Thuốc Tenormin với hoạt chất chính là Atenolol 50mg, một chất ức chế chọn lọc thụ thể beta 1- adrenergic. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp, loạn nhịp thất và trên thất.
1. Công dụng thuốc Tenomin
Thuốc Tenormin được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Tăng huyết áp;
- Đau thắt ngực ổn định;
- Điều trị loạn nhịp tim, nhịp nhanh thất và trên trất;
- Nhồi máu cơ tim cấp;
- Phòng chứng đau nửa đầu;
- Sử dụng đồng thời với Benzodiazepin để điều trị hội chứng cai rượu cấp.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Tenomin:
- Nhịp tim chậm, block nhĩ - thất cấp II và cấp III;
- Sốc tim, suy tim mất bù trừ;
- Bệnh u tế bào ưa crom không được điều trị;
- Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Tenomin;
- Hạ huyết áp, rối loạn tuần hoàn động mạch ngoại vi nặng, nhiễm toan chuyển hóa.
2. Cách dùng thuốc Tenomin
Thuốc Tenormin 50 mg dùng bằng đường uống, trong hoặc cách xa bữa ăn. Sử dụng thuốc Tenomin dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
2.1. Liều dùng thuốc Tenomin
Tăng huyết áp:
- Liều khởi đầu của thuốc là 50 mg/lần x 1 lần/ngày. Nếu trong vòng 1- 2 tuần vẫn chưa đạt được đáp ứng tối ưu, nên tăng liều lên tới 100 mg/ngày hoặc kết hợp với thuốc lợi niệu hay thuốc giãn mạch ngoại biên.
- Tăng liều quá 100 mg/ngày cũng không làm tăng hiệu quả điều trị bệnh của thuốc.
Đau thắt ngực ổn định:
- Liều khởi đầu là 50 mg/lần/ngày. Nếu trong vòng 1 tuần vẫn chưa đạt được đáp ứng điều trị tối ưu, có thể tăng liều đến 100mg x1 lần/ngày hoặc 50mg x 2 lần/ngày.
- Việc tăng liều thường ít có khả năng tăng thêm hiệu quả, tuy nhiên một số bệnh nhân có thể tăng liều đến 200mg/ngày mới đạt được đáp ứng điều trị tối ưu.
Loạn nhịp tim:
- Tenormin 50 mg đường uống thường được sử dụng để duy trì sau khi bệnh nhân đã kiểm soát được các loạn nhịp tim bằng Atenolol đường tĩnh mạch. Liều Tenomin 50mg được dùng để duy trì là50 - 100 mg x 1 lần/ngày.
Nhồi máu cơ tim:
- Can thiệp sớm sau nhồi máu cơ tim cấp:
- Dùng Tenormin 50 mg đường uống sau khi sử dụng Atenolol bằng đường tĩnh mạch 15 phút, nếu bệnh nhân dung nạp tốt với liều tiêm tĩnh mạch và không có tác dụng ngoại ý nào xảy ra.
- Bệnh nhân sau tiêm tĩnh mạch có thể dùng tiếp liều 50mg và nhắc lại sau 12 giờ. Liều dùng đường uống duy trì trong 6 - 9 ngày (hoặc đến khi chống chỉ định xuất hiện như nhịp chậm hay huyết áp hạ) với mức 100 mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia làm 2 lần.
- Nếu xảy ra nhịp tim chậm và/hoặc hạ huyết áp hay bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, nên ngưng sử dụng Tenormin.
- Can thiệp trễ sau nhồi máu cơ tim cấp (bệnh nhân nhập viện vài ngày sau khi bị nhồi máu cơ tim cấp) Tenormin đường uống nên được chỉ định để phòng ngừa lâu dài nhồi máu cơ tim:
- Liều dùng 100 mg/ngày, dùng 1 hoặc chia làm 2 lần.
Người lớn tuổi:
- Có thể giảm liều, đặc biệt bệnh nhân có suy giảm chức năng thận;
Phòng đau nửa đầu:
- Liều dùng là 50 - 100 mg/ngày;
Bệnh nhân suy thận:
- Độ thanh thải của creatinin 15 - 35 ml/phút: Liều tối đa 50 mg/ngày;
- Độ thanh thải của creatinin < 15 ml/phút: Liều tối đa 25 mg/ngày, hoặc 50 mg uống cách ngày;
- Bệnh nhân thẩm phân máu: 25 - 50 mg uống sau mỗi lần thẩm phân, theo dõi chặt chẽ vì hạ huyết áp có thể xảy ra.
2.2. Làm gì khi dùng quá liều thuốc Tenomin?
Triệu chứng quá liều thuốc Tenomin có thể xảy ra khi dùng liều cấp từ 5g trở lên.
Triệu chứng thường gặp do dùng thuốc Tenomin quá liều là: Ngủ lịm, ngừng xoang, chậm nhịp tim, hạ huyết áp, co thắt phế quản, rối loạn hô hấp, thở khò khè...
Điều trị quá liều bằng cách gây nôn, rửa dạ dày hoặc uống than hoạt hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng trong vòng 1 giờ sau khi uống thuốc, nhằm làm giảm sự hấp thu của thuốc qua đường tiêu hoá.
Atenolol có thể được loại bỏ khỏi tuần hoàn chung bằng thẩm phân máu. Những cách điều trị khác cần theo quyết định của bác sĩ, bao gồm:
- Nhịp tim chậm: Atropin tiêm tĩnh mạch trong trường hợp có block nhĩ thất cấp II hoặc cấp III. Nếu bệnh nhân không đáp ứng, có thể dùng Isoproterenol. Trong trường hợp kháng trị, dùng máy tạo nhịp tạm thời qua tĩnh mạch;
- Suy tim: Sử dụng Digitalis hoặc thuốc lợi tiểu. Tiêm tĩnh mạch Glucagon có thể được chỉ định;
- Hạ huyết áp: Dùng chất co mạch như Dopamin, Dobutamin, Adrenalin hoặc Noradrenalin và theo dõi huyết áp. Nếu huyết áp vẫn giảm và không đáp ứng với các chất co mạch thì có thể chỉ định truyền tĩnh mạch Glucagon;
- Co thắt phế quản: Sử dụng thuốc cường beta như Isoproterenol, Terbutalin; Atropin; Aminophylin tiêm tĩnh mạch hoặc Ipratropium khí dung.
- Hạ đường huyết: Truyền tĩnh mạch glucose. Tuỳ theo mức độ nặng của triệu chứng để quyết định hỗ trợ chăm sóc tích cực và phương tiện hỗ trợ tim, hô hấp.
3. Tác dụng phụ của thuốc Tenormin
Tác dụng không mong muốn thường gặp:
- Toàn thân: Mệt mỏi, yếu cơ, lạnh các đầu chi;
- Tim mạch: Nhịp tim chậm, block nhĩ thất cấp II và III, hạ huyết áp;
- Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn.
Tác dụng không mong muốn ít gặp:
- Rối loạn giấc ngủ, giảm nhu cầu tình dục;
- Tăng men gan (AST và ALT)
Tác dụng không mong muốn hiếm gặp:
- Toàn thân: Đau đầu, chóng mặt, dị cảm;
- Tim mạch: Làm trầm trọng thêm bệnh suy tim, khởi phát block nhĩ thất, hạ huyết áp thư thế, đau di lặc cách hồi, hội chứng Raynaud ở bệnh nhân nhạy cảm;
- Máu: Giảm tiểu cầu;
- Tâm thần: Ảo giác, ác mộng, trầm cảm, thay đổi tính tình, loạn thần;
- Tiêu hoá: khô miệng, nhiễm độc gan;
- Da: Rụng tóc, phát ban da, ban xuất huyết, phản ứng da tương tự vảy nến, làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến;
- Mắt: Rối loạn thị giác, khô mắt;
- Giảm nhu cầu tình dục, bất lực.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Tenormin
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tenormin:
- Không nên ngừng thuốc Tenomin đột ngột vì có thể làm nặng thêm triệu chứng đau thắt ngực, thúc đẩy nhồi máu cơ tim và loạn nhịp thất ở bệnh nhân có bệnh mạch vành. Thuốc Tenomin nên được giảm liều trong 7-14 ngày và theo dõi sát sao, đặc biệt đối với các bệnh nhân nguy cơ cao;
- Thận trọng ở những bệnh nhân có hội chứng nhiễm độc giáp vì có thể che lấp triệu chứng nhịp tim nhanh do cường giáp;
- Thận trọng khi dùng Atenolol đồng thời với thuốc gây mê vì có thể gây giảm huyết áp mạnh, kéo dài và khó duy trì được nhịp tim trong quá trình phẫu thuật. Tác dụng này có thể đảo ngược bằng Dobutamin hoặc Isoproterenol;
- Nên ngừng thuốc Tenomin ít nhất 24 giờ trước khi thực hiện phẫu thuật. Nếu quyết định vẫn dùng thuốc, cần theo dõi chặt chẽ dấu hiệu suy tim. Trong quá trình phẫu thuật nếu xuất hiện triệu chứng của cường phó giao cảm, sử dụng Atropin ngay lập tức;
