Thuốc nhỏ mắt Taflotan có quy cách đóng gói là hộp 1 lọ nhựa dung tích 2,5ml, chứa tafluprost 0,0015%. Thuốc được chỉ định làm giảm áp lực nội nhãn cao ở những bệnh nhân glaucoma góc mở hoặc người bị tăng nhãn áp.
1. Công dụng của thuốc nhỏ mắt Taflotan
Taflotan là thuốc gì? Thành phần của Taflotan là tafluprost, có khả năng giảm áp lực nội nhãn bằng cách làm tăng dòng chảy màng bồ đào - củng mạc. Đây là loại thuốc nhỏ mắt, được chỉ định sử dụng trong trường hợp làm giảm áp lực nội nhãn cao ở những bệnh nhân bị glaucoma góc mở hoặc bị tăng nhãn áp.
Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Taflotan cho các trường hợp bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm với thành phần của thuốc.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Taflotan
2.1 Cách dùng
Cách dùng thuốc nhỏ mắt Taflotan như sau:
- Không nhỏ thuốc quá 1 lần/ngày vì nhỏ thuốc với tần suất dày hơn có thể làm giảm tác dụng hạ áp lực nội nhãn của thuốc;
- Sau khi nhỏ thuốc lần đầu khoảng 2 - 4 giờ, áp lực nội nhãn bắt đầu giảm, tác dụng tối đa đạt được sau 12 giờ;
- Taflotan có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc tra mắt khác để làm giảm áp lực nội nhãn. Nếu cần sử dụng trên 1 loại thuốc nhỏ mắt, người bệnh cần chú ý nhỏ mỗi loại thuốc cách nhau ít nhất 5 phút.
Lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt Taflotan:
- Cẩn thận không để đầu lọ thuốc chạm trực tiếp vào mắt để tránh làm nhiễm bẩn thuốc;
- Lau sạch hoặc rửa mặt ngay sau khi dung dịch thuốc thừa bị tràn ra vùng da quanh mắt;
- Khi dùng trên 1 loại thuốc nhỏ mắt, cần sử dụng cách nhau ít nhất 5 phút;
- Tháo kính sát tròng ra trước khi nhỏ thuốc Taflotan vì benzalkonium chloride có trong thuốc có thể gây đổi màu kính. Phải chờ tối thiểu 15 phút trước khi đeo kính áp tròng trở lại.
2.2 Liều dùng
Liều dùng khuyến nghị: Nhỏ 1 giọt thuốc nhỏ mắt Taflotan vào bên mắt bị bệnh, 1 lần/ngày vào buổi tối. Liều dùng cụ thể có thể được bác sĩ chỉ định riêng cho bệnh nhân tùy thể trạng, mức độ diễn tiến của bệnh,...
Quá liều: Chưa có trường hợp quá liều được báo cáo. Nếu xảy ra quá liều khi dùng thuốc Taflotan, bệnh nhân cần được điều trị triệu chứng.
Quên liều: Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ.
3. Tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt Taflotan
Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Taflotan, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn:
3.1 Tác dụng phụ thường gặp
Một số tác dụng phụ thường gặp trong quá trình sử dụng thuốc Taflotan:
- Rối loạn thần kinh: Đau đầu;
- Rối loạn da và mô dưới da: Nổi ban đỏ, mọc nhiều lông ở mí mắt;
- Rối loạn mắt: Lông mi bất thường (tăng độ dày, độ dài, số lượng lông mi,...), xung huyết kết mạc, kích ứng mắt, ngứa mắt, nhiễm sắc tố mống mắt, nhiễm sắc tố mí mắt, có cảm giác có vật lạ ở mắt, rối loạn biểu mô giác mạc, cảm giác bất thường ở mắt (khô, dính, khó chịu,...), đau mắt, viêm bờ mi, sợ ánh sáng, xuất tiết mắt, chảy nước mắt, cảm giác nặng ở mắt, nhìn mờ, phù kết mạc,...;
- Các xét nghiệm: Nghiệm pháp protein niệu dương tính, tăng nồng độ AST, tăng nồng độ kali trong huyết thanh.
