Công dụng thuốc Ambolyt

Thuốc Ambolyt là nhóm thuốc điều trị triệu chứng đường hô hấp cấp và mạn tính như hen phế quản, long đờm có thành phần chính Ambroxol hydroclorid 15mg. Thuốc được bào chế dưới dạng siro uống, đóng theo chai 100ml. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về công dụng và chỉ định của thuốc Ambolyt.

1. Công dụng của Ambolyt Syrup

1.1. Tác dụng của Ambolyt Syrup

Ambroxol hydroclorid có tác dụng giống như Bromhexin làm thay đổi cấu trúc và làm giảm độ đặc quánh của chất nhầy. Thuốc kích thích tuyến chất nhầy tiết dịch rồi sau đó cắt đứt hệ Glycoprotein ở đờm nhầy khiến chúng bớt nhầy dính hơn. Điều này giúp cho việc đẩy chất nhầy ra khỏi phổi và phế nang được dễ dàng hơn.

Theo một số kết quả nghiên cứu chỉ ra, thuốc Ambolyt Syrup cải thiện tốt triệu chứng và làm giảm đi tần suất của các đợt cấp tính bệnh viêm phế quản mạn.

1.2. Chỉ định

Thuốc được dùng điều trị các bệnh lý cấp và mạn tính của đường hô hấp như:

  • Viêm phế quản dạng hen
  • Hen phế quản
  • Viêm phế quản mãn tính.
  • Thuốc làm tiêu chất nhầy ở đường hô hấp
  • Tăng tiết dịch phế quản khác thường
  • Rối loạn vận chuyển chất nhầy

2. Chống chỉ định dùng thuốc Ambolyt

Bệnh nhân không nên dùng Ambolyt trong những trường hợp sau:

  • Dị ứng hoặc quá mẫn với ambroxol, natri metabisulfit hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Loét dạ dày- tá tràng.
  • Sử dụng cho trẻ em < 2 tuổi với sự giám sát của nhân viên y tế.

3. Liều dùng và cách dùng Ambolyt

3.1. Cách dùng

Ambroxol hydroclorid không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Tuy nhiên, có thể dùng thuốc vào sau bữa ăn hoặc trước bữa ăn và uống trực tiếp hoặc pha loãng với nước.

Cần dùng dụng cụ chia vạch có kèm theo sản phẩm để đong thể tích đúng liều sử dụng.

3.2. Liều dùng

  • Trẻ em < 2 tuổi: liều dùng từ 2,5 ml/lần, 2 lần/ngày, tương ứng với 15 mg ambroxol hydroclorid/ngày.
  • Trẻ em từ 2 – 5 tuổi: liều dùng từ 2,5 ml/lần, 3 lần/ngày, tương ứng với 22,5 mg ambroxol hydroclorid/ngày.
  • Trẻ em từ 6 – 12 tuổi: liều dùng 5ml/lần, 2 – 3 lần/ngày, tương ứng với 30 - 45 mg ambroxol hydroclorid/ngày.
  • Người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi: Trong 2 – 3 ngày đầu dùng liều 10ml/lần với 3 lần/ngày. Sau đó dùng liều 10ml/lần, 2 lần/ngày tương ứng với 60 mg ambroxol hydroclorid/ngày. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả, có thể sử dụng 20ml/lần, 2 lần/ngày, tương ứng với 120 mg ambroxol hydroclorid/ngày.

Thông thường, thời gian sử dụng thuốc cơ bản sẽ không bị giới hạn. Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc quá 4 – 5 ngày mà chưa có sự chỉ dẫn của các bác sĩ, dược sĩ.

3.3. Xử trí khi quên liều và quá liều Ambolyt

Khi quên liều:

  • Hãy dùng thuốc ngay khi nhớ ra
  • Bỏ qua liều đã quên khi sát với thời gian dùng liều kế tiếp
  • Không tự ý gấp đôi liều lượng thuốc để bù liều đã quên

Khi quá liều:

  • Hiện tại vẫn chưa có thông báo cụ thể về thông tin liên quan đến triệu chứng khi quá liều.
  • Nếu nghi ngờ hoặc lỡ dùng quá liều kèm xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng. Người bệnh nên đến ngay trung tâm y tế gần nhà để được thăm khám và điều trị kịp thời.

4. Những tác dụng phụ khi dùng thuốc Ambolyt Syrup

Thuốc Ambolyt được dung nạp khá tốt. Thỉnh thoảng, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Đau đầu
  • Tiểu nhiều
  • Mệt mỏi
  • Rối loạn tiêu hóa nhẹ
  • Buồn nôn/ nôn
  • Tiêu chảy
  • Tăng tiết nhiều chất nhầy ở trẻ nhỏ
  • Đau dạ dày

Hãy liên hệ cho trung tâm y tế hoặc bác sĩ khi bắt gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc. Nhất là trường hợp đau dạ dày, đi ngoài phân lỏng và nôn vì có thể cơ thể đang không dung nạp được thuốc. Bác sĩ sẽ thăm khám và điều chỉnh liều dùng hợp lý nhất.

5. Thận trọng và lưu ý khi sử dụng thuốc Ambolyt

Hãy thật thận trọng khi sử dụng Ambroxol hydroclorid trong những trường hợp đã được báo cáo như:

  • Hồng ban đa dạng
  • Hội chứng Stevens – Johnson
  • Hoại tử biểu mô nhiễm độc
  • Hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính
  • Nhu động phế quản bị rối loạn và lượng dịch tiết lớn hơn nếu sử dụng Ambroxol có thể xảy ra tắc nghẽn tiết dịch.
  • Bệnh nhân bị suy thận hoặc suy gan nặng: việc sử dụng ambroxol để điều trị cần có sự chỉ định từ bác sĩ.
  • Không dung nạp fructose
  • Kém hấp thu glucose galactose.
  • Thiếu enzym sucrase isomaltase.
  • Thận trọng dùng cho người bị loét đường tiêu hóa, ho ra máu. Bởi thuốc có thể làm tan các cục đông fibrin và làm xuất huyết trở lại. Nếu phải dùng thuốc nên dùng một đợt ngắn.
  • Trường hợp phụ nữ đang mang thai và cho con bú cần thận trọng khi dùng ambroxol vì chưa có nguyên cứu đầy đủ về độ an toàn.
  • Trường hợp người lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao hiện tại chưa có báo cáo về mức ảnh hưởng.
  • Nên bảo quản thuốc dưới nhiệt độ 30 độ C và để xa tầm với của trẻ.
  • Không nên sử dụng thuốc Ambolyt khi hết hạn ghi trên bao bì hộp thuốc.

Ngoài ra, trong mọi trường hợp nếu xuất hiện các tác dụng phụ như nổi mụn trên da kèm tổn thương niêm mạc. Người bệnh nên ngưng sử dụng ambroxol ngay lập tức và đến ngay trung tâm y tế để được trợ giúp.

6. Tương tác của thuốc Ambolyt

Hiện tại, chưa có thông báo về tương tác của thuốc. Ambolyt có thể sử dụng chung với các thuốc khác. Đặc biệt là các nhóm thuốc được dùng điều trị hội chứng phế quản như là Corticosteroids, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn phế quản và thuốc kháng sinh.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất khi sử dụng, hãy báo với bác sĩ về tất cả các dòng thuốc(kê toa hoặc không kê toa), thực phẩm bảo chức năng, dược phẩm đang dùng và các bệnh khác đang mắc phải.

Bài viết trên đây là những chia sẻ về dòng thuốc Ambolyt. Hy vọng quá trình sử dụng thuốc để điều trị đạt kết quả cao và hạn chế được tối đa những tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe