Kẽm được gọi là vi chất (hay nguyên tố vi lượng) vì là chất khoáng vô cơ được bổ sung hàng ngày vào cơ thể với lượng rất ít. Khi thiếu kẽm, cơ thể thường không có triệu chứng bộc phát rõ rệt nhưng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và chuyển hóa của cơ thể, với chán ăn là biểu hiện đầu tiên. Để ngăn ngừa tình trạng thiếu kẽm, nhiều người tìm đến các thuốc bổ sung vi chất này, điển hình là thuốc Oralzin Syrup.
1. Vai trò của kẽm. Thuốc Oralzin Syrup công dụng là gì?
1.1. Vai trò và đặc điểm của kẽm
Trong cơ thể, kẽm là một vi chất thiết yếu rất quan trọng đối với sự phát triển và duy trì các hoạt động của cơ thể. Kẽm tham gia vào thành phần của hơn 300 enzym chuyển hóa, tác động đến nhiều quá trình sinh học, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein, giúp hệ thống miễn dịch phòng chống các bệnh nhiễm trùng (đặc biệt là nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa).
Kẽm có đặc điểm nổi bật là đời sống sinh học ngắn (12,5 ngày) và không dự trữ trong cơ thể. Do vậy rất dễ bị thiếu kẽm nếu khẩu phần ăn hàng ngày cung cấp không đủ.
1.2. Đối tượng cần bổ sung kẽm
Kẽm thường có nhiều trong thịt hải sản như: trai, hàu, sò, trứng... Tuy nhiên, vẫn có một số đối tượng có nguy cơ thiếu hụt kẽm cao hơn so với người thường, đó là:
- Người ăn chay: Kẽm thường có hàm lượng lớn trong các loại cá, thịt nên những người ăn chay sẽ là đối tượng cần bổ sung lượng kẽm thiếu hụt trong thức ăn (có thể cần bổ sung hơn 50% nhu cầu so với những người không ăn chay);
- Người mắc bệnh tiêu hóa: Các bệnh như tiêu chảy, bệnh thận, viêm ruột hay hội chứng ruột ngắn đều ảnh hưởng nhất định đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng. Do vậy, bệnh nhân mắc các bệnh lý tiêu hóa nên chủ động bổ sung thêm hàm lượng kẽm;
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Kẽm giúp phân chia tế bào (đặc biệt trong giai đoạn thai kỳ) và ngăn ngừa nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, suy dinh dưỡng...
- Trẻ lớn chỉ bú sữa mẹ: Khi trẻ dưới 7 tháng tuổi, lượng kẽm trong sữa mẹ có thể đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên khi lớn hơn, nếu chỉ cho trẻ uống sữa mẹ thì sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu kẽm tăng lên theo tốc độ phát triển;
- Người nghiện rượu: Đối với những người thường xuyên sử dụng các chất kích thích, nồng độ kẽm trong cơ thể rất thấp do cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng do bị tổn thương đường ruột (do uống rượu quá nhiều), hoặc vì kẽm bị bài tiết nhiều qua đường tiểu.
1.3. Đối tượng sử dụng của thuốc Oralzin Syrup
Thuốc Oralzin Syrup thuộc nhóm thuốc bổ sung, dự phòng thiếu kẽm và hỗ trợ điều trị một số trường hợp đặc biệt. Thuốc được bào chế dưới dạng siro 100ml với thành phần chính là kẽm sulfate monohydrate.
