Thuốc Labapraz là thuốc ức chế tiết acid dịch vị và ức chế bơm proton, có hoạt chất chính là Lansoprazol ở dạng viên nang giải phóng chậm. Labapraz có tác dụng trong điều trị loét dạ dày - tá tràng cấp cùng một số bệnh lý khác.
1. Thuốc Labapraz công dụng là gì?
Thuốc Labapraz là thuốc đường tiêu hóa với thành phần chính là Lansoprazol hàm lượng 15mg hoặc 30mg tùy loại chế phẩm. Lansoprazol là một chất ức chế bơm proton có tác dụng và sử dụng tương tự Omeprazol, nó có thể giúp chống tiết acid dạ dày. Hoạt chất này hoạt động bằng cách làm giảm sự tiết acid trong dạ dày, từ đó giảm thiểu các triệu chứng như ợ chua, khó nuốt và ho dai dẳng do trào ngược acid hay loét dạ dày - thực quản.
Với cách hoạt động đó, thuốc Labapraz thường được các bác sĩ chỉ định sử dụng cho người lớn và trẻ con trong các trường hợp:
- Điều trị cấp và duy trì viêm thực quản có trợt loét ở bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản (điều trị trong 8 tuần).
- Điều trị loét dạ dày – tá tràng cấp (do bị nhiễm hoặc không nhiễm H. pylori).
- Điều trị và dự phòng loét đường tiêu hóa do dùng thuốc chống viêm không steroid.
- Điều trị các chứng tăng tiết toan bệnh lý, ví dụ như hội chứng Zollinger – Ellison, u đa tuyến nội tiết hoặc tăng dưỡng bào toàn thân.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Labapraz
Cách dùng: Dùng thuốc với một lượng nước vừa đủ. Lansoprazol trong thuốc không bền trong môi trường acid (dịch dạ dày), do đó cần phải uống thuốc Labapraz trước khi ăn và không cắn vỡ hoặc nhai viên thuốc.
Liều dùng:
- Viêm thực quản có trợt loét (ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản):
- Điều trị các triệu chứng trong thời gian ngắn cho tất cả các trường hợp viêm thực quản: Liều người lớn 15 - 30mg/ lần/ ngày x 1 - 2 tháng. Có thể dùng thêm 2 tháng nữa nếu chưa khỏi các triệu chứng.
- Điều trị duy trì sau chữa khỏi viêm thực quản trợt loét để tránh tái phát: Liều người lớn 15mg/ ngày. Điều trị duy trì tối đa trong 1 năm.
- Loét dạ dày: Dùng 15 - 30mg/ lần/ ngày x 1 - 2 tháng. Khuyến khích uống trước bữa sáng.
- Loét tá tràng: Dùng 15mg/ lần/ ngày x 2 tháng hoặc đến khi khỏi bệnh.
- Dùng kết hợp với Amoxicillin và Clarithromycin trong điều trị nhiễm H. pylori ở người bệnh loét tá tràng thể: Liều dùng phối hợp chi tiết tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Tăng tiết toan khác (như hội chứng Zollinger-Ellison): Liều thường dùng cho người lớn là 60mg/lần/ngày. Nên uống thuốc trước bữa sáng. Sau đó, cần điều chỉnh liều theo sự dung nạp và mức độ cần thiết để đủ ức chế tiết acid dịch vị và duy trì điều trị cho đến khi đạt kết quả lâm sàng mong muốn.
- Với bệnh nhân bị suy gan nặng thì phải giảm liều, thường tối đa là 30mg/ ngày.
- Loét đường tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Điều trị loét nhưng vẫn dùng NSAID: Người lớn dùng 30mg/ngày x 2 tháng.
- Phòng loét dạ dày do uống NSAID ở bệnh nhân có tiền sử loét: Người lớn dùng liều 15mg/lần/ngày x 3 tháng. Hiệu quả kém so với điều trị bằng Misoprostol.
- Trào ngược dạ dày - thực quản: Trẻ em từ 1 - 11 tuổi và cân nặng < 30kg: Dùng liều 15mg/ lần/ ngày x 3 tháng; Với cân nặng > 30kg: Dùng liều 30mg/ lần/ ngày x 3 tháng; Với trẻ em từ 12 - 17 tuổi, liều dùng thông thường khi không bị loét: 15mg/ngày x 2 tháng, và nếu có loét: 30mg/ ngày x 2 tháng.
- Bệnh nhân bị suy thận nặng: Cần cân nhắc giảm liều.
3. Tác dụng phụ của thuốc Labapraz
Các tác dụng phụ mà người dùng thuốc Labapraz có thể gặp phải trong quá trình điều trị bằng thuốc thường là ở đường tiêu hóa như ỉa chảy, đau bụng, ngoài ra một số người dùng thuốc có thể thấy đau đầu, chóng mặt. Một số phản ứng không mong muốn có thể xảy ra như tăng mức Gastrin huyết thanh, tăng enzym gan, Hematocrit, Hemoglobin, Acid uric và protein niệu.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Labapraz
Thận trọng khi điều trị bằng thuốc Labapraz cho các trường hợp sau:
- Cần lưu ý giảm liều đối với người mắc bệnh về gan.
- Người bệnh mang thai và cho con bú.
5. Tương tác của thuốc Labapraz
Thuốc Labapraz được chuyển hóa nhờ hệ enzym cytochrom P450 nên nó xảy ra tương tác với các thuốc khác được chuyển hóa bởi cùng hệ enzym này. Do đó, không khuyến cáo dùng thuốc Labapraz đồng thời với các thuốc khác cũng được chuyển hóa bởi enzym cytochrom P450.