Thuốc Cipogip 500 Tablet thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm có thành phần Ciprofloxacin 500mg. Cipogip 500 Tablet sử dụng điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng, thận hoặc đường niệu, sinh dục kể cả bệnh lậu, bệnh đường tiêu hóa, ống mật, mô mềm, xương khớp...
1. Công dụng của thuốc Cipogip 500 Tablet
Thuốc Cipogip 500 Tablet có chứa thành phần chính là Ciprofloxacin (dạng Ciprofloxacin hydrochlorid) 500mg, các hoạt chất khác và tá dược hàm lượng vừa đủ. Ciprofloxacin là một kháng sinh bán tổng hợp, có phổ kháng khuẩn rộng, thuộc nhóm Quinolon hay còn được gọi là các chất ức chế DNA girase. Từ đó thuốc ngăn cản sự sao chép của chromosome làm cho vi khuẩn không sinh sản được nhanh chóng. Do đặc tính đặc hiệu của mình, Ciprofloxacin không bị đề kháng song song với các kháng sinh khác không thuộc nhóm ức chế men gynase. Ciprofloxacin có tác dụng tốt đối với các vi khuẩn kháng lại kháng sinh thuộc các nhóm khác (như Aminoglycosid, Cephalosporin, Tetracyclin, Penicilin...).
Do đó, thuốc Cipogip 500 được chỉ định cho nhiễm khuẩn nặng gây ra do các vi khuẩn nhạy cảm trong các trường hợp như:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp;
- Nhiễm khuẩn tai giữa (viêm tai giữa) và các xoang (viêm xoang), đặc biệt do vi khuẩn gram âm kể cả pseudomonas hoặc staphylococcus;
- Nhiễm khuẩn thận và đường tiết niệu do vi khuẩn Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Enterobacter cloacae, Serratia marcescens, Proteus mirabilis, Providencia rettgeri, Morganella morganii, Citrobacter diversus, Citrobacter freundii, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus epidermidis và Streptococcus faecalis;
- Nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục: bệnh lậu, viêm phần phụ và viêm tiền liệt tuyến;
- Nhiễm khuẩn ổ bụng;
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm do vi khuẩn Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Enterobacter cloacae, Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Providencia stuartii, Morganella morganii, Citrobacter freundii, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus, Staphyloceccus epidermidis và Streptococcus pyogenes;
- Nhiễm khuẩn xương khớp;
- Nhiễm khuẩn huyết;
- Nhiễm khuẩn hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn (dự phòng) ở người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu (bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc có tình trạng giảm bạch cầu);
- Nhiễm khuẩn ruột ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
Chống chỉ định sử dụng Cipogip 500 Tablet cho đối tượng sau:
- Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với Ciprofloxacin và các thuốc khác có liên quan như Acid nalidixic hoặc các Quinolon khác hay bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ cho con bú;
- Trẻ em và trẻ nhỏ;
- Bệnh nhân bị động kinh;
- Bệnh nhân có tiền sử bị đứt gân hoặc viêm gân.
2. Cách dùng và liều lượng thuốc Cipogip 500 Tablet
Cách dùng:
- Cipogip 500 Tablet ở dạng viên nén bao phim nên sử dụng bằng đường uống. Để Cipogip 500 hấp thu nhanh, nên uống sau bữa ăn 2 tiếng. Bệnh nhân cần đều đặn uống nhiều nước và không uống thuốc chống acid dạ dày trong vòng 2 giờ sau khi uống Cipogip 500 Tablet.
Liều dùng:
- Nhiễm khuẩn hô hấp (phụ thuộc vào sự trầm trọng và lượng vi khuẩn): 250-500mg/ lần x 2 lần/ ngày.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu:
- Cấp tính và không có biến chứng: 125-250mg/ lần x 2 lần/ ngày;
- Viêm bàng quang ở phụ nữ (tiền mãn kinh): Liều dùng duy nhất 250mg;
- Biến chứng: 250-500mg/ lần x 2 lần/ ngày;
- Trong nhiễm khuẩn tiết niệu do Chlamydia: Trong trường hợp cần, nên tăng liều hàng ngày lên đến 750mg/ lần x 2 lần/ ngày.
