Sự thiếu hụt kẽm trong cơ thể có liên quan đến một loạt các biểu hiện bất thường của làn da, chẳng hạn như viêm da quanh miệng, quanh mắt và quanh vùng hậu môn. Các hội chứng này có thể được đảo ngược nếu cơ thể bổ sung kẽm một cách đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công khi điều trị bằng kẽm trong da liễu rất khác nhau, tùy thuộc vào từng bệnh và cách sử dụng.
1. Vai trò của kẽm trong da liễu
Kẽm là một trong nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần. Vai trò quan trọng nhất của kẽm là bảo vệ hệ thống miễn dịch bằng cách chống lại các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể và hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
Ngoài khả năng giúp bạn khỏe mạnh bằng cách giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tật, kẽm cũng được nghiên cứu cho các vấn đề sức khỏe khác, trong đó có da liễu.
Vai trò của kẽm trong da liễu bao gồm:
- Kẽm điều trị mụn trứng cá là phương pháp đang được đánh giá cao và có tiềm năng. Kẽm có đặc tính chống viêm, vì thế nhiều người ứng dụng kẽm trị mụn. Mẩn đỏ và kích ứng liên quan đến mụn trứng cá ở mức độ trung bình đến nặng có thể được giảm đi đáng kể nhờ kẽm. Sử dụng kẽm trị mụn thậm chí có thể giúp giảm và phòng ngừa sự xuất hiện của sẹo mụn.
- Bên cạnh đó, kẽm trong da liễu còn được nghiên cứu để điều trị các triệu chứng của bệnh chàm. Bởi kẽm có đặc tính chống viêm và làm tăng sự tái tạo bề mặt của vết thương trên da với biểu mô mới.
- Ngoài ra, kẽm oxit từ lâu đã được sử dụng như một chất làm dịu và chống ngứa để điều trị hăm tã.
Đối với những bệnh nhân chàm da, trước khi quyết định bổ sung kẽm vào liệu trình điều trị cần nói chuyện với bác sĩ da liễu. Bệnh chàm có thể gây cảm giác ngứa một cách nghiêm trọng. Một biện pháp khắc phục tại nhà để đối phó với chứng ngứa do chàm là kem dưỡng da calamine. Một trong những thành phần chính trong kem dưỡng da calamine là oxit kẽm. Nghiên cứu chỉ ra rằng, kẽm là một lựa chọn điều trị hữu ích giúp giảm triệu chứng ngứa vì nó ức chế hoạt động của dưỡng bào, làm giảm sự bài tiết histamin, chất trung gian hóa học gây ngứa.
Các vai trò của kẽm trong da liễu cũng bước đầu được đề cập đến trong một số nghiên cứu khác, bao gồm:
- Theo một đánh giá vào năm 2014, khi kẽm sulfat được thêm vào kem clobetasol, những bệnh nhân bị chàm mãn tính đã có sự cải thiện đáng kể, có ý nghĩa về mặt thống kê so với khi sử dụng loại kem không chứa kẽm sulfat. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa mạnh, kẽm cũng đã được sử dụng để điều trị viêm da dị ứng.
- Một nghiên cứu năm 2016 đã kết luận rằng thiếu kẽm và viêm da dị ứng có nhiều đặc điểm tương đồng nhưng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định mối quan hệ nguyên nhân và kết quả giữa hai vấn đề này.
- Một nghiên cứu khác năm 2013 đã chứng minh rằng những người bị viêm da dị ứng sử dụng hàng dệt may chứa oxit kẽm đã cải thiện đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh, giảm cảm giác ngứa ngáy so với những người không sử dụng hàng dệt may.
2. Sử dụng kẽm trong da liễu đúng cách
Nếu muốn bổ sung kẽm vào liệu trình trị mụn, bạn cần chọn dạng phù hợp nhất với mục đích sử dụng.
Các trường hợp bị mụn trứng cá nặng nên bổ sung kẽm thông qua chế độ ăn uống. Thuốc trị mụn loại không kê đơn thường không thể điều trị mụn nang và nốt sần.
Nếu tình trạng mụn trứng cá ở mức độ nhẹ hơn và bạn đang bổ sung đủ kẽm trong chế độ ăn uống, kẽm bôi tại chỗ có thể là phương pháp điều trị đủ để giúp trị mụn. Kẽm trị mụn ở dạng bôi tại chỗ dường như không có tác dụng với các loại mụn bọc, mụn nang nặng.
Tất cả các sản phẩm dành cho da đều có khả năng gây ra tác dụng phụ, ngay cả khi bạn không có làn da nhạy cảm. Luôn tiến hành kiểm tra để đánh giá nguy cơ phản ứng dị ứng của bạn bằng cách thoa một ít sản phẩm lên da. Cụ thể:
- Chọn một vùng da nhỏ cách xa khuôn mặt của bạn.
- Thoa một lượng nhỏ sản phẩm và đợi trong vòng 24 giờ.
- Bạn có thể thoa lên mặt nếu không có tác dụng phụ xảy ra sau đó. Nhưng nếu bạn bị mẩn đỏ, phát ban hoặc nổi mề đay, hãy ngừng sử dụng sản phẩm.
Các bước hướng dẫn in trên các sản phẩm có chứa kẽm luôn cần được tuân theo. Một số sản phẩm chứa kẽm trị mụn cần được sử dụng với tần suất ít thường xuyên hơn những sản phẩm khác hoặc chỉ bắt đầu dùng vào buổi tối.
Có thể mất đến 3 tháng sử dụng thuốc để có thể thấy được kết quả một cách rõ ràng. Nếu vẫn chưa nhận thấy bất kỳ thay đổi nào sau đó, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc liệu kẽm có thể giúp bạn trị mụn từ trong ra ngoài hay không. Bác sĩ có thể đề xuất một số thay đổi từ chế độ ăn uống hoặc từ các viên uống bổ sung.
3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng kẽm trong da liễu
Giống như bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào khác, kẽm trị mụn bôi ngoài da có thể gây mẩn đỏ hoặc kích ứng da. Kiểm tra tính nhạy cảm của làn da với sản phẩm đó trước khi sử dụng có thể giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ. Ngừng sử dụng kẽm tại chỗ trực tiếp trên da nếu bạn bị phát ban hoặc nổi mề đay sau khi sử dụng.
Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng kẽm điều trị mụn có thể dễ xuất hiện hơn nếu bạn có làn da nhạy cảm. Sử dụng nhiều sản phẩm trị mụn cùng một lúc cũng có thể làm tăng nguy cơ.
Ngoài ra, việc bổ sung kẽm thông qua viên uống bổ sung có thể phải đối diện với biến chứng quá liều. Ngộ độc kẽm có thể dẫn đến các tác động có hại lên đường tiêu hóa. Ngoài ra, quá nhiều kẽm trong cơ thể cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh như yếu và tê ở tứ chi.
Trước khi quyết định sử dụng kẽm trị mụn, bạn cần nói chuyện với bác sĩ. Các viên uống bổ sung kẽm có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn, bao gồm thuốc kháng sinh và những thuốc được sử dụng cho các bệnh tự miễn dịch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov, healthline.com