3.2 Tác dụng phụ ít gặp
Một số tác dụng phụ ít gặp trong quá trình sử dụng thuốc Taflotan:
- Rối loạn mắt: Viêm kết mạc, viêm mống mắt, chảy máu dưới kết mạc, ngứa mắt, viêm bờ mi, viêm kết - giác mạc khô, đau mắt, kích ứng mắt, có cảm giác bất thường ở mắt (dính, khô, khó chịu,...), cảm giác nặng ở mắt hoặc có vật lạ ở mắt, viêm da mí mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ, khắc sâu rãnh mí mắt trên,...;
- Các xét nghiệm: Tăng bạch cầu ưa eosin, tăng nồng độ ALT, giảm số lượng bạch cầu, tăng acid uric, glucose niệu dương tính, tăng nồng độ gamma-GTP,...
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Taflotan, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ hoặc đi kiểm tra tại bệnh viện gần nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Taflotan
Khi sử dụng dung dịch nhỏ mắt Taflotan, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Nhiễm sắc tố: Taflotan có thể gây thay đổi mô sắc tố, làm tăng sắc tố mống mắt, mí mắt và lông mi. Sau khi ngưng sử dụng thuốc, sắc tố của mống mắt có khả năng không thay đổi, sắc tố ở mí mắt và lông mi có thể phục hồi. Vì vậy, bệnh nhân được điều trị bằng Taflotan cần được bác sĩ cho biết về việc có nguy cơ bị tăng sắc tố. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tăng sắc tố mống mắt có thể tiếp tục sử dụng Taflotan nhưng cần được thăm khám, kiểm tra mắt đều đặn;
- Thay đổi của lông mi: Thuốc nhỏ mắt Taflotan có thể dần dần làm thay đổi lông mi và lông tơ trong mắt. Những thay đổi này gồm làm tăng chiều dài, màu sắc, độ dày, hình dạng và số lượng lông mi. Các thay đổi của lông mi thường sẽ biến mất sau khi ngưng dùng thuốc;
- Viêm nội nhãn: Cần sử dụng Taflotan thận trọng trên những bệnh nhân đang có viêm nội nhãn (viêm màng bồ đào, viêm mống mắt) vì tình trạng viêm có thể trở nên nghiêm trọng hơn;
- Phù hoàng điểm: Cần sử dụng Taflotan thận trọng trên những người bệnh bị thiếu thủy tinh thể, có thủy tinh thể giả với vết rách bao sau hoặc người bệnh có các yếu tố nguy cơ phù hoàng điểm;
- Không sử dụng thuốc Taflotan cho bệnh nhi vì lo ngại về độ an toàn liên quan tới việc tăng sắc tố sau khi sử dụng một thời gian dài;
- Triệu chứng nhìn mờ có thể tạm xảy ra sau khi dùng thuốc Taflotan. Vì vậy, bệnh nhân nên tạm ngừng hoạt động lái xe, vận hành máy móc cho tới khi triệu chứng này mất đi;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Taflotan cho phụ nữ mang thai: Chỉ nên chỉ định nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ;
- Tránh sử dụng thuốc Taflotan cho phụ nữ đang cho con bú. Nếu việc dùng thuốc là cần thiết, bác sĩ cần hướng dẫn bệnh nhân ngưng cho con bú trong thời gian điều trị.
5. Tương tác thuốc Taflotan
Các chuyên gia không thực hiện những nghiên cứu chuyên biệt về tương tác thuốc Taflotan ở người, vì nồng độ của tafluprost trong cơ thể rất thấp sau khi nhỏ mắt. Trong các nghiên cứu lâm sàng, không thấy có sự tương tác rõ rệt ngay cả khi sử dụng kết hợp tafluprost với timolol. Dù vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng thuốc, bệnh nhân vẫn nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng và các bệnh mình đang mắc phải.
Thuốc nhỏ mắt Taflotan được chỉ định sử dụng để điều trị một số bệnh lý ở mắt. Vì thuốc tiềm ẩn nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn nên người bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, không lạm dụng thuốc. Nếu gặp phải bất cứ dấu hiệu nào cảnh báo tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân nên ngừng dùng thuốc, báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.