Thuốc Acmolrine thuộc nhóm thuốc da liễu có thành phần chính là isotretinoin có tác dụng điều trị các dạng trứng cá nặng như trứng cá cục, trứng cá từng cụm có nguy cơ để lại sẹo sau khi đã kháng kháng sinh.
1. Acmolrine là thuốc gì?
Thuốc Acmolrine có thành phần chính là isotretinoin có tác dụng làm giảm bài tiết bã nhờn và giảm kích thích tuyến bã nhờn từ đó làm giảm sẹo. Ngoài ra isotretinoin còn có khả năng chống viêm ngoài da. Thuốc Acmolrine thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Trứng cá mức độ nặng như trứng cá dạng nốt cục, trứng cá từng cụm.
- Trứng cá có nguy cơ để lại sẹo đã kháng kháng sinh sau khi điều trị toàn thân hoặc tại chỗ.
Thuốc Acmolrine chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Phụ nữ có thai và cho con bú.
- Bệnh nhân suy gan.
- Bệnh nhân có lipid máu cao.
- Dư vitamin A.
- Bệnh nhân mẫn cảm với isotretinoin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân sử dụng đồng thời các kháng sinh nhóm tetracyclin.
2. Liều sử dụng của thuốc Acmolrine
Thuốc Acmolrine thường được sử dụng theo đường uống, trong bữa ăn với liều sử dụng tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị:
Đối với người lớn, thiếu niên và người cao tuổi:
- Liều khởi đầu: 0,5 mg/kg/ngày.
- Điều chỉnh liều dùng và thời gian sử dụng tuỳ thuộc vào đối tượng người bệnh nhưng thông thường sẽ dùng liều 0,5-1 mg/kg/ngày.
- Với việc tăng lên tới 120-150mg/kg không làm tăng thêm lợi ích đáng kể nào.
- Một đợt điều trị bằng isotretinoin thường kéo dài từ 16 - 24 tuần.
- Nếu phải tiến hành điều trị tiếp thì nên uống thuốc sau 8 tuần khi đợt điều trị đầu kết thúc.
Đối với các đối tượng đặc biệt:
- Bệnh nhân suy thận nặng: nên khởi đầu với liều thấp hơn ( khoảng 10 mg/ngày) có thể tăng dần lên đến 1 mg/kg/ngày hoặc liều tối đa dung nạp được.
- Trẻ em: Không nên dùng dược chất isotretinoin cho trẻ em dưới 12 tuổi.
- Bệnh nhân không dung nạp thuốc: Đối với người bệnh không dung nạp ở liều khuyến cáo thì nên bắt đầu dùng ở liều thấp hơn nhưng thời gian điều trị kéo dài hơn nhưng nguy cơ tái phát cũng cao hơn.
Khi sử dụng Isotretinoin quá liều có thể biểu hiện giống như quá liều vitamin A: Nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, ngủ gà, kích ứng và ngứa, đỏ mặt, khô môi. Các triệu chứng này sẽ giảm dần mà không cần điều trị. Ngoài ra, nồng độ isotretinoin trong tinh dịch cao hơn mức bình thường nên cần tránh quan hệ tình dục với người có thai hoặc có khả năng có thai 1 tháng sau khi quá liều, không nên cho máu ít nhất 1 tháng sau khi xảy ra quá liều isotretinoin.
3. Tác dụng phụ của thuốc Acmolrine
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Acmolrine có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Khô niêm mạc: khô môi, niêm mạc mũi, chảy máu cam, viêm kết mạc mắt, khô da.
- Thiếu máu, tăng tốc độ lắng hồng cầu, giảm tiểu cầu.
- Đau cơ, đau khớp, đau lưng (đặc biệt ở thanh niên).
- Tăng triglyceride máu, giảm lipoprotein tỷ trọng cao.
- Đau đầu.
- Phản ứng dị ứng trên da, phản ứng quá mẫn, sốc phản vệ.
- Trầm cảm, thay đổi tính tình.
- Rối loạn tâm thần, có ý định tự tử.
