khi đường huyết trở về bình thường. Đối với các trường hợp nặng hơn, nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Các tác dụng phụ còn lại thường được ghi nhận ở mức độ hiếm gặp, các triệu chứng này có xu hướng giảm dần và biến mất trong quá trình điều trị, nếu các triệu chứng trở nặng và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, các bác sĩ có thể cân nhắc ngừng thuốc và đổi qua các phác đồ điều trị khác.
6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Ampiryl 4mg
- Trong quá trình điều trị đái tháo đường tuýp 2 bằng Ampiryl 4mg, người bệnh vẫn phải duy trì một chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý để đạt được hiệu quả kiểm soát đường huyết tốt nhất.
- Người bệnh có thể đáp ứng tốt với Ampiryl trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó khả năng đáp ứng thuốc giảm xuống, lượng glucose trong máu không còn được kiểm soát nữa, đây là đặc điểm chung thường gặp của các thuốc điều trị đái tháo đường, lúc này cần cân nhắc thay đổi liều dùng hoặc điều trị kết hợp với các loại thuốc hạ đường huyết khác.
- Người bệnh cần định kỳ kiểm tra đường huyết bằng xét nghiệm Hba1c từ 3 đến 6 tháng một lần để đảm bảo sự đáp ứng của thuốc.
- Căng thẳng, lo âu, stress, chấn thương, phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết của thuốc Ampiryl 4mg cho dù trước đó bệnh nhân có đáp ứng tốt.
- Khi tăng, giảm liều hoặc thay đổi liệu trình sử dụng Ampiryl, đường huyết của bệnh nhân có thể không ổn định, điều này ảnh hướng tới sự phản xạ và sự linh hoạt của người bệnh. Do đó, cần thận trọng nếu bệnh nhân là người lái tàu, xe, người vận hành các máy móc hoặc làm việc ở độ cao.
- Người bị suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng, suy tuyến yên thường nhạy cảm với thuốc Ampiryl hơn các đối tượng khác, do đó cần giám sát điều trị để đề phòng trường hợp hạ đường huyết.
Thuốc Ampiryl 4mg có thành phần chính là glimepiride hàm lượng 4mg, được bào chế ở dạng viên nén. Đây là hoạt chất có tác dụng điều trị đái tháo đường tuýp 2, thuộc nhóm sulfonylurea. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.