- Bệnh lậu:
- Ngoài cơ quan sinh dục: 125mg/ lần x 2 lần/ ngày;
- Cấp tính hoặc không có biến chứng: liều duy nhất 250mg;
- Nhiễm khuẩn khác: 500mg/ lần x 2 lần/ ngày ;
- Nhiễm khuẩn trầm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng như: Streptococcal pneumonia, nhiễm khuẩn tái phát trong xơ nang, nhiễm khuẩn xương và khớp, nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc, đặc biệt do Pseudomonas, Staphylococeus hoặc Streptococcus: 750mg/ lần x 2 lần/ ngày.
Ghi chú: Đối với các liều dưới 500mg, tham khảo các dạng chế phẩm viên nén 100mg, 150mg, 200mg, 300mg, 400mg khác của cùng loại hoạt chất Ciprofloxacin giống thuốc Cipogip 500 Tablet để có liều dùng hiệu quả nhất.
3. Các tác dụng ngoài ý muốn của thuốc Cipogip 500 Tablet
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Cipogip 500 Tablet, người sử dụng có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn. Hầu hết tác dụng phụ của thuốc là lên dạ dày - ruột, thần kinh trung ương và da:
- Thường gặp (> 1%):
- Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng;
- Tăng tạm thời nồng độ các transaminase.
- Ít gặp (0,1% < ADR < 1%):
- Nhức đầu hoặc sốt do thuốc;
- Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu lympho, giảm bạch cầu đa nhân, thiếu máu và giảm tiểu cầu;
- Nhịp tim nhanh;
- Kích động;
- Rối loạn tiêu hóa;
- Nổi ban, ngứa, viêm tĩnh mạch nông;
- Tăng tạm thời bilirubin, creatinin và phosphatase kiềm trong máu;
- Đau ở các khớp, sưng khớp.
- Hiếm gặp (ADR < 0,1%):
- Phản ứng phản vệ hoặc các dạng phản vệ;
- Thiếu máu tan máu, tăng bạch cầu và tiểu cầu, thay đổi nồng độ prothrombin;
- Cơn co giật, hoang tưởng, mất ngủ, lú lẫn, trầm cảm, loạn cảm ngoại vi, rối loạn thị giác bao gồm cả ảo giác, rối loạn thính giác, rối loạn tâm thần, ù tai, rối loạn vị giác và khứu giác, tăng áp lực nội sọ;
- Viêm đại tràng màng giả;
- Hội chứng da - niêm mạc, viêm mạch, hội chứng Lyell, ban đỏ da thành nốt, ban đỏ đa dạng tiết dịch;
- Có thể bị hoại tử tế bào gan, viêm gan và vàng da ứ mật;
- Đau cơ hoặc bị viêm gân (gân gót) và mô bao quanh. Có một vải trường hợp bị đứt gân, đặc biệt là ở người già khi dùng kèm với corticosteroid;
- Xuất hiện tinh thể niệu khi nước tiểu kiềm tính, đái ra máu, suy thận cấp và viêm thận kẽ;
- Nhạy cảm với ánh sáng trong lúc phơi nắng, phù thanh quản hay phù phổi, khó thở và co thắt phế quản.
4. Chú ý khi dùng thuốc Cipogip 500 Tablet
- Dùng thuốc Cipogip 500 Tablet lâu dài có thể làm các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc phát triển quá mức. Cần phải theo dõi bệnh nhân và làm kháng sinh đồ thường xuyên để có biện pháp điều trị thích hợp;
- Cipogip 500 có thể làm cho các xét nghiệm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis bị âm tính giả;
- Không khuyến khích sử dụng Cipogip 500 Tablet cho trẻ nhỏ và trẻ đang lớn (thuốc có thể gây thoái hóa sụn ở các khớp chịu trọng lực);
- Sử dụng thuốc Cipogip 500 Tablet có thể gây hoa mắt chóng mặt, đầu óc quay cuồng và ảnh hưởng đến việc điều khiển xe cộ hoặc vận hành máy móc. Ngay cả khi dùng thuốc theo đúng hướng dẫn sử dụng, Cipogip 500 vẫn có thể ảnh hưởng lên tốc độ phản xạ, đặc biệt là khi dùng rượu hoặc đồ uống có cồn;
- Cần thận trọng khi sử dụng cho người bị suy thận nặng, rối loạn huyết động não hoặc người cao tuổi. Ngưng dùng thuốc khi có những triệu chứng đau, viêm, đứt gân;
- Tránh dùng trong suốt thai kỳ, vì thuốc Cipogip 500 Tablet có thể gây nên các bệnh về khớp trong nghiên cứu trên động vật nên thay bằng các thuốc an toàn hơn nếu có;
- Thuốc Cipogip 500 sẽ truyền qua trẻ thông qua bú sữa mẹ, do vậy không nên hoặc hạn chế dùng thuốc này trong thời gian cho con bú.
5. Tương tác của thuốc Cipogip 500 Tablet
- Dùng chung với các thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen, Indomethacin...) có thể làm tăng các tác dụng phụ của thuốc Cipogip 500 Tablet;
- Sử dụng Cipogip 500 cùng với thuốc chống toan có nhôm và magnesi có khả năng làm giảm nồng độ trong huyết thanh và khả dụng sinh học của Ciprofloxacin; Không nên uống đồng thời Cipogip 500 với các thuốc chống toan, cần uống thuốc xa nhau (nên uống thuốc chống toan 2 - 4 giờ trước khi uống Cipogip 500 Tablet) nhưng thuốc vẫn không đạt hiệu quả tối ưu;
- Độ hấp thu của Ciprofloxacin sẽ bị giảm đi một nửa nếu dùng kèm với một số thuốc gây độc tế bào (như Cyclophosphamid, Vincristin, Doxorubicin, Cytosin Arabinosid, Mitozantron);
- Nếu uống đồng thời với Didanosin thì nồng độ Ciprofloxacin sẽ bị làm giảm đi đáng kể. Vì vậy nên uống Cipogip 500 trước khi dùng Didanosin 2 giờ hoặc sau 6 giờ.
- Các chế phẩm có sắt (fumarat, gluconat, sulfat) có thể làm giảm đáng kể sự hấp thụ của Ciprofloxacin ở ruột. Các chế phẩm có kẽm sẽ gây ảnh hưởng ít hơn. Tránh dùng đồng thời Ciprofloxacin với các chế phẩm có sắt hoặc kẽm và nên uống các loại thuốc này cách càng xa nhau càng tốt.
- Dùng đồng thời với Sucralfat cùng có thể làm giảm hấp thụ của Ciprofloxacin một cách đáng kể. Nên cho uống Cipogip 500 Tablet 2 - 6 giờ trước khi uống Sucralfat.
- Sử dụng Cipogip 500 đồng thời với Theophylin còn có thể làm tăng nồng độ Theophylin trong huyết thanh, gây ra nguy cơ mắc các tác dụng phụ của Theophylin. Cần kiểm tra nồng độ Theophylin trong máu, giảm liều trong trường hợp buộc phải dùng 2 loại thuốc.
- Ciprofloxacin trong thuốc Cipogip 500 Tablet và Ciclosporin dùng đồng thời có thể gây tăng creatinin huyết thanh. Cần phải kiểm tra creatinin huyết mỗi tuần 2 lần.
- Probenecid giảm mức lọc cầu thận và giảm bài tiết ở ống thận và nó sẽ giảm đào thải thuốc qua nước tiểu nếu dùng chung 2 loại thuốc.
- Warfarin khi phối hợp với Ciprofloxacin có thể gây hạ prothrombin. Cần phải thường xuyên kiểm tra prothrombin huyết và điều chỉnh liều dùng của thuốc chống đông máu.
Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Cipogip 500 Tablet. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Cipogip 500 Tablet theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.