- Tăng áp lực nội sọ lành tính, co giật, buồn ngủ.
- Đục thuỷ tinh thể, mù màu, giảm thị lực, viêm giác mạc, phù gai thị, sợ ánh sáng.
- Giảm thính lực.
- Viêm mạch máu.
- Co thắt khí quản, khàn giọng.
- Viêm kết, hồi tràng, xuất huyết tiêu hoá, buồn nôn, viêm ruột, viêm tuỵ.
- Viêm cầu thận.
- Tăng hình thành mô hạt, khó chịu.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Acmolrine
Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Acmolrine gồm có:
- Thuốc Acmolrine có khả năng gây quái thai nên cần thông báo cho bệnh nhân và áp dụng các biện pháp tránh thai trong thời gian điều trị thuốc. Nên kiểm tra sự có thai trước, trong và sau khi điều trị bằng isotretinoin.
- Bệnh nhân không nên hiến máu trong khi điều trị và sau khi chấm dứt điều trị 1 tháng vì isotretinoin có thể gây nguy hiểm cho thai phụ nhận máu.
- Mụn trứng cá có thể tăng lên khi mới bắt đầu điều trị nhưng sẽ giảm khi điều trị tiếp tục, thường trong vòng 7-10 ngày.
- Khi sử dụng thuốc Acmolrine nên tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mạnh hoặc tia UV. Nên dùng kem chống nắng có SPF 15 hoặc cao hơn.
- Nên tránh điều trị da bằng laser hoặc dùng hoá chất làm mòn da trong thời gian 5-6 tháng sau khi điều trị bàng Acmolrine vì làm gia tăng nguy cơ sẹo lồi hoặc làm tăng, giảm sắc tố da trên vùng da điều trị.
- Tránh nhổ lông bằng sáp trong vòng 6 tháng sau khi điều trị bằng isotretinoin vì có nguy cơ bị lột da.
- Không nên dùng isotretinoin dùng với các thuốc bôi trên da có tác dụng làm tróc vảy và tiêu keratin vì làm tăng kích ứng trên da.
- Bệnh nhân nên dùng kem hoặc thuốc mỡ giữ ấm cho da và môi từ lúc bắt đầu điều trị bằng isotretinoin vì tác dụng phụ của Acmolrine thường gây khô da và môi.
- Nên kiểm tra enzym gan trước khi điều trị, 1 tháng sau khi điều trị và mỗi 3 tháng trong thời gian điều trị. Cân nhắc giảm liều hoặc ngưng dùng isotretinoin nếu có các dấu hiệu lâm sàng của tăng men gan.
- Kiểm tra lipid máu trong khi điều trị bằng Acmolrine, nếu mức triglycerid lên cao quá bình thường hoặc có dấu hiệu viêm tuyến tuỵ thì phải ngưng dùng thuốc.
- Bệnh nhân bị tiêu chảy nặng thì phải ngưng dùng Acmolrine ngay.
- Bệnh nhân di truyền không dung nạp đường fructose không nên dùng thuốc này.
- Bệnh nhân bị tiểu đường, béo phì, nghiện rượu, rối loạn lipid máu cần phải xét nghiệm trước khi điều trị.
5. Tương tác thuốc thường gặp với Acmolrine
Các tương tác thuốc thường gặp với Acmolrine gồm có:
- Không nên dùng đồng thời vitamin A với Acmolrine do nguy cơ tiến triển tình trạng rối loạn thừa vitamin A
- Dùng chung Acmolrine với tetracyclin làm tăng áp lực nội sọ lành tính.
- Dùng chung Acmolrine với corticosteroid nguy cơ xảy ra tình trạng mất xương gây loãng xương.
- Khi dùng chung thuốc tránh thai đường uống và Acmolrine có thể khiến việc sử dụng thuốc tránh thai không đem lại hiệu quả nên cần sử dụng đồng thời 2 biện pháp tránh thai, trong đó có ít nhất 1 biện pháp cơ bản
- Phenytoin được báo cáo gây ra loãng xương khi sử dụng cùng với thuốc Acmolrine.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.