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Tenomin ở bệnh nhân suy tim mất bù, tuy nhiên vẫn có thể dùng một cách thận trọng ở bệnh nhân suy tim còn bù;
- Thuốc ức chế thụ thể beta không chọn lọc có thể ức chế sự giãn cơ trơn khí quản, do đó không được dùng thuốc trong bệnh COPD hoặc hen phế quản. Tuy nhiên thuốc Tenomin ức chế chọn lọc thụ thể beta 1, nên thuốc có thể được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân co thắt khí phế quản không dung nạp với các thuốc hạ huyết áp khác;
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng có thể tăng nguy cơ dị ứng và phản ứng nặng hơn trong thời gian sử dụng thuốc chẹn beta. Bên cạnh đó, thuốc làm tăng tần suất và mức độ nặng của sốc phản vệ, trường hợp này thường không đáp ứng với Adrenaline. Khi đó, cần sử dụng Glucagon hoặc Ipratropium thay thế;
- Bệnh nhân đau thắt ngực thể prinzmetal: Sử dụng thuốc Tenomin có thể làm tăng tần suất và thời gian của cơn đau ngực. Do đó, cần thận trọng sử dụng thuốc trên những bệnh nhân này;
- Thận trọng sử dụng thuốc ở bệnh nhân block nhĩ thất cấp I do thuốc có tác dụng ức chế thời gian dẫn truyền cơ tim;
- Nên giảm liều sử dụng thuốc Tenomin khi bệnh nhân có nhịp tim chậm <50 lần/phút;
- Bệnh u tế bào ưa crom: Sử dụng thuốc nên dùng thuốc chẹn alpha đồng thời;
- Bệnh đái tháo đường: Thuốc có thể che lấp dấu hiệu nhịp tim nhanh do hạ glucose máu;
- Phụ nữ mang thai: Thuốc Tenomin có thể qua được nhau thai. Dùng thuốc ở phụ nữ sắp sinh có thể gây nhịp tim chậm, giảm glucose máu và huyết áp ở trẻ. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc có liên quan quan đến tình trạng chậm tăng trưởng thai. Cân nhắc giữa lợi ích và tác hại trước khi dùng thuốc;
- Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc được bài tiết vào sữa mẹ với tỷ lệ khoảng 1,5-6,8 lần so với nồng độ thuốc trong huyết tương của mẹ. Nhịp tim chậm và giảm glucose máu có thể xảy ra trong thời gian dùng thuốc.
5. Tương tác thuốc
Một số thuốc có thể xảy ra tương tác với thuốc Tenormin như:
- Atenolol, hoạt chất chính trong thuốc Tenomin có tác dụng hiệp đồng, làm tăng tác dụng hạ huyết áp của thuốc hạ áp khác như chẹn kênh calci (Verapamil, Diltiazem, Nifedipin, Amlodipin...); Hydralazin. Tác dụng hiệp đồng này thường có lợi trong điều trị nhưng cần kiểm soát liều dùng chặt chẽ.
- Các thuốc Digitalis glycosides khi kết hợp với các thuốc chẹn beta có thể làm tăng thời gian dẫn truyền nhĩ thất.
- Dùng cùng Reserpin có thể làm tăng tác dụng giảm huyết áp và chậm nhịp tim của Atenolol do tác dụng hủy catecholamin của Reserpin.
- Atenolol có thể làm trầm trọng tình trạng tăng huyết áp do phản ứng dội xảy ra do ngưng đột ngột Clonidine. Bệnh nhân dùng đồng thời hai thuốc Atenolol và Clonidine, nên nhưng Atenolol vài ngày trước khi ngừng Clonidin.
- Phối hợp Amiodaron với Atenolol có tác dụng cộng hưởng trên điều nhịp, làm nặng thêm nhịp tim chậm, ngừng tim.
- Dùng phối hợp với các thuốc cường giao cảm, ví dụ như Adrenaline, có thể làm mất tác dụng của thuốc chẹn beta.
- Insulin và thuốc uống điều trị đái tháo đường: Atenolol có thể che lấp triệu chứng nhịp tim nhanh dó hạ glucose máu.
- Các thuốc ức chế cyclooxygenase (như Indomethacin) có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc chẹn beta.
Tóm lại, công dụng Thuốc tenomin là điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực, loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim. Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.