Thuốc Cefobid thuộc nhóm thuốc kháng sinh Cephalosporin với thành phần chính là Cefoperazone sodium. Thuốc Cefobid được chỉ định để dùng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, huyết, da, mô mềm, xương khớp và viêm màng bụng,...
1. Thuốc Cefobid là thuốc gì?
Được điều chế dưới dạng bột pha tiêm, thuốc Cefobid là thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, kháng khuẩn. Hoạt chất chủ yếu trong thuốc là Cefoperazone sodium 1g cùng nhiều loại tá dược và phụ liệu khác. Cefoperazone là kháng sinh bán tổng hợp nhóm Cephalosporin thế hệ 3, có tác dụng giúp diệt khuẩn bằng cách ức chế sự tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn đang phát triển và phân chia. Chính vì vậy, công dụng thuốc Cefobid đặc biệt được phát huy hiệu quả với các chủng vi khuẩn có khả năng sản sinh Beta-lactamase thuộc cả nhóm vi khuẩn gram âm và gram dương.
Với công dụng như vậy, thuốc Cefobid thường được các bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp:
- Nhiễm trùng đường hô hấp;
- Viêm phúc mạc;
- Nhiễm trùng máu, nhiễm trùng da;
- Viêm vùng chậu hay viêm nội mạc tử cung;
- Nhiễm trùng đường tiết niệu;
- Ngoài ra, có thể dùng thuốc để dự phòng nhiễm trùng sau phẫu thuật cho những người bệnh được phẫu thuật vùng bụng, phụ khoa, tim mạch và chấn thương chỉnh hình.
Chống chỉ định điều trị bằng thuốc Cefobid cho các đối tượng:
- Quá mẫn với Cefoperazone hoặc Cephalosporins.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Cefobid
Cách dùng: Có thể dùng thuốc Cefobid bằng đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch (tùy mức độ nghiêm trọng và diễn biến của bệnh). Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc dưới sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ. Đặc biệt, không dùng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định.
Tham khảo liều dùng sau:
- Nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình: Truyền 1 - 2g cách mỗi 12 giờ.
- Nhiễm khuẩn nặng: Truyền 2 - 4g cách mỗi 12 giờ.
- Liều thông thường cho trẻ em: Truyền 25 - 100mg/ kg mỗi 12 giờ.
- Bệnh nhân suy thận: Không cần thiết phải giảm liều dùng thông thường.
- Liều dùng tối đa dành cho người bị bệnh gan hoặc tắc mật là 4g/ ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Cefobid
Sau đây là các triệu chứng của tác dụng phụ của thuốc Cefobid (hầu hết đều ở mức độ nhẹ) mà người dùng có thể gặp phải:
- Các chứng rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng;
- Giảm bạch cầu có thể hồi phục hoặc giảm Prothrombin máu;
- Mề đay, nổi ban đỏ kèm theo sốt.
Lưu ý: Người sử dụng cần ngưng dùng thuốc Cefobid khi các triệu chứng kể trên không thuyên giảm hay xuất hiện triệu chứng khác. Báo ngay cho bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được chỉ dẫn sử dụng các loại thuốc khác thay thế.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Cefobid
Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefobid cho các đối tượng sau:
- Người bệnh có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị dị ứng;
- Bệnh nhân bị suy thận hoặc suy gan nặng;
- Người bệnh cao tuổi, suy kiệt hoặc ăn uống kém;
- Bà mẹ có thai và cho con bú.
5. Tương tác của thuốc Cefobid
Tránh sử dụng các đồ uống có chứa cồn sau trong quá trình điều trị bằng thuốc Cefobid vì việc sử dụng đồng thời có thể gặp các biểu hiện đặc trưng như cơ thể đỏ bừng, ra mồ hôi, đau đầu, buồn nôn, nôn kể cả nhịp tim nhanh.