Thuốc Avir là thuốc không kê đơn (OTC) dùng để điều trị nhiễm Herpes zoster (bệnh Zona thần kinh) cấp tính, viêm phổi do Herpes zoster ở người lớn, nhiễm ban đầu và tái phát nhiễm Herpes sinh dục, zona mắt, thủy đậu xuất huyết, thủy đậu ở trẻ sơ sinh, bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
1. Thuốc Avir là thuốc gì? Thuốc Avir có tác dụng gì?
Avir là thuốc kháng sinh dùng để điều trị nhiễm virus Herpes zoster (bệnh zona) cấp tính. Thuốc có thành phần chính là Aciclovir 200mg và tá dược vừa đủ khác. Với thành phần như trên, thuốc Avir được chỉ định cho các trường hợp:
- Điều trị khởi đầu & dự phòng tái nhiễm Herpes simplex tuýp 1 và 2 ở da, niêm mạc, viêm não do Herpes simplex;
- Điều trị nhiễm Herpes zoster cấp tính, viêm phổi do virus Herpes zoster ở người lớn, zona mắt;
- Thủy đậu xuất huyết, thủy đậu ở trẻ sơ sinh, thủy đậu ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch;
- Điều trị khởi đầu & tái phát của mụn rộp (Herpes) sinh dục.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Avir
Thuốc Avir có thể dùng cho cả người lớn và trẻ em. Liều dùng thuốc Avir sẽ được chỉ định tùy theo từng trường hợp. Người bệnh có thể tham khảo gợi ý dùng thuốc như sau:
2.1. Điều trị nhiễm virus Herpes simplex
- Người lớn: Dùng mỗi lần 200mg (400mg ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch). Ngày uống 5 lần, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Liệu trình 5-10 ngày;
- Trẻ em< 2 tuổi: Dùng thuốc bằng nửa liều người lớn;
- Trẻ em > 2 tuổi: Dùng thuốc bằng liều người lớn.
2.2. Phòng tái nhiễm virus Herpes simplex
Người lớn: Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân ghép tạng dùng thuốc giảm miễn dịch, bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân dùng hóa liệu pháp: Dùng 200-400mg/lần; ngày dùng 4 lần.
- Trẻ em< 2 tuổi: Dùng thuốc bằng nửa liều người lớn;
- Trẻ em > 2 tuổi: Dùng thuốc bằng liều người lớn.
2.3. Điều trị thủy đậu và zona thần kinh
- Người lớn: Uống 800mg/lần, ngày uống 5 lần. Liệu trình điều trị 7 ngày;
- Trẻ em: Uống mỗi lần 20mg/kg thể trọng (tối đa 800mg), ngày 4 lần, liệu trình 5 ngày. Hoặc tham khảo:
- Trẻ em <2 tuổi: Uống 200mg/lần, ngày 4 lần;
- Trẻ 2-5 tuổi: Uống 400mg/lần, ngày 4 lần;
- Trẻ em>6 tuổi: Uống 800mg/lần, ngày 4 lần.
- Bệnh nhân suy thận: Có thể bắt đầu như liều người bình thường, tuy nhiên Aciclovir được đào thải qua thận nên cần cân nhắc điều chỉnh liều (với cả bệnh nhân suy thận lẫn người bệnh lớn tuổi). Liều điều chỉnh dựa trên độ thanh thải creatinin như sau:
- Độ thanh thải 10-25ml/phút: Cách 8 giờ uống 1 lần;
- Độ thanh thải <10ml/phút: Cách 12 giờ uống 1 lần.
*Lưu ý: Điều trị bằng Acyclovir phải được bắt đầu càng sớm càng tốt ngay khi có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
3. Tác dụng phụ của thuốc Avir
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Avir, người dùng có thể gặp phải các vấn đề sau:
- Dùng ngắn hạn có thể có cảm giác buồn nôn, nôn;
- Dùng dài hạn (1 năm) có thể bị: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, phát ban, nhức đầu.
Nếu gặp phải các tác dụng phụ kể trên hoặc phản ứng bất thường khi dùng thuốc Avir, cần thông báo ngay cho bác sĩ.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Colestrim supra
Chống chỉ định dùng thuốc Avir cho người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc. Đặc biệt thận trọng dùng thuốc Avir cho các trường hợp sau:
- Phụ nữ đang cho con bú;
- Phụ nữ đang mang thai;
- Bệnh nhân suy thận (liều điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin);
- Người cao tuổi.
5. Tương tác của thuốc Avir
Những thuốc có thể tương tác với thuốc Avir:
- Dùng đồng thời thuốc Zidovudin và Acyclovir có thể khiến người dùng bị ngủ lịm và lơ mơ;
- Thuốc Probenecid ức chế cạnh tranh đào thải Acyclovir qua ống thận, nên tăng đến 40% và giảm thải trừ qua nước tiểu và độ thanh thải của Acyclovir.
- Amphotericin B và thuốc Ketoconazol làm tăng hiệu lực chống virus của Acyclovir;
- Dùng Acyclovir dạng tiêm phải thận trọng với người bệnh đã có phản ứng về thần kinh khi dùng thuốc Methotrexat.
Thuốc Avir là thuốc không kê đơn (OTC) dùng để điều trị nhiễm Herpes zoster (bệnh Zona thần kinh) cấp tính, viêm phổi do Herpes zoster ở người lớn, nhiễm ban đầu và tái phát nhiễm Herpes sinh dục, zona mắt, thủy đậu xuất huyết, thủy đậu ở trẻ sơ sinh, bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.