Các chỉ định của thuốc Oralzin:
- Trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng, chậm phát triển;
- Phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú;
- Người thực hiện chế độ ăn kiêng hoặc khẩu phần ăn thiếu cân bằng, người truyền dinh dưỡng lâu dài qua đường tĩnh mạch;
- Bệnh nhân tiêu chảy cấp và mãn tính;
- Rối loạn tiêu hóa: Chậm tiêu, chán ăn, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn khi mang thai;
- Tái nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa hay trên da;
- Khô da, có vết thương chậm lành (bỏng, lở loét do nằm thời gian dài);
- Khô mắt, loét giác mạc, quáng gà;
- Người thiếu kẽm nặng với các biểu hiện tổn thương da và niêm mạc điển hình như: Viêm ruột, viêm da đầu chi, loạn dưỡng móng (móng có vệt trắng, chậm mọc, móng nhăn); viêm quanh lỗ tự nhiên (hậu môn, âm hộ), tiêu chảy.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Oralzin
Để cơ thể dễ hấp thu kẽm, người dùng được khuyến khích nên dùng siro kẽm 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng rối loạn tiêu hóa thì có thể uống thuốc trong bữa ăn để khắc phục.
Liều dùng thuốc Oralzin gợi ý:
- Trẻ em dưới 10kg: Uống 5ml x 2 lần/ngày;
- Trẻ em từ 10 - 20 kg: Uống 10ml x 1 - 3 lần/ngày;
- Trẻ em và người lớn trên 30kg: Uống 20ml x 1 - 3 lần/ngày.
Lưu ý: Nên dùng thuốc cách quãng chứ không nên dùng thuốc liên tục trong thời gian dài. Ví dụ, nếu dùng được 1-2 tháng thì nên nghỉ một thời gian (khoảng 1 tháng) rồi mới tiếp tục dùng thuốc trở lại.
3. Tác dụng phụ của thuốc Oralzin
Trong quá trình sử dụng, thuốc Oralzin có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Đau bụng;
- Khó tiêu;
- Buồn nôn và nôn;
- Nôn mửa;
- Tiêu chảy;
- Kích thích dạ dày;
- Viêm dạ dày.
Đặc biệt, các triệu chứng trên thường dễ gặp hơn khi người dùng uống thuốc lúc đói. Để khắc phục, các bác sĩ khuyến nghị người gặp các vấn đề về tiêu hóa nên uống thuốc Oralzin trong bữa ăn.
Trường hợp quá liều
- Khi uống kẽm nồng độ cao kéo dài sẽ dẫn tới thiếu đồng (do làm giảm hấp thu) gây nên thiếu máu do thiếu hồng cầu và giảm bạch cầu trung tính. Để khắc phục tình trạng quá liều, có thể dùng các thuốc tạo chelat (EDTA) để loại trừ bớt lượng kẽm trong huyết thanh;
- Trong ngộ độc cấp tính, muối kẽm bị ăn mòn dần do sự hình thành kẽm clorua từ axit dạ dày. Có thể xử lý bằng cách cho người bệnh uống sữa, cacbonat kiềm hoặc than hoạt tính. Tránh sử dụng biện pháp gây nôn hay rửa dạ dày.
Nếu người dùng gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian dùng thuốc Oralzin, nên chủ động thông báo cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Oralzin
Chống chỉ định dùng thuốc Oralzin cho các trường hợp sau:
- Quá mẫn cảm, dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc (đặc biệt là kẽm sulfate monohydrate);
- Suy gan, thận hay tuyến thượng thận nghiêm trọng;
- Có tiền căn bệnh sỏi thận.
Các lưu ý khác:
- Tránh dùng thuốc bổ sung kẽm trong giai đoạn bị loét dạ dày tiến triển và nôn ói cấp tính;
- Tránh dùng thuốc bổ sung kẽm đồng thời với đồng, sắt, canxi để tránh xảy ra tương tác làm giảm hấp thu kẽm. Nếu có thể nên uống cách xa nhau 2-3 giờ.
Nhìn chung, thuốc Oralzin Syrup có công dụng hỗ trợ điều trị và phòng bệnh thiếu kẽm hiệu quả ở trẻ nhỏ và người lớn. Thuốc giúp cải thiện chứng biếng ăn, giúp tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng. Để nâng cao hiệu quả của thuốc, người dùng nên nắm rõ và tuân thủ các hướng dẫn về liều dùng, thời điểm uống thuốc...
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.