Công dụng thuốc Abalam

Thuốc Abalam được sản xuất và đăng ký bởi Công ty Hetero Labs Limited, thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Vậy thuốc Abalam có tác dụng gì và được sử dụng trong trường hợp nào?

1. Thuốc Abalam là thuốc gì?

Thuốc Abalam có thành phần chính chứa hoạt chất Abacavir (dưới dạng Abacavir sulfat) với hàm lượng 600mg và Lamivudin hàm lượng 300mg. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, quy cách đóng gói hộp 1 lọ gồm 30 viên nén.

2. Tác dụng của thuốc Abalam

Cả 2 hoạt chất Abacavir và Lamivudine có trong thuốc Abalam đều là các chất ức chế men sao chép ngược Nucleoside (NRTI). Cả 2 hoạt chất này đều hoạt động theo cơ chế tương tự nhau, bằng cách ngăn chặn hoạt động của enzyme sao chép ngược (là một loại enzyme được sản xuất bởi HIV cho phép tạo ra nhiều virus hơn và lây nhiễm các tế bào). Thuốc có thể làm giảm lượng virus trong máu và giữ nó ở mức thấp khi được kết hợp với ít nhất một loại thuốc HIV khác. Thuốc chỉ có thể kìm hãm thiệt hại cho hệ thống miễn dịch, sự phát triển của các bệnh nhiễm trùng và bệnh có liên quan đến AIDS, thuốc không chữa khỏi được nhiễm HIV và AIDS.

Thuốc Abalam được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Chỉ định điều trị nhiễm HIV ở người lớn và trẻ > 12 tuổi, giúp làm tăng khả năng miễn dịch trên các đối tượng này.
  • Thuốc Abalam được sử dụng kết hợp với ít nhất một loại thuốc chống virus khác để điều trị cho đối tượng là người lớn và trẻ em có cân nặng > 25kg bị nhiễm virus làm suy giảm miễn dịch (HIV) ở người.
  • Trong quá trình điều trị bằng thuốc Abalam, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định theo phác đồ, không được tự ý sử dụng, điều chỉnh liều dùng hoặc ngừng sử dụng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Abalam

Cách dùng của thuốc Abalam:

  • Thuốc Abalam được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, dạng viên tan trong ruột nên sử dụng bằng đường uống. Khi uống cần uống nguyên viên, không cắn, nhai hay nghiền viên thuốc. Thời gian sử dụng Abalam không phụ thuộc vào bữa ăn.

Liều dùng của thuốc Abalam:

  • Ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Dùng ngày 2 lần, 1 lần 1 viên thuốc Abalam.
  • Ở đối tượng bệnh nhân có suy gan nặng, suy thận: Cần tiến hành điều chỉnh liều sao cho phù hợp với tình trạng và mức độ bệnh của người bệnh.

4. Tác dụng không mong muốn của Abalam

Trong quá trình sử dụng Abalam, bên cạnh những tác dụng điều trị của thuốc, bệnh nhân còn gặp phải một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Các tác dụng phụ thường gặp như: Phát ban, phản ứng dị ứng, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau dạ dày, đau khớp, đau đầu, rối loạn cơ, kích thích và chảy nước mũi, ho, sốt, mệt mỏi, thờ ơ, mất ngủ, chán ăn, khó chịu, rụng tóc.
  • Các tác dụng phụ ít gặp hơn như: Phản ứng quá mẫn.
  • Thông thường, các tác dụng ngoại ý sẽ mất đi khi bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc, tuy nhiên để đảm bảo cho quá trình điều trị, khuyến cáo bệnh nhân khi gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có sự hỗ trợ điều trị kịp thời, để hạn chế việc ngưng sử dụng thuốc khi chưa đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn.

5. Tương tác thuốc Abalam

  • Việc sử dụng đồng thời các loại thuốc với nhau có thể xảy ra hiện tượng tương tác thuốc làm tăng tác dụng hiệp đồng hoặc tăng các tác dụng phụ của thuốc. Khuyến cáo bệnh nhân trước khi được điều trị bằng Abalam cần liệt kê các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đã và đang trong quá trình sử dụng thời gian gần đây, để bác sĩ cân nhắc, đưa ra các chỉ định sử dụng thuốc an toàn cũng như hợp lý hơn.
  • Không dùng đồng thời thuốc Abalam với Stavudin hoặc Ribavirin.
  • Tránh sử dụng thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn hoặc đã lên men trong quá trình điều trị bằng Abalam, vì các tác nhân này có thể gây ra tình trạng biến đổi các thành phần có trong thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Abalam

Chống chỉ định của thuốc Abalam:

  • Người bệnh có tiền sử quá mẫn với Abacavir, Lamivudine hoặc các thành phần tá dược có trong Abalam.
  • Không sử dụng trên bệnh nhân có số lượng bạch cầu trung tính thấp và trẻ em dưới 12 tuổi.

Chống chỉ định của thuốc Abalam phải được hiểu là chóng chỉ định tuyệt đối, người bệnh thuộc đối tượng chống chỉ định không được sử dụng thuốc Abalam dưới bất cứ lý do gì.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Abalam:

  • Cần thận trọng sử dụng thuốc Abalam trên đối tượng: Bệnh nhân mắc bệnh gan, suy thận, xơ gan do viêm gan B mạn tính, hôn mê gan, nhược cơ, viêm loét dạ dày, phụ nữ béo phì.
  • Lưu ý trên các đối tượng là phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu của thai kỳ và bà mẹ đang cho con bú, người già, trẻ em < 15 tuổi

7. Bảo quản thuốc Abalam

Bảo quản thuốc Abalam ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp hoặc ở nơi có nhiệt độ cao, vì các tác nhân này có thể làm biến đổi các thành phần có trong thuốc Abalam. Nhiệt độ bảo quản thích hợp để bảo quản thuốc là dưới 30 độ C. Để xa tầm tay của trẻ nhỏ.

Trên đây là những thông tin quan trọng về công dụng, liều dùng và cách sử dụng thuốc Abalam. Lưu ý, Abalam là thuốc kê đơn, người bệnh không tự ý sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe